Trong diễn biến mới nhất đáp trả động thái trục xuất các quan chức ngoại giao Nga, ngày 31/3 Kremlin tuyên bố sẽ có bước đi tương tự với hơn 50 nhà ngoại giao và các nhân viên kỹ thuật người Anh. Tuần trước, Moscow cũng đã khiến 59 quan chức ngoại giao từ Đức, Pháp cho đến các nước châu Âu khác khăn gói về nước. Mỹ, với việc “vào hùa” với Anh, cũng phải chịu hậu quả tương tự và bị yêu cầu đóng cửa Tổng Lãnh sự quán tại St. Petersburg.
Theo dự kiến, các quan chức ngoại giao bị trục xuất sẽ có một tháng để rời đi. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moscow sẽ “sòng phẳng” với phương Tây và cân bằng số lượng quan chức ngoại giao của Anh tại Nga cho phù hợp với hành động của London.
Cùng ngày 31/3, Bộ Ngoại giao Nga cũng đã gửi danh sách 14 câu hỏi chất vấn cho Phòng Đối ngoại Anh, trong đó có yêu cầu giải thích việc London từ chối sự giúp đỡ từ phía Moscow, hay vai trò của Paris trong quá trình điều tra và khám nghiệm vụ việc. Đại sứ quán Nga tại London cũng khuyến cáo công dân nên cân nhắc trước khi chọn Anh làm điểm đến trong hành trình du lịch, nhằm tránh gặp phải “thái độ thù địch đối với người Nga”.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov phát biểu về diễn biến xung quanh căng thẳng với Anh. (Nguồn: AP) |
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga, ông Sergei Lavrov đã mạnh mẽ tố cáo những nước trục xuất các nhà ngoại giao Nga là “bất chấp những quy tắc chung”, điều thậm chí không xảy ra ngay cả dưới thời Chiến tranh Lạnh. Thậm chí, ông còn tố cáo không phải Moscow mà chính các mật vụ từ phía London đã ra tay đối với ông Skripal và con gái để đổ lỗi cho Nga, nhằm hướng sự chú ý của dư luận khỏi những khó khăn mà Anh đang phải đối mặt sau Brexit.
Về phần mình, trong một động thái mang tính trả đũa, Anh đã tiến hành lục soát bất ngờ máy bay Aeroflot mang số hiệu SU2582 vừa đáp xuống sân bay quốc tế Heathrow mà không công bố nguyên nhân. Phi công Vitaly Mitrofanov đã bị tạm giữ tại phòng điều khiển cho đến khi cảnh sát và chó nghiệp vụ kết thúc cuộc tìm kiếm. Thanh minh cho hành động này, Bộ trưởng An ninh Anh Ben Wallace khẳng định đây chỉ là “hoạt động thường xuyên của Lực lượng An ninh, kiểm tra các máy bay để bảo vệ Anh khỏi các nhóm tội phạm có tổ chức tìm cách nhập lậu vũ khí và chất gây nghiện”. Trong khi đó, Đại sứ quán Nga lại cho rằng việc lục soát một chiếc máy bay khi các hành khách đã rời khỏi để tìm kiếm vũ khí và chất gây nghiện là vô cùng khó hiểu và khẳng định đây là một động thái gây khó khăn đối với Nga.
Với những bước đi làm gia tăng căng thẳng từ cả hai phía, khủng hoảng ngoại giao giữa Anh và Nga nhiều khả năng sẽ diễn biến ngày một phức tạp. Phá băng mối quan hệ này sẽ đòi hỏi nỗ lực và thiện chí không nhỏ từ Moscow và London, cũng như cộng đồng quốc tế cùng các quốc gia liên quan nhằm thúc đẩy hòa giải và làm sáng tỏ vụ việc.