📞

Cạnh tranh chiến lược giai đoạn mới

07:23 | 29/07/2017
Căng thẳng tại cao nguyên Doklam (Trung Quốc gọi là Động Lăng) không đơn thuần là tranh chấp lãnh thổ, mà còn là biểu hiện của một cuộc cạnh tranh chiến lược và ảnh hưởng giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Những tuần gần đây, cộng đồng quốc tế đang tập trung sự chú ý vào căng thẳng trong quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc liên quan đến biên giới lãnh thổ. Mâu thuẫn khởi phát từ tháng 6/2017 khi Ấn Độ, theo đề nghị của Bhutan, phản đối Trung Quốc tiến hành xây dựng đường tại cao nguyên Doklam (Trung Quốc gọi là Động Lăng). Đây là khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan, nằm gần ngã ba biên giới giữa ba nước Ấn Độ (bang Sikkim), Bhutan và Trung Quốc (Tây Tạng).

“Hòn đá hòa bình” đặt tại khu vực biên giới Ấn Độ - Trung Quốc ở độ cao 4.700m. (Nguồn: AFP)

Căng thẳng ngày càng leo thang khi hai nước đều điều quân đồn trú. Đến nay, mỗi bên có khoảng 3.000 quân, đóng tại khu vực quanh vùng tranh chấp. Đỉnh cao là ngày 28/6 vừa qua đã xảy ra xô xát lớn giữa binh sỹ Ấn Độ và Trung Quốc khi binh lính Ấn Độ cố gắng ngăn cản phía Trung Quốc tiếp tục xây dựng đường.

Chính giới và truyền thông hai nước liên tục phản đối lẫn nhau. Đặc biệt, truyền thông Trung Quốc còn kêu gọi “chiến tranh tổng lực nếu Ấn Độ không nhượng bộ”. Căng thẳng đã đưa quan hệ Trung - Ấn xuống mức thấp nhất trong nửa thế kỷ trở lại đây, đồng thời hé lộ bức tranh rộng lớn hơn về cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc đang trỗi dậy này.

Chưa từng thấy trong 500 năm

Va chạm liên quan đến tranh chấp lãnh thổ và biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ không phải là điều mới mẻ. Sau cuộc chiến năm 1962, khu vực đã chứng kiến các cuộc xung đột vũ trang lẻ tẻ giữa Ấn Độ và Trung Quốc cũng như việc hai bên củng cố lực lượng vũ trang, duy trì tình trạng đối đầu kéo dài dọc theo đường kiểm soát thực tế. Theo thống kê của Chính phủ Ấn Độ, riêng trong năm 2014 đã xảy ra 334 vụ việc với những mức độ khác nhau (con số này trong năm 2013 là 411, 2012 là 426 và 2011 là 213). Tuy nhiên, sự việc Doklam đã bị đẩy lên một mức căng thẳng mới. Lý do sâu xa dường như nằm trong sự cạnh tranh chiến lược giữa Ấn Độ và Trung Quốc. 

Lập trường cứng rắn của Trung Quốc không chỉ liên quan đến đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ. Đáng chú ý hơn, đó còn là biểu hiện cụ thể của việc Bắc Kinh ngày càng từ bỏ chủ trương “giấu mình chờ thời”. Theo đó, một mặt Trung Quốc đề cao hợp tác, mặt khác sẵn sàng có các biện pháp an ninh nhằm thay đổi nguyên trạng, từng bước mở rộng phạm vi hiện diện và ảnh hưởng.

Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực biên giới giữa hai nước. (Nguồn: Getty Images)

Ngoài ra, hành động của Trung Quốc khá nhất quán với quá trình nước này tăng cường hiện diện ở khu vực Nam Á. Với sự trỗi dậy mạnh mẽ trong những năm qua, Bắc Kinh ngày càng thể hiện rõ mục đích mở rộng ảnh hưởng tại Nam Á thông qua hàng loạt biện pháp kinh tế, chính trị, ngoại giao và trên thực tế đã lấn sân Ấn Độ ngày càng nhiều.

Trong khi đó, Pakistan ngày càng đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc nhằm tận dụng sự ủng hộ về kinh tế, công nghệ và quân sự của Bắc Kinh. Sri Lanka cũng có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Nepal duy trì mối quan hệ cân bằng với cả New Delhi và Bắc Kinh nhằm bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng, nước và các tiềm năng khoáng sản. Như vậy, Bhutan dường như là nước duy nhất còn lại mà Trung Quốc cần khẳng định sự hiện diện và ảnh hưởng, đặc biệt trong bối cảnh Bhutan đến nay vẫn dựa chủ yếu vào sự hỗ trợ của Ấn Độ.

Về phần mình, Ấn Độ ngày càng cảnh giác với các hành động lấn sân của Trung Quốc. New Delhi lo ngại khi hoàn thành, tuyến đường mà Trung Quốc xây dựng tại Doklam sẽ cho phép Bắc Kinh tiếp cận dễ dàng hơn với “hành lang Siliguri” hay còn gọi là vùng “cổ gà”, dài khoảng 20km kết nối các bang Đông Bắc với phần lãnh thổ chính của Ấn Độ. Thậm chí, một số ý kiến nhận định, nếu kiểm soát được cao nguyên Doklam, Trung Quốc có thể cô lập toàn bộ các bang này trong trường hợp xung đột Ấn - Trung xảy ra.

Ấn Độ cũng ngày càng lo ngại về sự phát triển của quan hệ “liên minh” mật thiết giữa Trung Quốc với Pakistan - đối thủ lớn nhất của Ấn Độ tại khu vực - cũng như với các quốc gia Nam Á khác để tạo thế kìm kẹp Ấn Độ ngay tại sân sau của New Delhi. Do đó, sự kiện Doklam đã và đang khắc sâu mặt cạnh tranh trong mối quan hệ Ấn - Trung. Một nhà quan sát thậm chí còn cho rằng đây là bằng chứng mới của một cuộc cạnh tranh chưa từng thấy trong 500 năm qua giữa hai cường quốc châu Á.

Chiến tranh khó xảy ra

Câu hỏi đang được đặt ra là liệu giữa hai nước có thể xảy ra một cuộc chiến như năm 1962, khi Trung Quốc bất ngờ phát động hai cuộc tấn công tại khu vực biên giới tranh chấp với Ấn Độ, buộc New Delhi rơi vào thế bị động và chịu tổn thất nặng nề. Trong bối cảnh hiện nay, chiến tranh ít khả năng xảy ra, vì một số nguyên nhân sau.

Trước tiên, cả hai bên đều nhận thức tương quan so sánh lực lượng không nghiêng hẳn về bên nào. Mặc dù quân đội Trung Quốc trội hơn Ấn Độ về số lượng, song các chuyên gia quân sự cho rằng tên lửa Agni và Prithvi của Ấn Độ có thể tấn công bất cứ thành phố nào của Trung Quốc. Các hạm đội với số lượng lớn máy bay chiến đấu Sukhoi, Mirage và Mig-29 của Ấn Độ cũng có khả năng cạnh tranh ngang ngửa, nếu không muốn nói là có phần hơn so với không quân Trung Quốc. Hải quân Ấn Độ còn có khả năng phong tỏa và cắt các đường tiếp tế tới Trung Quốc.

Infographics tranh chấp Doklam. (Nguồn: Zing)

Ngược lại, Trung Quốc sở hữu kho tên lửa đạn đạo với số lượng đầu đạn nhiều gấp hai lần Ấn Độ. Sức mạnh của Trung Quốc còn có thể nhân lên khi liên kết với Pakistan, đối thủ lớn nhất của Ấn Độ tại khu vực Nam Á. Quan trọng hơn cả, với kho vũ khí hạt nhân mà cả hai nước đang sở hữu, chiến tranh chỉ là hành động không có lý trí để cùng hủy diệt lẫn nhau.

Bên cạnh đó, những tổn hại về kinh tế cũng là lý do để hai bên cân nhắc khi đi đến quyết định chiến tranh. Ấn Độ và Trung Quốc hiện là đối tác kinh tế quan trọng của nhau. Nhiều nhà quan sát đã bắt đầu sử dụng thuật ngữ “Chindia” để ám chỉ sự liên kết giữa hai quốc gia này. Cả hai nước đều không muốn chiến tranh xảy ra và phá vỡ những thành tựu to lớn về tăng trưởng kinh tế và gia tăng sức mạnh tổng hợp trong những thập kỷ qua. Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định vẫn là ưu tiên đối ngoại của cả New Delhi và Bắc Kinh.

Ngoài ra, cộng đồng quốc tế cũng không mong muốn căng thẳng dẫn đến chiến tranh. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert ngày 19/7 đã hối thúc hai bên tham gia đối thoại trực tiếp nhằm giảm căng thẳng. Ngoại trưởng Australia Julie Bishop ngày 18/7 cũng nhấn mạnh không muốn thấy bất cứ sự leo thang căng thẳng nào có thể dẫn đến sai lầm.

Sớm tìm giải pháp

Mối quan hệ Ấn - Trung từ lâu nay tồn tại cả hai mặt hợp tác và cạnh tranh. Tuy nhiên, sự kiện Doklam, diễn ra trong bối cảnh cả Trung Quốc và Ấn Độ đang trỗi dậy, đã cho thấy dường như mặt cạnh tranh chiến lược đang nổi trội hơn so với mặt hợp tác. Cuộc cạnh tranh này đang diễn ra trên một phạm vi địa lý ngày càng rộng lớn, từ tiểu khu vực Nam Á đến Trung Á và Đông Nam Á, từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương. Ngoài ra, cạnh tranh Trung - Ấn sẽ còn vượt ra khỏi giới hạn của quan hệ song phương. Những liên kết, tập hợp lực lượng mới giữa các nước lớn sẽ có thêm động lực từ sự kiện Doklam.

Có thể cho rằng trong thời gian tới, Ấn Độ sẽ ngày càng được Mỹ và các nước khác quan tâm và tranh thủ nhằm lôi kéo và tạo sức ép đối với Trung Quốc. Cũng chính vì lý do đó, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ phải sớm tìm ra giải pháp để giảm căng thẳng, không để sự kiện này làm hỏng các tính toán chiến lược dài hơn của họ.

TS. Đặng Cẩm Tú

*Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả.