📞

Căng để hòa ?

14:49 | 04/04/2008
Những động thái “nổi giận" đối với Hàn Quốc của CHDCND Triều Tiên trong hơn một tuần qua đều liên quan mật thiết đến quan hệ liên Triều và được coi có thể là nhằm buộc chính phủ mới ở Seoul tái khẳng định chính sách đối thoại hòa bình với Bình Nhưỡng của các chính phủ trước.

Từ lâu, cụm từ "Ánh Dương trên đỉnh Kim Cương" đã trở thành biểu tượng và hy vọng về hòa giải dân tộc và thống nhất hai miền Triều Tiên. Thế nhưng, biểu tượng đó đang có nguy cơ bị đổ vỡ khi Bình Nhưỡng "mạnh tay" trục xuất 11 quan chức Hàn Quốc khỏi Khu công nghiệp Kaesong trên núi Kim Cương, nơi 69 công ty Hàn Quốc đang thuê hơn 20.000 lao động người Triều Tiên. Một ngày sau, Bình Nhưỡng lại bắn thử tên lửa tầm ngắn trên biển Tây và dọa sẽ biến Hàn Quốc giàu có thành "tro bụi". Ngày 3/4, trong một diễn biến mới nhất, Bình Nhưỡng ra tuyên bố đình chỉ mọi kênh đối thoại với Seoul và đóng cửa biên giới với các quan chức. Trước đó, báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, còn gay gắt mô tả Tổng thống mới của Hàn Quốc, ông Lee Myung-bak, là "kẻ phản bội, theo đuôi Mỹ". Người ta chưa quên chuyện Bình Nhưỡng có lần cũng đã gọi cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Young-Sam trong nhiệm kỳ 1992-1997 là "kẻ phản bội" khiến quan hệ liên Triều có lúc bị trục trặc không nhỏ…

Thách thức tân Tổng thống Lee Myung-bak?

Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 2/2008, vị Tổng thống được cho là theo đường lối cứng rắn Lee Myung-bak đã không ngừng phát đi những tín hiệu cứng rắn đối với Chính quyền của Chủ tịch Kim Jong-il. Ông Lee chủ trương chính sách hợp tác thực dụng: Chỉ viện trợ khi Triều Tiên cam kết phi hạt nhân hóa. Đường lối này đi ngược lại chính sách Ánh Dương mà hai vị Tổng thống tiền nhiệm là Kim Dea-jung và Roh Moo-huyn từng theo đuổi. Gần đây, một Bộ trưởng của Hàn Quốc còn tuyên bố gắn kế hoạch mở rộng Khu công nghiệp Keasong với tiến trình phi hạt nhân hóa. Chừng ấy cũng đã đủ để Bình Nhưỡng tức giận và phản công…

Theo giới phân tích, Triều Tiên đang cố đẩy căng thẳng với hy vọng buộc Tổng thống Lee Myung-bak từ bỏ lập trường cứng rắn đối với Bình Nhưỡng. Bằng những phát biểu và hành động cứng rắn đến bất ngờ, Bình Nhưỡng được cho là muốn cảnh báo nhà cầm quyền mới ở Seoul không nên "xét lại" những hồ sơ đã được miền Bắc và những chính quyền tiền nhiệm ở miền Nam thông qua. Những động thái này cũng "chở" một thông điệp mạnh mẽ đối với người dân Triều Tiên rằng đừng trông mong gì hơn vào bất cứ sự viện trợ nào từ Hàn Quốc và đừng chấp nhận bất cứ sự giúp đỡ nào của "kẻ phản bội".

Và một thông điệp nữa cũng được nhắm tới cho Mỹ. Sau những cuộc hội đàm ở Geneva, Bình Nhưỡng không hài lòng trước áp lực của Washington đòi nước này phải giải thích rõ ràng về quá trình làm giàu uranium và mối quan hệ với Syria. Rõ ràng một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến quan hệ hai miền trở nên căng thẳng chính là việc Mỹ và Hàn Quốc liên tục hối thúc Triều Tiên công khai toàn bộ chương trình hạt nhân và thực hiện hạn chót thỏa thuận đàm phán sáu bên. Theo Giáo sư Yang Moo Jin của trường Đại học Seoul, Triều Tiên có thể đang cho rằng việc tăng cường quan hệ đồng minh giữa Hàn Quốc và Mỹ không phải là phương cách tốt nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân.

Căng thẳng liên Triều "nổi sóng" lần này không phải là ngẫu nhiên. Về cơ bản, chính sách đối với Triều Tiên của Tổng thống Lee Myung-bak chưa được định hình rõ nét. Các nhà phân tích cho rằng vấn đề mà Seoul đang phải đối mặt là có nên thay đổi chính sách đối với Triều Tiên và Mỹ của chính phủ tiền nhiệm hay vẫn kế tục trên thực tế mà chỉ phê phán trên lời nói. Đối với bán đảo Triều Tiên và cả khu vực Đông Bắc Á, nếu Chính phủ Lee Myung-bak thực sự chủ trương từ bỏ những nỗ lực hòa bình, hòa giải với CHDCND Triều Tiên của các chính phủ tiền nhiệm, tình hình rất có thể sẽ trở nên phức tạp hơn.

Một chiến lược có tính toán

Thành công của tiến trình đàm phán đa phương về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên thời gian qua thường được gắn với vai trò của Trung Quốc với tư cách là nước bảo trợ cho vòng đàm phán 6 bên và Mỹ, với tư cách là nước trực tiếp xúc tiến các nội dung đối thoại. Tuy nhiên, nếu xâu chuỗi tất cả sự kiện chính liên quan đến chương trình hạt nhân, có thể thấy Bình Nhưỡng vẫn giữ vai chính trong vở kịch nhiều chương hồi này.

Chỉ một năm sau khi rút khỏi Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Triều Tiên đã ký với Mỹ thỏa thuận chuyển đổi hai lò phản ứng than chì sang sử dụng công nghệ nước nhẹ. Washington đã phải chi 4 tỷ USD với lời hứa viện trợ 500.000 tấn lương thực để thuyết phục Bình Nhưỡng quay trở lại NPT. Hai năm sau khi áp đặt lệnh cấm vận năm 1996, Mỹ đã phải dịu giọng với Bình Nhưỡng khi nước này tuyên bố thử thành công tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn. Năm 2000, Mỹ phải cam kết bồi thường hàng tỷ USD để đổi lại việc Triều Tiên không xuất khẩu tên lửa và công nghệ tên lửa. Chỉ vài tháng sau khi Bình Nhưỡng thử tên lửa và thử bom hạt nhân (tháng 6 và tháng 10/2006), tháng 2/2007, các bên đã buộc phải ký một thỏa thuận, cam kết viện trợ và bình thường hóa quan hệ với Chính quyền Kim Jong-il.

Ngày 2/4, Tổng thống Lee Myung-bak đã phát biểu công khai rằng Bình Nhưỡng nên thay đổi và quay trở lại các cuộc đàm phán một cách nghiêm túc: "Chúng tôi đề nghị hai bên nên ngồi vào bàn đối thoại thẳng thắn, và để làm được điều đó, chúng tôi tin rằng miền Bắc phải thay đổi cách làm và hành động trước đây của mình".

Bình Nhưỡng có thể vẫn tin rằng rằng Seoul không muốn quan hệ liên Triều xấu đi và chưa chủ trương đối đầu, nhất là nếu điều đó đe dọa lợi ích Hàn Quốc. Mặc dù mới chỉ có một số công ty Hàn Quốc bắt đầu hoạt động tại Triều Tiên, song nhiều kế hoạch tương tự đang chờ đợi ở phía trước. Trong trường hợp tình hình tiếp tục diễn biến xấu đi, lòng tin của giới kinh doanh sẽ giảm sút theo. Vì lợi ích của cả hai miền, vì hòa bình và ổn định ở khu vực, dư luận cũng hy vọng rằng chính phủ mới ở Seoul, về phần mình, cũng sẽ có những hành động thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đối thoại hòa bình giữa hai miền sớm được tiếp tục.

Nguyễn Hoàng