EU mong muốn phát triển tầm nhìn riêng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Nguồn: UM) |
Gần đây Hà Lan đã công bố tài liệu chiến lược chính thức đầu tiên về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chỉ 10 tuần sau khi Đức ban hành một chiến lược tương tự. Trước đó, năm 2018, Pháp là nước đầu tiên ở châu Âu công bố chiến lược riêng về khu vực này.
Tài liệu chiến lược của Hà Lan (cho đến nay mới chỉ có tiếng Hà Lan) nêu rõ: “Hà Lan tin rằng EU mong muốn phát triển tầm nhìn riêng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Céline Pajon, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Paris, bình luận rằng tuyên bố này không gây ngạc nhiên cho các nhà phân tích. Đó là hệ quả hợp lý của những gì đã diễn ra ở hậu trường trong nhiều năm, đặc biệt là người Pháp đang thúc đẩy cách tiếp cận chung của châu Âu.
Trung tâm kinh tế và địa chính trị mới
Sự tồn tại của những tài liệu chiến lược này thể hiện sự công nhận một thực tế là trung tâm kinh tế và địa chính trị đang chuyển dịch trong quan hệ quốc tế về phía Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Chiến lược của Đức và Hà Lan đều toàn diện và bao gồm nhiều lĩnh vực như biến đổi khí hậu, hòa bình và an ninh trong khu vực, tôn trọng nhân quyền và pháp quyền. Các tài liệu chiến lược này đề cao thương mại tự do và tăng cường kết nối, trong đó người Đức chú trọng hơn đến hợp tác văn hóa chặt chẽ.
Tất cả những vấn đề này đều phù hợp với khuôn khổ hoạt động của các tổ chức đa phương như Liên hợp quốc (LHQ) hoặc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Kinh tế là yếu tố chính thúc đẩy sự thay đổi này. Trong tài liệu chiến lược của Đức, Bộ trưởng Ngoại giao Heiko Maas khẳng định rằng sự thịnh vượng của Đức trong những thập kỷ tới sẽ “phụ thuộc vào cách chúng tôi làm việc với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Trong khi đó, chiến lược của Hà Lan nhấn mạnh rằng những phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ có “ảnh hưởng trực tiếp đối với sự thịnh vượng và an ninh” của quốc gia này.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), châu Á chiếm hơn 60% tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2018 và 2019. Xuất khẩu của Đức sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tăng 7% trong những năm gần đây, trong khi xuất khẩu nói chung của nước này chỉ tăng 3%. Khoảng 1/5 tổng số hàng nhập khẩu của Hà Lan đến từ châu Á.
Bảo vệ an toàn cho các tuyến vận chuyển hàng hải là vấn đề rất quan trọng cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng đó. Khoảng 90% thương mại toàn cầu được thực hiện thông qua đường biển, trong đó 2/3 đi qua Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Mở rộng giỏ hàng”
Tuy nhiên, đây không chỉ là việc tăng cường mối quan hệ kinh tế mà còn là sự đa dạng hóa đối tác. Bởi lẽ, châu Âu dường như muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, hiện là đối tác thương mại lớn nhất của cả Đức và Hà Lan trong khu vực.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 càng cho thấy rõ tình trạng phụ thuộc vào Trung Quốc có thể dẫn đến tắc nghẽn một số hàng hóa, chẳng hạn như thiết bị y tế.
Các tài liệu chiến lược mới của cả Đức và Hà Lan đều đề cập cụ thể đến Hàn Quốc, New Zealand, Ấn Độ và Australia như những đối tác thương mại thay thế cho Trung Quốc. Bonn Juego, nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế với trọng tâm là châu Á tại Đại học Jyväskylä (Phần Lan), mô tả sự đa dạng hóa này là cách để “mở rộng giỏ hàng”.
Theo dõi sát những rủi ro trong giao dịch với Trung Quốc cũng là một vấn đề cấp thiết nhằm bảo đảm an toàn cho các công ty EU. Vào năm 2016, nhà sản xuất người máy Kuka, có trụ sở chính tại thành phố Augsburg (Đức) nhưng có nhà máy ở Trung Quốc, từng bị nhà sản xuất thiết bị Midea của Trung Quốc tiếp quản. Sự việc này được coi là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc bảo vệ tài sản trí tuệ của châu Âu.
EU dường như muốn thoát khỏi sự phụ thuộc quá lớn vào Mỹ và tránh xa cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung. (Nguồn: EU Political Report) |
Tránh xa xung đột thương mại Mỹ-Trung
Ngoài ra, Đức và Hà Lan cũng như Pháp, dường như muốn thoát khỏi sự phụ thuộc quá lớn vào Mỹ và tránh xa cuộc xung đột thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. Đức đã cảnh báo “một sự lưỡng cực mới với các đường phân chia mới ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ làm suy yếu lợi ích kinh tế của nước này”.
Ngay cả khi ông Joe Biden, người mà giới truyền thông Mỹ cho rằng sẽ đắc cử tổng thống Mỹ, hứa hẹn đưa ra những chính sách mềm mỏng hơn so với thời của Tổng thống Donald Trump, điều này cũng không xua tan hết những lo ngại về tác động của cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường.
Do đó, chiến lược của Đức thậm chí còn bao gồm cả yếu tố quân sự. Berlin cam kết mở rộng hợp tác an ninh, quốc phòng và tham gia các cuộc tập trận hàng hải trong khu vực. Đức sẽ điều một tàu chiến đầu tiên, tàu khu trục Hamburg, đến khu vực này trong năm tới, kế hoạch hiện đang bị trì hoãn do đại dịch.
Mặc dù vẫn còn khá rụt rè, song sự tham gia quân sự như vậy hoàn toàn không phải là tự nhiên đối với Đức. Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Đức được coi là theo chủ nghĩa hòa bình và quân đội nước này được xác định là chỉ có nhiệm vụ phòng thủ (mặc dù đã ngày càng đóng góp nhiều hơn vào các hoạt động của Liên hợp quốc và NATO trong việc ngăn chặn xung đột và ứng phó với khủng hoảng).
Đối với Pháp, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương năm 2018 của nước này có trọng tâm là bảo vệ chủ quyền quốc gia trong khu vực với tư cách là một cường quốc có sự hiện diện tại đây. Paris có một số lãnh thổ hải ngoại với khoảng 1,5 triệu dân ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và khoảng 8.000 binh sĩ đã đồn trú tại khu vực này.
Làm thế nào để hợp nhất những quan điểm khác nhau này thành một chiến lược chung của châu Âu vẫn đang là câu hỏi mở. Trong EU, các ý kiến dường như vẫn rất khác nhau.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer gần đây nhấn mạnh rằng: “Người châu Âu sẽ không thể thay thế vai trò quan trọng của Mỹ trong việc đảm bảo an ninh” và trọng tâm của bà vẫn là lục địa châu Âu. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Macron thì cho rằng quan điểm này của bà Kramp-Karrenbauer là "sự hiểu sai lịch sử".
Để có được sự thay đổi mà các tài liệu chiến lược của ba nước Pháp, Đức và Hà Lan nhắc tới, châu Âu cần thêm thời gian để hướng tới một lập trường chung.