Trong buổi diễu binh kỷ niệm ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành tuần trước, Triều Tiên đã công bố video mô phỏng cuộc tấn công Mỹ bằng tên lửa. Bình Nhưỡng cũng giới thiệu hai loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới, lớn hơn các mẫu hiện có và được thiết kế để tiếp cận bờ biển Đông nước Mỹ. Động thái này được coi như một hình thức gây hoang mang dư luận quốc tế, đồng thời thể hiện tham vọng đe dọa an ninh lục địa Mỹ.
Sự kiện này khiến cho căng thẳng giữa hai quốc gia tăng lên mức báo động. Người dân Mỹ ở những thành phố lớn như San Francisco, Portland và Seattle đang bắt đầu đặt ra câu hỏi: Liệu xung đột có xảy ra?
Mối đe dọa đáng được quan tâm
Thời gian gần đây, Triều Tiên đã chứng tỏ là mối đe dọa hạt nhân lớn đối với Hàn Quốc, Nhật Bản và thậm chí cả Trung Quốc. Tuy nhiên, Triều Tiên chưa từng có một loại ICBM nào có thể vượt qua gần 5.500 dặm Thái Bình Dương, bất chấp số lần thử nghiệm tên lửa tăng đáng kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền năm 2011. Ông Kim Jong-un nói muốn thử nghiệm ICBM vào cuối năm 2017, nhưng nhiều chuyên gia nghi ngờ sự thành công của thử nghiệm này.
Một trong những loại tên lửa của Triều Tiên tại lễ diễu binh sáng 15/4. (Nguồn: BBC) |
Nếu muốn tấn công Mỹ, Triều Tiên cần vượt qua hai thách thức kỹ thuật: chế tạo thành công hệ thống ICBM và đầu đạn tên lửa. Không giống các tên lửa tầm ngắn, các tên lửa tầm xa có nhiều động cơ và giai đoạn bay. Như vậy, các kỹ sư Triều Tiên phải chế tạo được tên lửa, bom có sức chịu đựng lực rung và ép cực mạnh của quá trình phóng cũng như quá trình thay đổi nhiệt khi cất, hạ cánh.
Cho tới nay, Triều Tiên đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tháng 2/2017, Bình Nhưỡng bắn một tên lửa tầm trung vào vùng biển Nhật Bản, bay xa khoảng 300 dặm. Nước này cũng đang phát triển một tên lửa với tầm bắn ước tính 2.200 dặm, gần một nửa đường đến Hawaii, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình khởi động.
Joshua Pollack, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, California cho biết: “Phải đến khi Triều Tiên thử nghiệm ICBM, chúng ta mới có thể đánh giá được khả năng của nước này”. Ông cũng dự báo thời điểm Triều Tiên phóng thử tên lửa ICBM cũng như “đếm cua trong lỗ” - có thể là ngày mai, nhưng cũng có thể là 1, 2 năm nữa. Tuy nhiên, dựa trên tỷ lệ thử nghiệm tên lửa trong 6 năm qua, một số chuyên gia khác ước tính đến năm 2020, Triều Tiên có thể chế tạo thành công hệ thống tên lửa vươn tới Mỹ. Đây thực sự là một mối đe doạ đáng được quan tâm.
Một binh sĩ đứng gần khu vực Tongchang-ri, nơi Triều Tiên từng thực hiện nhiều vụ phóng tên lửa trong những năm qua. (Nguồn: AP) |
Triều Tiên không thể che đậy các cuộc thử nghiệm tên lửa do sự quan sát của hệ thống vệ tinh. Bất chấp điều này, Bình Nhưỡng đã lựa chọn thử nghiệm hạt nhân trong đường hầm dưới núi. Điều này làm giảm khả năng theo dõi của vệ tinh về số lượng, thể loại cũng như độ tinh vi của các loại bom mà Triều Tiên đang sở hữu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng nước này có thể có đủ phương tiện để gắn đầu đạn hạt nhân vào ICBM.
Washington phản ứng ra sao?
Từ trước đến nay, Mỹ luôn tìm cách ngăn chặn Triều Tiên phóng tên lửa, trong đó có một loạt các cuộc tấn công mạng do cựu Tổng thống Barack Obama khởi xướng. Tuy nhiên, các hacker chỉ có thể trì hoãn tham vọng của Bình Nhưỡng trong ngắn hạn. Chính sách “không đàm phán” của Obama về “sự kiên nhẫn chiến lược” bị chỉ trích là đã cho Triều Tiên thời gian phát triển tên lửa đạn đạo ICBM.
Về phần mình, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đã tuyên bố trên Twitter đầu năm nay rằng Bình Nhưỡng sẽ không thử nghiệm ICBM, nhưng các cố vấn của ông vẫn không loại trừ khả năng tấn công phủ đầu quân sự nếu cần thiết.
Nói chung, bất cứ quốc gia nào cũng hiểu được cái kết của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Triều Tiên sẽ không “đưa cả thế giới quay lại thời đồ đá” nếu không bị dồn vào chân tường. Dù sao, Mỹ đã cùng tồn tại trong nhiều thập kỷ với các đối thủ hạt nhân khác như Nga và Trung Quốc. Bất chấp những căng thẳng gay gắt giữa các bên, hoà bình vẫn được kéo dài cho đến ngày nay.