Tối 19/9, phát biểu về quan hệ Mỹ-Iran, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Washington sẽ sớm tái áp đặt các lệnh trừng phạt Tehran, bất chấp phản đối của cộng đồng quốc tế.
Sai lầm hay tính toán?
Đối đầu Mỹ-Iran không còn quá xa lạ dưới thời Tổng thống Donald Trump, song tuyên bố lần này trở nên đặc biệt hơn cả khi ông Pompeo khẳng định: “Nếu các quốc gia thành viên Liên hợp quốc không thực hiện nghĩa vụ của mình trong các lệnh trừng phạt này, Mỹ cam đoan sẽ sử dụng các cơ chế sẵn có của mình buộc các nước này lãnh hậu quả và đảm bảo Iran sẽ không thu được bất kỳ lợi ích nào từ các hoạt động bị Liên hợp quốc cấm”.
Nhìn từ bên ngoài, không ít người cho rằng Washington đang “tự bắn chân mình”, khi Anh, Pháp, Đức và nhiều nước khác phản đối hành động tái áp đặt trừng phạt đơn phương.
Tuy nhiên, xét một cách toàn cảnh, đây rõ ràng là động thái có tính toán của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Chính quyền Mỹ mong muốn đạt được điều gì trong việc gấp rút thúc đẩy tái áp đặt trừng phạt với Iran? (Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images) |
Dễ dàng nhận thấy động thái trên của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Israel đang đẩy mạnh việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với khối các nước Hồi giáo tại khu vực Trung Đông, với mục tiêu chung là chống lại Iran.
Đồng thời, cuộc bầu cử Tổng thống đang đi vào những tuần cuối cùng và ông Trump cần tất cả những gì có thể để ghi điểm với cử tri Mỹ trong chưa đầy 2 tháng tới.
Vậy xét trên hai yếu tố quan trọng này, chính quyền Mỹ mong muốn đạt được điều gì từ đơn phương thúc đẩy áp đặt trừng phạt với Iran?
Mọi điều vì một điều
Thứ nhất, thông qua hành động này, Mỹ mong thúc đẩy triến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel và các quốc gia Hồi giáo tại Trung Đông.
Chỉ trong chưa đầy 2 tháng, Israel đã bình thường hóa quan hệ với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain.
Bên cạnh câu chuyện về hợp tác kinh tế - chính trị, một trong những yếu tố hàng đầu thúc đẩy tiến trình này là giải quyết mối quan tâm chung - Iran: Các quốc gia Hồi giáo tại Trung Đông cho rằng hợp tác an ninh với Israel sẽ hóa giải phần nào ảnh hưởng rộng mở của Iran tại Iraq, Syria, Yemen hay Lebanon.
Vì thế, việc Mỹ nhấn mạnh mối quan tâm chung này của Trung Đông thông qua hành động quyết liệt có thể khiến các quốc gia Hồi giáo vùng Vịnh vượt lên định kiến, rào cản về khác biệt tôn giáo và quan điểm chính trị để bắt tay Israel.
Khi đó, chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ ghi điểm với Israel và quan trọng hơn là với cộng đồng Do Thái tại Mỹ, những cử tri với tiềm lực kinh tế và ảnh hưởng chính trị đáng kể.
Thứ hai, đó là nhấn mạnh rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump luôn đặt nước Mỹ lên trên hết, sẵn sàng chống lại cả thế giới khi cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích của xứ cờ hoa, đó là mở rộng tầm ảnh hưởng của Israel và hạn chế phạm vi hoạt động của Iran tại Trung Đông.
Về mức độ, nên nhớ rằng ngay cả khi các công ty và tập đoàn lớn của Trung Quốc bị Mỹ cáo buộc có giao dịch vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Triều Tiên, lệnh trừng phạt của Washington trên thực tế là nhắm vào Bắc Kinh và cạnh tranh chiến lược song phương, hơn là hướng tới Bình Nhưỡng.
Chính vì thế, cam kết của Ngoại trưởng Mike Pompeo về khả năng sử dụng biện pháp sẵn có để buộc các quốc gia “lãnh hậu quả” khi không trừng phạt Iran “theo lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc” là nước đi tương đối táo bạo, song thể hiện quyết tâm cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích của nước Mỹ.
Thứ ba, động thái gay gắt này là cách ông Donald Trump tạo ra sự tương phản rõ rệt so với đối thủ của mình trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ - ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden.
Cựu Phó Tổng thống từng khẳng định ông sẽ đối phó với Iran thông qua kênh ngoại giao và sẽ đưa Mỹ trở lại Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), với điều kiện Tehran trước tiên phải tiếp tục cam kết về hạn chế chương trình hạt nhân của mình. Như vậy, giải pháp ông Biden chọn là chờ đợi.
Ngược lại, dưới thời ông Donald Trump, Washington đã chủ động rút khỏi JCPOA. Chính ông đã ra lệnh tiêu diệt Thiếu tướng Qassem Soleimani, nhân vật chủ chốt của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) trong các chién dịch bồi dưỡng dân quân, mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông.
Giờ đây, Mỹ tiếp tục đơn phương tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc nhắm vào Iran. Dường như ông Trump đang khẳng định rằng: Chính quyền do ông lãnh đạo không chờ đợi, mà sẽ chủ động thực hiện những gì tốt nhất cho xứ cờ hoa nhằm ‘đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại’.
Song để hoàn thành giấc mơ ấy, ông cần lá phiếu của các cử tri vào tháng 11 tới. Như vậy, ẩn sau việc gấp rút thúc đẩy tiến trình tái áp đặt các lệnh trừng phạt Iran của Mỹ, đích đến cuối cùng của ông Donald Trump là giành sự ủng hộ của người dân, chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, trở lại Nhà Trắng.