Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. (Nguồn: FP) |
Nỗ lực bị... đứt gánh
Quyết định của Mỹ cắt đứt các tiếp xúc ngoại giao với Nga xung quanh vấn đề nối lại một thỏa thuận ngừng bắn tại Syria được giới phân tích đánh giá là sẽ làm leo thang tình hình căng thẳng tại quốc gia đã bị kiệt quệ vì chiến tranh này, từ đó khiến cuộc khủng hoảng sẽ còn kéo dài.
Các chuyên gia tại Damascus nhìn nhận quyết định này của Mỹ, có vẻ như xuất phát từ sự thất vọng của Washington với Nga và Chính quyền Syria, đã phản ánh sự thiếu nghiêm túc của họ trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Trước đó, Mỹ đã cắt đứt kênh đàm phán với Nga về việc khôi phục lại một lệnh ngừng bắn ở Syria, đổ trách nhiệm quân sự cho Moscow trong vụ tấn công vào thành phố Aleppo. Cả Washington và Nga đều đổ lỗi lẫn nhau về những nỗ lực yếu ớt để duy trì lệnh ngừng bắn tại Syria.
Trong một tuyên bố, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói, Nga “vừa không muốn vừa không thể đảm bảo chế độ Syria sẽ tham gia vào những thỏa thuận mà Moscow đã nhất trí”. Ông Kirby cũng chỉ trích Moscow và Damascus đã nhắm vào các khu vực có dân thường và cơ sở hạ tầng trọng yếu như bệnh viện và ngăn cản các đoàn hỗ trợ nhân đạo tiếp cận những người dân đang cần trợ giúp.
Về phần mình, thất vọng trước quyết định của Washington, Bộ Ngoại gia Nga cáo buộc Mỹ đang cố thoái thác trách nhiệm lên Nga. Maria Zakharova, Phát ngôn viên của bộ này, nói: “Washington thực chất đã thất bại trong việc duy trì bổn phận quan trọng của mình trong các thỏa thuận, đó là tạo điều kiện cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho người dân thành phố Aleppo và gây áp lực lên các nhóm đối lập có vũ trang”.
Khủng hoảng tiếp diễn
Việc cắt đứt kênh liên lạc này trước đây đã dẫn đến hậu quả trực tiếp là sự chết yếu của thỏa thuận chấm dứt thù địch ở Syria đạt được hồi tháng trước. Thỏa thuận này mới chỉ có hiệu lực được vài ngày rồi bị vi phạm nghiêm trọng và chưa được khôi phục lại vì lực lượng chính phủ và phe đối lập đổ lỗi lẫn nhau.
Mahmoud Muri, chuyên gia phân tích chính trị người Syria, nhận định rằng: “Sự bất hòa trong quan hệ ngoại giao giữa Nga và Mỹ trong hồ sơ Syria sẽ chỉ kéo dài thêm sự chết chóc ở Syria”. Ông kêu gọi hai nước đẩy nhanh việc tìm kiếm một giải pháp chính trị để kết thúc cuộc xung đột đã kéo dài 5 năm qua tại quốc gia này: “Mỹ có vẻ không mấy nghiêm túc trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria, và điều đó đương nhiên làm tình hình căng thẳng leo thang”, ông nói.
Chuyên gia Muri dẫn chứng rằng các cuộc không kích do Mỹ chỉ huy nhằm vào các vị trí quân sự Syria tại tỉnh miền Đông Deir al-Zour hồi tháng trước đã cướp đi sinh mạng của 90 binh sỹ Syria và tạo điều kiện cho các phần tử của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiếp quản các địa điểm quân sự bị đánh bom mà phần lớn đã được quân đội Syria chiếm lại sau đó.
Mỹ đã biện hộ rằng các cuộc không kích đó là “không cố ý” và tuyên bố này đã bị Chính phủ Syria bác bỏ khi Tổng thống Bashar al-Assad cáo buộc liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu đã cố tình nhắm vào quân đội Syria. Chuyên gia Muri đánh giá: “Vụ tấn công nói trên là hành vi vi phạm nghiêm trọng nhất đối với lệnh ngừng bắn hồi tháng trước”.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích chính trị Hmaidi Abdullah thì nhận định rằng những tranh cãi giữa Mỹ và Nga đã quay trở lại giống như hồi tháng trước, khi cả hai bên đạt được một thỏa thuận mà một phần trong đó là lệnh ngừng bắn. Thỏa thuận đó không được công khai, song có vẻ như được tiến hành theo đề xuất của Washington. “Dường như có những bất đồng ý kiến trong chính quyền Mỹ xung quanh thỏa thuận này và họ không muốn công bố nó ra để có thể rút lại bất cứ khi nào”, ông Abdullah nói.
Aleppo hoang tàn sau các cuộc không kích. (Nguồn:CNN) |
Giải pháp nào cho những bất đồng?
Theo ông Abdullah, các cuộc đàm phán có thể tạm hoãn cho đến khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc, và trên thực tế cuộc điện đàm mới đây giữa Ngoại trưởng hai nước cũng không đề cập tới khả năng nối lại liên lạc song phương.
“Nếu không có bất cứ cuộc đàm phán nào diễn ra, chắc chắn chiến trường này sẽ trở thành một trận đấu nơi các tỷ số đều đã rõ ràng và chúng ta chắc chắn sẽ chứng kiến những cuộc đối đầu khốc liệt hơn nữa tại Syria”, ông Abdullah nhận định.
Nhà báo Maher Ihsan và cũng là nhà phân tích chính trị lại cho rằng động thái của Mỹ có lẽ chỉ nhằm thu hút truyền thông chứ không có ý nghĩa quan trọng gì. Ông nói: “Tôi cho rằng người Nga và Mỹ sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề Syria, bởi họ không thể đơn phương hành động khi chưa có tuyên bố chính thức hay chưa có sắp xếp rõ ràng”. Theo Ihsan, bất cứ sự bất đồng nào giữa Mỹ và Nga đều tạo ra sự nhìn nhận tiêu cực về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria.
Trong khi đó, một số nhà phân tích khác lại nói rằng Mỹ có lẽ đang tìm kiếm những đối tác khác để thay thế sau khi các cuộc đàm phán với Nga bị đổ bể. Họ nhận định rằng trong ba tháng tới, đến khi cuộc bầu cử Mỹ kết thúc, Washington có thể có những bước đi nhằm gây áp lực lên Nga. Một trong những lựa chọn khả thi là thiết lập một vùng an toàn ở Bắc Syria, với sự trợ giúp của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia từ lâu đã đề nghị thiết lập vùng an toàn tại miền Bắc Syria gần với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Một vùng an toàn như vậy sau này sẽ được chuyển sang cho một số nhóm nổi dậy ở Syria vốn đang được Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ hỗ trợ và huấn luyện.
Một lựa chọn khác ít khả thi hơn, đó là liên minh do Mỹ cầm đầu thực hiện một số cuộc không kích nhằm vào các vị trí quân sự của Syria, giống như những gì đã diễn ra ở Deir al-Zour, bởi những cuộc không kích như thế có thể củng cố tinh thần của quân nổi dậy. Giới chuyên gia cho rằng Washington cũng có thể tăng cường hỗ trợ phe nổi dậy bằng cách tài trợ cho họ thêm vũ khí tối tân, bởi theo một số báo cáo gần đây thì đã có một lượng lớn vũ khí và đạn được, bao gồm tên lửa chống tăng và Grad, rơi vào tay phe đối lập ở Bắc Syria trong hai ngày qua.
Nhìn chung, những lựa chọn này của Mỹ không chắc sẽ khiến tình hình thay đổi theo hướng có lợi cho phe nổi dậy, song chắc chắn sẽ khiến cán cân quyền lực cân bằng cho đến khi vị Tổng thống mới của Mỹ xuất hiện.