Trên thực tế, điều này không hẳn là mới xuất hiện trên thế giới. Nhà tâm lý học Marc Sagerman, người chuyên nghiên cứu al-Qaeda, gọi chủ nghĩa khủng bố là một hiện tượng của tầng lớp trung lưu. Một nghiên cứu năm 2016 của Viện Brookings cho thấy, 70% phần tử cực đoan trên toàn cầu của al-Qaeda thuộc tầng lớp trung lưu và người giàu có. Đây cũng là một xu hướng đang diễn ra trên khắp châu Á.
Động lực mang tính ý thức hệ
Những nhóm khủng bố được cho là những kẻ "tiên phong" bảo vệ ý thức hệ của họ, và thường khác biệt với quan điểm của xã hội trong cách lý giải những hành vi bạo lực. Tổ chức khủng bố cho rằng nhà nước luôn có quan điểm thù địch với cộng đồng của họ, không bảo vệ lợi ích của họ. Khủng bố thường kích động chính quyền, qua đó chúng xây dựng được hình ảnh trong lòng những người ủng hộ.
Bên cạnh đó, các nhóm cực đoan cũng là một xã hội thu nhỏ, khi các chúng thu nạp những thành viên thuộc tất cả tầng lớp kinh tế - xã hội và trình độ học vấn.
Những kẻ được cho là thủ phạm tấn công khủng bố ở Sri Lanka vừa qua. (Nguồn: Reuters) |
Người ta có thiên hướng cho rằng, những kẻ khủng bố thường nhắm vào các mục tiêu không có khả năng chống trả như dân thường. Cùng với đó, người ta cũng cho rằng khủng bố là những kẻ bị gạt ra bên lề xã hội và không còn gì để mất. Theo logic này, chủ nghĩa khủng bố chỉ đơn thuần là một xu hướng cực đoan. Tuy nhiên, luận điểm đó đã bỏ quên động lực mang tính ý thức hệ cũng như tinh thần tử vì đạo, vốn cũng là nhân tố quan trọng khiến những tên khủng bố sẵn sàng tấn công liều chết.
Một trường hợp điển hình là Osama bin Laden, xuất thân từ một trong những gia đình giàu có nhất Saudi Arabia, đã chọn sống trong hang động ở Tora Bora và đấu tranh cho những lý tưởng tôn giáo của mình. Hay như Khalid Sheikh Mohammed, kẻ vạch ra kế hoạch tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, cũng từng học tập ở Mỹ.
Xu hướng này đang ngày càng phổ biến tại châu Á. Các thủ lĩnh của nhóm Jemmaah Islamiah (JI), một chi nhánh của al-Qaeda, đều là những người có học thức.
Thậm chí, những kẻ có tư tưởng cực đoan nhất đa phần lại được đào tạo ở phương Tây. Yaziid Sufaat, một nhân vật cấp cao trong al-Qaeda, nhận bằng kỹ sư Hóa Sinh từ một trường đại học Mỹ và từng phục vụ trong lực lượng vũ trang Malaysia. Hay như Tiến sĩ Azahari bin Hussein, được cho là chủ mưu vụ đánh bom Bali năm 2002, từng là giảng viên Đại học Công nghệ Malaysia.
Trên thực tế, các trường công nghệ là những nơi JI chiêu mộ thành viên ở Indonesia và Malaysia. Tốt nghiệp từ các trường đào tạo công nghệ hàng đầu hiện nay là tấm vé thông hành trong xã hội, thế nhưng nhiều người lại tiến hành tấn công liều chết để bảo vệ lý tưởng tôn giáo của mình.
Yêu cầu của IS
Sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã làm thay đổi hình thức chiêu mộ thành viên của các nhóm khủng bố. Trong khi ở Indonesia, quá trình chiêu mộ thường diễn ra chậm chạp, mang tính cá nhân và dựa trên mạng lưới nhà thờ và trường dòng Hồi giáo; ở Malaysia và Singapore, quá trình cực đoan hóa và lôi kéo thành viên thường tiến hành trên mạng Internet.
Ở Malaysia, việc chiêu mộ diễn ra ở khắp các tầng lớp kinh tế - xã hội, và lôi kéo được nhiều thành viên thuộc tầng lớp trung lưu, đặc biệt là những thanh niên thất nghiệp với tương lai mờ mịt.
Một mặt, những kẻ khủng bố sẽ chủ động tiếp cận với các thanh niên. Như Abu Bakr Naji viết trong cuốn "Quản lý những hành vi tội ác" - một chuyên luận về al-Qaeda và IS - rằng: "Khủng bố sẽ nắm bắt sự nổi loạn, kích hoạt năng lượng và lý tưởng, và sự sẵn sàng hy sinh của giới trẻ".
Mặt khác, những người có học thức, giàu sang và có tiềm năng phát triển trong xã hội cũng thường "cuốn hút" những nhóm khủng bố. Bởi lẽ, những người này thường không khiến người khác nghi ngờ, không có tiền án tiền sự và không bị lực lượng an ninh để mắt đến.
Lực lượng an ninh được tăng cường tại các nhà thờ ở Sri Lanka. (Nguồn: Reuters) |
Nhiều người xuất thân từ gia đình thế tục và trở nên cực đoan hóa trong thời gian ngắn. Chị gái của một trong những kẻ đánh bom ở Sri Lanka cho biết, em trai bà đã bị cực đoan hóa trong thời gian học tập tại Australia. Tại đây, người này đã liên hệ với thủ lĩnh của IS, Neil Prakash, để gia nhập mạng lưới khủng bố.
Hiện nay, IS đang nỗ lực duy trì sự tồn tại, sau những thất bại ở Syria và Iraq. Tổ chức này sẽ lan tỏa ra toàn cầu, tìm kiếm những địa bàn mới, đặc biệt là tại châu Á. Tại mỗi địa bàn này, IS sẽ luôn chiêu mộ thành viên là những người yếm thế, không còn gì để mất. Nhưng quan trọng hơn, chúng sẽ tìm kiếm những thủ lĩnh - những người giàu sang, có địa vị, nhưng sẵn sàng từ bỏ tất cả để đi theo con đường khủng bố. Đó là yêu cầu mà IS đặt ra cho các thành viên nhằm mục tiêu hồi sinh "Nhà nước Hồi giáo" (caliphate) từ đống đổ nát.