📞

Căng thẳng Nga - Ukraine: Phép thử mạo hiểm

13:10 | 29/11/2018
Mâu thuẫn giữa Moscow và Kiev lại lên cao trào mới sau cuộc đụng độ tại Azov, kéo theo nguy cơ bùng phát chiến tranh cục bộ.

Ngày 25/11, lực lượng biên phòng Nga đã nổ súng làm bị thương 3 thủy thủ và bắt giữ  3 tàu của Ukraine được cho là đi vào lãnh hải của Nga ở biển Azov mà không xin phép.

Hành động bắt tàu của Nga được giới phân tích nhận định là rất nguy hiểm và có thể châm ngòi cho chiến tranh cục bộ. Ngay lập tức, Ukraine đã phản ứng gay gắt: Tổng thống Petro Poroshenko đã họp nội các, tuyên bố “tình trạng chiến tranh” và áp dụng các quy chế về “tình trạng khẩn cấp” trên toàn quốc.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi cả hai bên liên tục tăng cường các loại vũ khí hiện đại và có uy lực cao tới điểm nóng, lãnh đạo các nước trên thế giới ngày 27/11 kêu gọi Nga và Ukraine giải quyết căng thẳng thông qua đối thoại, tránh leo thang thành một cuộc xung đột khó kiểm soát.

Ba tàu của Ukraine bị Nga bắt giữ trên biển Azov ngày 25/11. (Nguồn: China Daily)

“Đá bóng” trách nhiệm

Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng cáo buộc Kiev cố tình gây ra vụ việc. Cơ quan An ninh Liên bang Nga – FSB cho rằng, các tàu Ukraine đã có hành động khiêu khích với “mục đích rõ ràng là tạo tình huống xung đột tại khu vực”, đồng thời công bố một đoạn video quay các thủy thủ Ukraine bị bắt giữ thừa nhận động cơ khiêu khích Nga.

Ngay sau đó, Moscow đã triển khai hàng loạt tàu chiến, tàu hàng phong tỏa luồng hàng hải dưới cây cầu bắc qua eo biển Kerch, cấm các phương tiện dân sự đi qua vùng biển này, đồng thời chỉ đạo các biên đội cường kích Su-25 và trực thăng tấn công Ka-25 tuần tra xung quanh.

Về phần mình, Ukraine khẳng định nước này đã thông báo trước cho Nga về lộ trình di chuyển của những con tàu của họ, vốn bắt buộc phải đi qua eo biển Kerch để đến Biển Azov. Ukraine cho rằng Nga đang cố tình thực hiện các hành động gây hấn. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã cảnh báo về mối đe doạ xâm chiếm trên bộ “cực kỳ nghiêm trọng”, đồng thời cho biết lệnh thiết quân luật là cần thiết để thúc đẩy năng lực phòng vệ của Ukraine trong bối cảnh hiện nay.

Màn kịch toan tính?

Thời điểm hiện tại, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang có mức tín nhiệm thấp nhất từ năm 2014, chỉ ở mức 62% so với cao điểm 88% hồi năm 2008. Chính sách tăng tuổi nghỉ hưu của ông đã gặp phải nhiều đề xuất phản đối, trong khi nền kinh tế chưa có nhiều cải thiện. Hướng sự chú ý của giới truyền thông vào vấn đề đối ngoại và thể hiện sức mạnh quân sự cùng tầm ảnh hưởng chính trị thường giúp ông có thêm sự ủng hộ trong nước. Dù nó diễn ra vô tình hay được lên kế hoạch trước, căng thẳng với Ukraine rõ ràng là một cơ hội như vậy. Trong căng thẳng với Ukraine, Nga phủ nhận mọi thông tin cho rằng mình gây hấn ở biển Azov và khẳng định hải quân Ukraine đã xâm phạm lãnh hải của mình, kích động tình hình vì lợi ích chính trị.

Tương tự, các chuyên gia cho rằng việc Ukraine đưa tàu “xâm phạm” lãnh hải của Nga là một hành động có tính toán trước của ông Petro Poroshenko nhằm trì hoãn các cuộc bầu cử đang tới gần, đồng thời, tranh thủ cảm tình của Mỹ và phương Tây. Bằng chứng là trong các cuộc thăm dò mới nhất, đương kim Tổng thống Ukraine đang thất thế trước cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko. Thêm vào đó, video được FSB công chiếu cho thấy các thủy thủ Ukraine trên ba tàu chiến đã được lệnh tiếp tục tiến vào biển Azov và bắn trả phía Nga, thay vì dừng lại như thường lệ. Điều này là đối nghịch với những gì Kiev nói trước đó khi cho rằng đã thông báo kế hoạch di chuyển cho Moscow.

Ngoài ra, Ukraine đã mất đi một khoản thu nhập lớn sau khi Nga hợp tác với Đức xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc-2” và với Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” không qua lãnh thổ Ukraine.

Do đó, Ukraine dường như đang thổi phồng nguy cơ xảy ra chiến tranh, nhằm hy vọng sẽ được Mỹ và phương Tây hỗ trợ về kinh tế và quân sự, qua đó đẩy lùi những khó khăn trong nước và áp lực đến từ Nga.

Có thể thấy, vụ đụng độ Nga - Ukraine lần này cùng những “kịch bản chiến tranh” sau đó hẳn đã được trù liệu từ trước. Có thể sự chủ động xuất phát từ phía Ukraine, nhưng không phải vì thế mà Nga không mượn cớ để “tát nước theo mưa”. Trong khi không ít người coi đấy là nước cờ trì hoãn cao tay của ông Poroshenko thì ông Putin cũng đang thể hiện rõ nhu cầu dùng thành quả đối ngoại để giải quyết khó khăn đối nội và cải thiện mức độ tín nhiệm.

Căng thẳng song phương đã đạt đến cao trào và có lẽ đã đến lúc Nga và Ukraine hạ nhiệt, bởi một cuộc chiến tranh cục bộ tốn kém, thương vong và nhiều rủi ro chưa bao giờ nằm trong mong muốn của cả Moscow và Kiev.