📞

Căng thẳng Mỹ - Iran: “Nóng” nhưng khó cháy

Minh Vương 08:00 | 07/01/2020
TGVN. Cái chết của Tướng Iran Qasem Soleimani đã đẩy căng thẳng Mỹ - Iran tới đỉnh điểm, song liệu đã đủ để châm ngòi cho “Chiến tranh Thế giới thứ Ba”? Tổng hợp và phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.
Đoàn người tham dự lễ viếng Thiếu tướng Qasem Soleimani tại Iran ngày 5/1. (Ảnh: Getty Images)

Quả tên lửa định mệnh

Sáng ngày 3/1/2020, máy bay không người lái Mỹ đã tấn công đoàn xe hộ tống gần sân bay quốc tế Baghdad, khiến 5 người thiệt mạng, trong đó có Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qasem Soleimani, “chiến lược gia” của Iran tại Trung Đông, nhân vật số 2 sau Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei và Chỉ huy Abu Mahdi al-Muhandis, Phó Chủ tịch thuộc Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF), tổ chức dân quân Iraq thân Iran.

Viết trên Twitter, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố Mỹ phải chịu trách nhiệm về cái chết của ông Qasem Soleimani. Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei cho biết Iran sẽ để tang 3 ngày, cảnh báo sẽ đáp trả “thủ phạm”. Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc (LHQ) Majid Takht Ravanchi khẳng định vụ sát hại Tướng Soleimani “là ví dụ của nhà nước khủng bố và hành vi phạm tội, vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương LHQ".

Các lực lượng vũ trang thân Iran tại Iraq đã tăng cường tấn công vào Đại sứ quán Mỹ tại Iraq. Tối 5/1, hai quả tên lửa bắn vào Vùng xanh của Sứ quán khiến 4 người bị thương. Việc người Iran treo “lá cờ phục hận” trên ngôi đền linh thiêng hay vô vàn lời đe dọa báo thù cho thấy các hoạt động chống Mỹ của quốc gia Hồi giáo tại Trung Đông sẽ dai dẳng, quyết liệt hơn trước. Ngoài ra, bất chấp nỗ lực thời gian qua từ Liên minh châu Âu (EU), sáng 5/1, Iran tuyên bố chính thức rút khỏi Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), đồng thời khẳng định sẽ duy trì tập trận chung với Nga và Trung Quốc hàng năm, bảo vệ an toàn hàng hải khu vực trước Mỹ.

Phát biểu sau khi chỉ đạo tiến hành vụ không kích, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Tướng Soleimani đã khiến hàng trăm công dân Mỹ thiệt mạng thông qua các cuộc tấn công, khẳng định quyết định của ông là cần thiết để “ngăn chặn chiến tranh”, song không nhằm “bắt đầu một cuộc chiến khác” hay thay đổi chế độ tại Iran. Ông cảnh cáo một khi Tehran phản kháng, gây tổn hại tới ích Mỹ, Washington sẽ tấn công “rất nhanh, rất mạnh” vào 52 địa điểm văn hóa của quốc gia Hồi giáo, tượng trưng cho 52 người Mỹ bị bắt cóc năm 1978, bằng các vũ khí tối tân nhất.

Tổng thống Donald Trump phát biểu sau khi hạ lệnh công kích đoàn xe chở Thiếu tướng Iran Qasem Soleimani ngày 3/1. (Nguồn: Sky News)

“Nóng” nhưng khó cháy

Dù căng thẳng Mỹ - Iran đang “nóng”, song còn quá sớm để khẳng định nó sẽ bùng phát thành xung đột giữa Washington và Tehran.

Thứ nhất, bất chấp sự lấn lướt của phe “diều hâu” sau cuộc tấn công vừa qua, phe “bồ câu” tại Iran đang có động thái nhằm giảm căng thẳng, đối đầu có thể dẫn đến xung đột trực diện. Trước vụ tấn công bằng tên lửa của Mỹ, chính trường Iran vẫn làm hai phe: Phe ôn hòa với đại diện là Tổng thống Hassan Rouhani, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif; phe chủ chiến do Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei và IRGC đứng đầu. Tuy nhiên, cái chết của ông Qasem Soleimani đã làm mọi chuyện thay đổi. Đáp trả hành động của Mỹ giờ đây trở thành mục tiêu chung. Quả tên lửa định mệnh đã khiến Iran đoàn kết hơn bao giờ hết, khiến phe chủ hòa gặp bất lợi, tạo điều kiện cho phe chủ chiến mở rộng các chiến dịch chống Mỹ toàn Trung Đông.

Dù khó xoay chuyển tình thế, song phe chủ hòa tại Iran đã cố gắng hạ nhiệt căng thẳng. Nước này khẳng định sẵn sàng quay trở lại JCPOA khi các nước khác có “hành động thiện chí tương xứng”, đồng thời duy trì hợp tác toàn diện với tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Đây là lời nhắn nhủ đến khối P5+1, đặc biệt là Đức và Pháp, vốn cho rằng JCPOA là cách duy nhất để phi hạt nhân hóa Iran.

Ngoài ra, ông Mohammad Zarif sẽ tới New York dự họp về chủ nghĩa đa phương tại trụ sở LHQ ngày 9/1 tới. Tại đây, ông Zarif có thể chỉ trích hành động đơn phương của Washington tác động tiêu cực tới chủ nghĩa đa phương toàn cầu. Song không loại trừ khả năng Ngoại trưởng Iran sẽ ngầm tiếp xúc với phía Mỹ nhằm hạ nhiệt căng thẳng, giảm thiệt hại từ đối đầu.

Như vậy, phe chủ hòa ưu tiên sử dụng các biện pháp ngoại giao, tận dụng áp lực từ cộng đồng quốc tế để buộc Mỹ nhượng bộ, trong khi phe chủ chiến có cách tiếp cận cứng rắn hơn, mong muốn tiến hành các hoạt động quân sự tấn công vào các lợi ích của Mỹ tại khu vực Trung Đông.

Giữa tâm bão, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif sẽ tới dự phiên họp Liên hợp quốc về đa phương tại New York ngày 9/1. (Nguồn: Global Post)

Thứ hai, ông Trump không có động lực để khai chiến với Iran. Phe “diều hâu” Cộng hòa có thể thành công khi thuyết phục Tổng thống sát hại ông Soleimani sau nỗ lực bất thành tháng 9, song hệ quả từ quyết định vừa qua có thể khiến ông Trump cân nhắc hơn khi có động thái tương tự.

Ngày 5/1, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã gửi thư đến Nghị sỹ đảng Dân chủ, tuyên bố sẽ đề xuất, bỏ phiếu về Nghị quyết Quyền lực Chiến tranh (War Powers Act). Theo đó, Hạ viện Mỹ sẽ “thực thi trách nhiệm giám sát lâu đời” và nếu không được Hạ viện cho phép, mọi hành động thù địch quân sự của Chính phủ trong vấn đề Iran cần chấm dứt trong 30 ngày. Tổng thống Donald Trump sẽ điều trần trước Thượng viện ngày 6/1 và dù khả năng bị buộc tội thấp, ông hẳn không muốn vướng thêm rắc rối, khi đấu đá chính trị đã khiến ông hao tâm tổn sức thời gian qua.

Thêm vào đó, như ông Trump khẳng định, hạ sát tướng Qasem Soleimani là hành động “tự vệ chính đáng” và không nhằm khơi mào chiến tranh. Tái cử là ưu tiên số 1 của Tổng thống; ông tin rằng tăng cường hiện diện trên truyền thông, thu hút chú ý của cử tri qua quyết định táo bạo, thể hiện sự cứng rắn trong vấn đề lợi ích quốc gia giúp ông xây dựng hình ảnh tốt trước bầu cử. Trong bối cảnh Mỹ khó rút khỏi hoàn toàn Trung Đông năm tới, ông Trump có thể thay đổi chính sách và đưa quân trở lại, củng cố sự hiện diện tại khu vực. Khi ấy, hành động đáp trả của Iran tạo điều kiện cho ông phô diễn sức mạnh quân sự nhằm “tự vệ”, thỏa mãn phe diều hâu Cộng hòa mà không vướng thêm rắc rối với đảng Dân chủ và tăng uy tín trên cương vị Tổng Tư lệnh.

Thứ ba, phản ứng từ cộng đồng quốc tế cho thấy hành động của Mỹ không được ủng hộ: Nga và Trung Quốc chỉ trích Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế, ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, ổn định Trung Đông; đồng minh Mỹ như Anh, Pháp, Đức, cùng các quốc gia Hồi giáo tại Trung Đông, Đông Nam Á và châu Á bày tỏ quan ngại trước căng thẳng leo thang, kêu gọi các bên kiềm chế.

Như vậy, căng thẳng Mỹ - Iran đã tới đỉnh sau cái chết của ông Qasem Soleimani. Tuy nhiên, khi các bên đã đạt được mục đích và động cơ chính trị vơi dần, hai bên nhiều khả năng sẽ tránh đối đầu trực diện, từ từ hạ nhiệt và đưa quan hệ về mức có lợi cho song phương. Đối đầu tại khu vực tiếp tục gay gắt, nhưng ít nhất “Chiến tranh Thế giới thứ Ba” sẽ chưa diễn ra tại Trung Đông.

Ngày 3/1, điện đàm với người đồng cấp Mỹ, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chỉ trích Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế, để lại hậu quả nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định khu vực. Ngày 4/1, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định: “Trung Quốc phản đối sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Trung Quốc kêu gọi Mỹ tìm kiếm giải pháp đối thoại thay vì sử dụng vũ lực". Ngày 5/1, Anh, Pháp và Đức đồng loạt kêu gọi các bên kiềm chế, hạ nhiệt căng thẳng, chấm dứt vòng xoáy bạo lực tại Iraq và tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Trung Đông.

Ngày 6/1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ quan ngại sâu sắc, khẳng định tiếp tục triển khai Lực lượng Tự vệ tới Trung Đông, bảo đảm an toàn cho tàu hàng Nhật Bản. Cùng ngày, điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nhấn mạnh lo ngại về an toàn nguồn dầu của nước này.

Tại Trung Đông, ngày 5/1, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi kêu gọi Quốc hội có “biện pháp khẩn cấp” nhằm buộc lực lượng nước ngoài rút khỏi Iraq vì “chủ quyền quốc gia”. Saudi Arabia cảnh báo rằng “mọi hành động làm gia tăng căng thẳng có thể dẫn đến hậu quả khó lường.” Qatar, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi các bên bình tĩnh, kiềm chế. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani quan ngại rằng cái chết của ông Soleimani sẽ kích động bạo lực và bất ổn trong khu vực.

Tại Đông Nam Á, ngày 4/1, Bộ Ngoại giao Malaysia bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Trung Đông, mong các bên kiềm chế, giảm căng thẳng. Bộ Ngoại giao Indonesia “quan tâm đến tình hình leo thang” và kêu gọi công dân ở Iraq “thận trọng”, liên lạc sứ quán khi cần thiết. Thái Lan, Philippines thậm chí đã chuẩn bị dự trữ dầu và tiến hành bảo hộ công dân khi xung đột nổ ra.