📞

Cách tiếp cận Bình Nhưỡng của Ấn Độ

16:03 | 20/05/2018
Bán đảo Triều Tiên ổn định và yên bình là quan tâm của Ấn Độ và New Delhi hoan nghênh những sáng kiến gần đây của các cường quốc trong khu vực.

Khi phương trình chiến lược ở bán đảo Triều Tiên trải qua sự thay đổi đáng kể, Ấn Độ đã quyết định tham gia vào điểm nóng này. Hồi đầu tuần, Bí thư Đối ngoại VK Singh đã thăm Triều Tiên 2 ngày. Chuyến thăm cấp Bộ trưởng đầu tiên của Ấn Độ tới Triều Tiên trong gần 2 thập niên qua diễn ra theo lời mời của Chính phủ Triều Tiên, nhưng vào thời điểm mà sự phát triển trong khu vực có tiềm năng mang lại sự cân bằng cơ bản về quyền lực.

Quan hệ lâu dài Ấn - Triều

Ấn Độ từ lâu quan ngại với vai trò của Pakistan trong việc giúp Triều Tiên phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa. Chuyến thăm của Tướng VK Singh nhấn mạnh “mối đe dọa từ sự phổ biến hạt nhân, đặc biệt là các quan tâm của Ấn Độ trong bối cảnh mối liên hệ về phổ biến (hạt nhân) với láng giềng của Ấn Độ”. Đổi lại, Bình Nhưỡng trấn an New Delhi rằng “một Triều Tiên thân thiện sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ hành động nào tạo ra mối lo ngại cho an ninh của Ấn Độ”. Đánh dấu 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên không chỉ khám phá sự hợp tác trong các lĩnh vực như đào tạo nghề, nông nghiệp, dược phẩm, thúc đẩy Yoga và y học cổ truyền mà còn quyết định tăng cường giao lưu nhân dân.

Tướng VK Singh thăm Triều Tiên vào 15-16/5. (Nguồn: KCNA)

Ấn Độ có quan hệ ngoại giao lâu dài với Triều Tiên và thậm chí dưới áp lực từ Mỹ, New Delhi từ chối việc giảm tiếp xúc ngoại giao với Bình Nhưỡng. Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su-yong thăm New Delhi vào năm 2015 ngay cả khi Ấn Độ không ủng hộ các nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ) cáo buộc Triều Tiên vi phạm nhân quyền. Có báo cáo rằng Trung tâm Khoa học và Công nghệ Vũ trụ ở châu Á và Thái Bình Dương (CSSTEAP) đặt tại Dehradun đã cung cấp khóa đào tạo kỹ thuật cho các nhà khoa học Triều Tiên.

Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson tới Ấn Độ năm ngoái, Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj đã thuyết phục ông về sự cần thiết của Ấn Độ trong việc duy trì sự hiện diện ngoại giao ở Triều Tiên bằng cách nhấn mạnh rằng “đại sứ quán của một số quốc gia thân thiện với Mỹ nên tiếp tục ở đó để duy trì kênh giao tiếp mở. Các ông có thể vẫn cần phải nói chuyện... Đối thoại có thể được yêu cầu để giải quyết một số vấn đề”.

Toan tính riêng của New Delhi

Tuy nhiên, đó là một giai đoạn khác trong quan hệ Mỹ - Triều khi sự đối kháng giữa hai bên ở mức cao nhất. Chuyến thăm của Bí thư Đối ngoại VK Singh diễn ra sau một loạt động thái hạ nhiệt căng thẳng ở cả hai phía. Tháng trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh mang tính lịch sử với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Cuộc gặp với việc lời hứa hòa bình và từ bỏ vũ khí hạt nhân đã dẫn đến thông báo về thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Singapore vào ngày 12/6. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến Bình Nhưỡng hai lần trong những tuần gần đây, là quan chức Mỹ đầu tiên gặp lãnh đạo Triều Tiên kể từ khi Ngoại trưởng Madeline Albright gặp ông Kim Jong-il vào năm 2000.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử ngày 27/4. (Nguồn: AP)

Trong bối cảnh đó, New Delhi dường như đang tìm cách tiếp cận với Triều Tiên, hy vọng sẽ thiết lập lại quan hệ thương mại với quốc gia vốn bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ và LHQ đối với các chương trình thử nghiệm tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Mặc dù Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Triều Tiên sau Trung Quốc, thương mại song phương đã giảm từ khoảng 209 triệu USD trong năm 2014-15 xuống còn 130 triệu USD trong năm 2016-17. Tháng 7/2017, Ấn Độ đã cấm tất cả giao dịch với Triều Tiên, trừ thực phẩm và thuốc men, phù hợp với các điều khoản trừng phạt của LHQ. New Delhi cũng cứng rắn trong lập trường về các vụ khiêu khích hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Điều này là do quan hệ của Ấn Độ với Mỹ cũng như mối quan tâm của chính Ấn Độ về mối đe dọa từ sự phổ biến hạt nhân trong khu vực láng giềng mở rộng của mình. Hiện nay, khi Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đang cố gắng để tiếp cận Bình Nhưỡng, Ấn Độ cũng không phải ngoại lệ.

Tuy nhiên, Triều Tiên có thể rất khó dự đoán. Ngay cả trong chuyến thăm của Bí thư Đối ngoại VK Singh, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn gia tăng với việc Triều Tiên đe dọa có thể rút khỏi cuộc gặp thượng đỉnh với ông Donald Trump nếu Mỹ nhất quyết yêu cầu nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân. Đây là phản ứng đối với nhận định của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton rằng Triều Tiên có thể theo “mô hình Libya” về từ bỏ hạt nhân.

Chính quyền Triều Tiền không thể chấp nhận bình luận này khi mà Đại tá Gaddafi của Libya đã bị phiến quân do phương Tây hậu thuẫn sát hại, vài năm sau khi ông này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Triều Tiên cũng rút khỏi một cuộc họp dự kiến với Hàn Quốc sau khi tập trận quân sự Mỹ - Hàn Quốc mang tên “Thần Sấm” (Max Thunder) bắt đầu. Triều Tiên mô tả đây là sự khiêu khích và chuẩn bị cho một cuộc xâm lược trong tương lai, trong khi Mỹ và Hàn Quốc khẳng định rằng tập trận hoàn toàn với mục đích phòng vệ và nằm trong thỏa thuận quốc phòng năm 1953.

Bán đảo Triều Tiên ổn định và yên bình là quan tâm của Ấn Độ và New Delhi đã hoan nghênh những sáng kiến gần đây của các cường quốc trong khu vực. Nhưng Ấn Độ cũng có toan tính riêng. Khi Bình Nhưỡng mở cửa với thế giới, Ấn Độ với tư cách là một quyền lực khu vực đang gia tăng nên sẵn sàng tận dụng tối đa các cơ hội có thể có.

* Bài viết trên đăng trên mạng DNA ngày 20/5 của GS. Harsh V Pant, Đại học King's College London.

(theo DNA)