* Tại châu Mỹ, đến nay ghi nhận tổng cộng hơn 45 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.035.433 bệnh nhân tử vong, chiếm khoảng 50% số ca nhiễm toàn cầu.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nhất châu lục, với hơn 26 triệu ca nhiễm, trong đó có 435.452 trường hợp tử vong.
Lãnh đạo phe đa số của đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cho biết, đảng này sẽ thúc đẩy kế hoạch cứu trợ liên quan tới dịch Covid-19 của Tổng thống Joe Biden mà không cần sự ủng hộ của phe Cộng hòa nếu cần thiết.
Brazil chịu ảnh hưởng cao thứ 2 châu lục về số người mắc bệnh và tử vong, với lần lượt gần 10 triệu và 3 triệu ca. Brazil cũng đang đứng thứ 3 toàn cầu về những ảnh hưởng của đại dịch đối với con người.
Ngày 26/1, Bộ Y tế Cuba đã ghi nhận thêm 786 ca Covid-19, con số cao nhất hằng ngày kể từ đầu mùa dịch, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở đảo quốc Caribbean lên 22.614, trong đó có 200 ca tử vong.
Theo Tiến sĩ Francisco Duran - Giám đốc cơ quan dịch tễ quốc gia thuộc Minsap - mặc dù Cuba đang đối mặt với “làn sóng dịch bệnh” thứ 3 với số lượng ca bệnh mới gia tăng nhanh chóng, song đây vẫn là một trong những con số thấp nhất trên toàn thế giới.
Cuba hiện phát triển 4 loại vaccine ngừa Covid-19, trong đó, Soberana 02 - ứng cử viên vaccine được đánh giá cao nhất đang bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng 2B.
Tuần trước, các cơ quan y tế Cuba cũng bày tỏ hy vọng nước này có thể sản xuất được 100 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 trong năm nay để triển khai kế hoạch tiêm chủng cho toàn bộ 11,2 triệu dân, cũng như để ngỏ khả năng xuất khẩu sang nước thứ ba.
Trong khi đó, tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại Ecuador đã vượt mức 10.000, sau khi ghi nhận thêm 26 ca tử vong. Như vậy, tổng số ca tử vong ở Ecuador đã tăng lên mức 10.007 ca.
Hiện quốc gia Nam Mỹ đang chứng kiến số ca mắc bệnh gia tăng, với 579 ca ghi nhận trong ngày hôm qua, nâng tổng số ca mắc căn bệnh nguy hiểm này lên 242.146 ca. Hiện hầu hết các bệnh viện tại Ecuador đều đang huy động hết công suất giường bệnh chăm sóc tích cực, đặc biệt là ở các thành phố lớn có tỷ lệ lây nhiễm cao.
* Châu Âu đến nay ghi nhận gần 29,4 triệu người mắc bệnh, trong đó có 676.638 trường hợp tử vong do Covid-19.
Ngày 26/1, phát biểu tại phiên họp trực tuyến của Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2021, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, đại dịch Covid-19 đã làm lộ ra những thiếu sót nghiêm trọng của nước này.
Bà Merkel nhấn mạnh, Đức sẽ đầu tư mạnh cho lĩnh vực hợp tác phát triển, đồng thời cam kết Berlin sẽ hỗ trợ các nước nghèo nhiều hơn nữa trong công cuộc tái thiết sau đại dịch. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức không đưa ra cam kết cụ thể nào.
Ngoài ra, người đứng đầu chính phủ Đức còn nhấn mạnh tới tầm quan trọng của hợp tác toàn cầu trong bối cảnh đại dịch, biến đổi khí hậu và những cuộc khủng hoảng khác.
Bà Merkel cho rằng “thời điểm của chủ nghĩa đa phương” đã đến và yêu cầu thực hiện phân phối công bằng vaccine ngừa Covid-19 trên toàn thế giới.
Đến nay, Đức ghi nhận hơn 2,16 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có 54.390 người tử vong.
Tại Anh, số người tử vong vì dịch bệnh đã vượt 100.000 sau khi ghi nhận thêm 1.631 ca trong 24 giờ qua.
Anh cũng là quốc gia đầu tiên ở châu Âu và là quốc gia thứ 5 trên thế giới có số ca tử vong vượt mức 100.000, sau Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Mexico. Trong một ngày qua, Anh cũng ghi nhận thêm 20.089 ca mắc bệnh, nâng tổng số ca mắc lên 3.689.746 ca.
Tại Pháp, thêm 22.086 ca mắc mới được ghi nhận trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 3.079.943 ca, trong đó có 74.106 trường hợp tử vong, tăng 612 ca so với một ngày trước đó.
Theo Bộ Y tế Pháp, tính đến ngày 26/1, 1.184.510 người tại nước này đã được tiêm mũi vaccine phòng Covid-19 đầu tiên.
* Khu vực châu Á hiện ghi nhận hơn 22,7 triệu người mắc bệnh, trong đó có 366.813 bệnh nhân không qua khỏi.
Tại Nhật Bản, hiện có một số dấu hiệu cho thấy tình hình dịch đã bắt đầu lắng dịu khi số ca nhiễm mới trên toàn quốc trong tuần từ ngày 19-25/1 đã giảm gần 19% so với tuần trước đó.
Theo các chuyên gia y tế, mặc dù tốc độ lây lan của dịch bệnh đã chậm lại nhưng tỷ lệ người già nhiễm bệnh lại đang tăng lên.
Trong bối cảnh đó, chính quyền các địa phương ở Nhật Bản đang tích cực chuẩn bị để triển khai việc tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 cho người dân nhưng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như lựa chọn địa điểm tiêm phòng, đảm bảo đủ nhân viên y tế và cung cấp thông tin cho người dân.
Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ bắt đầu chương trình tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 vào cuối tháng 2. Khoảng 10.000 đến 20.000 bác sĩ và y tá sẽ được tiêm phòng trước, sau đó đến lượt các nhân viên y tế khác, người già và những người có bệnh lý nền.
Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura, người phụ trách công tác ứng phó với dịch Covid-19 cho biết, Nhật Bản sẽ đưa ra quyết định về việc liệu có cần gia hạn tình trạng khẩn cấp hay không vào thời điểm thích hợp.
Theo đài truyền hình NHK, chính phủ dự định sẽ xem xét liệu có nên gia hạn tình trạng khẩn cấp hay không sau khi theo dõi sát sao tình hình lây lan của dịch bệnh trên khắp cả nước và mức độ căng thẳng của hệ thống y tế.
Ngày 26/1, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết hơn 600 nhân viên y tế nước này đã tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2.
Cùng ngày, Indonesia cũng ghi nhận thêm 13.094 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số lên 1.012.350 ca, trong đó có 28.468 ca tử vong. Số lượng các ca nhiễm mới trong ngày tại Indonesia đã tăng vọt kể từ tháng 1/2021 và nhiều lần vượt mốc 10.000 ca.
* Châu Phi đến nay ghi nhận 3,49 triệu ca mắc bệnh, trong đó có 87.043 ca tử vong.
* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, theo kết quả khảo sát mới nhất do Đại học Johannesburg và Hội đồng nghiên cứu con người (HSRC) thực hiện, 67% người trưởng thành tại nước này sẵn sàng tiêm vaccine ngừa Covid-19, 18% không muốn tiêm và 15% còn lại chưa đưa ra quyết định, trong đó, số lượng nam giới đồng ý tiêm chủng nhiều hơn so với nữ giới.
Đáng chú ý, trong số những người sẵn sàng tiếp nhận vaccine, 29% cho biết họ quyết định tiêm vì muốn bảo vệ bản thân và 25% cho biết họ muốn được tiêm để bảo vệ những người xung quanh.
Bộ Y tế Nam Phi thông báo đặt mục tiêu tiêm vaccine cho ít nhất 40,3 triệu người, tương đương 2/3 dân số trong năm 2021. Quá trình triển khai sẽ được chia thành 3 đợt nhằm tối ưu hóa hiệu quả của quá trình phân phối và bảo quản vaccine.
Ngày 26/1, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen kêu gọi các công ty sản xuất vaccine ngừa Covid-19 phải "tôn trọng nghĩa vụ giao hàng”, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Liên minh châu Âu (EU) và các công ty dược phẩm vì việc giao hàng chậm trễ.
Bà von der Leyen khẳng định EU sẽ thiết lập một cơ chế minh bạch về xuất khẩu vaccine để đảm bảo các công ty tôn trọng các nghĩa vụ của họ theo hợp đồng với EU.