Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tại họp báo chung với người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương tại Bắc Kinh tháng Tư vừa qua. (Nguồn: Reuters) |
Trước hết, Chiến lược mới của Đức về Trung Quốc được công bố trong bối cảnh phức tạp. Xung đột Nga-Ukraineđang trở thành “cuộc đua sức bền” về chính trị, kinh tế và quân sự giữa một bên là Nga, một bên là Ukraine và một số nước phương Tây.
Ngoài ra, hệ quả từ dịch Covid-19, cạnh tranh Mỹ-Trung, sự xuất hiện của các xu hướng mới, sự nổi lên của một số điểm nóng truyền thống và thách thức an ninh phi truyền thống khiến thế giới trở nên bất ổn, bất định hơn.
Trong khi đó, quan hệ Trung Quốc-Đức chứng kiến diễn biến mới. Một mặt, Berlin tỏ thái độ gay gắt với Bắc Kinh về vấn đề cưỡng ép kinh tế, nhân quyền, căng thẳng eo biển Đài Loan và mối quan hệ Nga - Trung ngày một gần gũi.
Mặt khác, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại hàng đầu của Đức, đồng thời là đối tác quốc tế không thể thiếu trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, nhất là về biến đổi khí hậu, nội dung chính phủ cầm quyền tại Berlin đặc biệt quan tâm.
Thực tế cho thấy, ngay cả sau Báo cáo về Chiến lược mới EU - Trung Quốc (công bố tháng 7/2021), Liên minh châu Âu (EU) chưa thể có tiếng nói chung nhất về vấn đề này. Trong bối cảnh cường quốc châu Á có vai trò, ảnh hưởng ngày càng lớn trên thế giới, Berlin cần có tầm nhìn, hướng đi cụ thể trong xử lý quan hệ với Bắc Kinh. Chiến lược mới của Đức về Trung Quốc là một nỗ lực như vậy.
Những con số biết nói
Về cấu trúc, tài liệu chiến lược mới của Đức về Trung Quốc có độ dài 64 trang, chia làm sáu phần chính gồm: giới thiệu; chiến lược của Đức về Trung Quốc như một phần của chiến lược của EU về Trung Quốc; quan hệ song phương với Trung Quốc; củng cố Đức và châu Âu; hợp tác quốc tế và phối hợp chính sách và tăng cường chuyên môn về Trung Quốc.
Việc phân bổ và đặt tên các chương này cho thấy hai điểm đáng chú ý. Đầu tiên, dù đây là văn bản do Berlin công bố, song tầm nhìn, mục tiêu và cách thức thực hiện của Đức không tách rời khỏi EU, khối nước này đóng vai trò dẫn dắt.
Thứ hai, mỗi chương lại đóng một vai trò khác nhau. Ba chương đầu tập trung vào nêu thực trạng quan hệ giữa Berlin, trên bình diện song phương và với tư cách thành viên của EU, với Bắc Kinh. Ba chương sau tập trung vào tìm kiếm giải pháp trong xử lý quan hệ giữa Đức, EU với Trung Quốc trên hai khía cạnh – củng cố vai trò, vị thế, sức mạnh toàn diện, song song với hợp tác quốc tế và nâng cao sự hiểu biết qua trao đổi ở kênh nhà nước, học giả và giao lưu nhân dân.
Mới có đủ?
Xuyên suốt văn bản này là một cách tiếp cận mới của Berlin đối với Bắc Kinh. Theo đó, tài liệu cho thấy giờ đây, chính quyền Đức đã coi Trung Quốc không chỉ là một “đối thủ mang tính hệ thống” như các tài liệu trước đó của EU, mà còn đánh giá rằng Bắc Kinh có thể đe dọa tới lợi ích an ninh và kinh tế của Berlin.
Tương đồng với những gì Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã nêu trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng Tư vừa qua, chiến lược này đề cao tầm quan trọng của Đài Loan (Trung Quốc) như là một đối tác thương mại, đầu tư. Đồng thời, Berlin sẽ theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến an ninh tại eo biển Đài Loan.
Tài liệu khéo léo nhấn mạnh rằng Đức không tìm cách “phân tách” khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, Berlin cũng khẳng định sẽ cố gắng đa dạng hóa liên kết đầu tư và thương mại với Bắc Kinh, hạn chế hợp tác công nghệ dựa trên quan ngại về an ninh và quyền con người, đồng thời giúp đối tác làm điều tương tự. Đáng chú ý, cách tiếp cận “giảm rủi ro” của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhiều lần xuất hiện trong tài liệu này, với phần về mối quan hệ kinh tế phản ánh Chiến lược an ninh kinh tế của EC, vốn vừa được xuất bản hồi tháng trước.
Tuy nhiên, hợp tác song phương không vì thế mà “đóng cửa” hoàn toàn. Sự nhấn mạnh vào vấn đề biến đổi khí hậu và giao lưu nhân dân cho thấy không gian hợp tác đang dần bị thu hẹp. Thỏa thuận đầu tư được thúc đẩy dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel, Thỏa thuận toàn diện về đầu tư EU - Trung Quốc (CAI), giờ đã bị gạt bỏ. Điều này cho thấy một tư duy địa chiến lược mới ở Berlin về quan hệ với Bắc Kinh, điều Washington và EU vẫn luôn chờ đợi.
Mặc dù vậy, liệu tư duy địa chiến lược này, cùng cách tiếp cận mới của Đức về Trung Quốc có thể được cụ thể hóa và đáp ứng mục tiêu được đề ra trong tài liệu quan trọng này?