Hiện nay, toàn cầu còn 23,4 triệu bệnh nhân Covid-19 vẫn đang được điều trị, trong đó có gần 110 bệnh nhân nguy kịch.
* Tại châu Âu, thống kê chính thức cho thấy, ngày 5/1, số ca mắc mới Covid-19 ở Anh lần đầu tiên vượt quá 60.000 trường hợp/ngày kể từ khi đại dịch bùng phát.
Theo đó, Anh ghi nhận thêm 60.916 ca mắc Covid-19, trong đó có 830 người tử vong. Như vậy, đây là ngày thứ 7 liên tiếp số ca mắc Covid-19 tính theo ngày ở Anh vượt qua 50.000 người. Đến nay, Anh đã ghi nhận gần 2,8 triệu ca nhiễm, trong đó có 76.305 bệnh nhân tử vong.
Cùng ngày, Thủ tướng Boris Johnson cho hay, hơn 1,3 triệu người ở Vương quốc Anh đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19, trong bối cảnh nước này bắt đầu triển khai lệnh phong tỏa mới nhằm chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2.
Tổng số ca mắc bệnh tại Ireland cũng đã vượt ngưỡng 110.000 ca sau khi ghi nhận thêm 5.325 ca bệnh trong ngày 5/1, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 113.322 ca.
Giới chức y tế Ireland lo ngại đến cuối tuần này, số ca nhập viện điều trị sẽ vượt mức cao nhất từng ghi nhận trong đợt dịch thứ nhất là 881 ca hồi giữa tháng 4/2020.
Trước tình hình số ca mắc bệnh gia tăng một cách đáng ngại, Thủ tướng Ireland Micheal Martin cho biết, chính phủ đang cân nhắc các biện pháp mạnh tay hơn để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tại Đức, ngày 5/1, Thủ tướng Angela Merkel và thủ hiến các bang đã nhất trí kéo dài các biện pháp phòng chống dịch đang áp dụng hiện nay cho tới ngày 31/1, đồng thời siết chặt thêm các biện pháp phòng ngừa nhằm kiềm chế sự lây lan của đại dịch.
Hiện có tới 3/4 trong tổng số 410 huyện và thành phố ở Đức có chỉ số lây nhiễm vượt quá 100 ca/100.000 dân trong 7 ngày, trong đó có trên 70 huyện thị vượt quá 200 ca.
Trong 24 giờ qua, Đức có thêm trên 18.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 đến nay lên trên 1,8 triệu ca, trong đó có 36.510 bệnh nhân không qua khỏi.
Đức cũng sẽ kéo dài lệnh cấm nhập cảnh đối với những người đến từ Anh và Nam Phi cho đến ngày 20/1 do lo ngại những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở hai nước này.
* Tại châu Mỹ, nhiều trường đại học ở Mỹ vừa lên kế hoạch sẽ lùi ngày tựu trường kỳ mùa Xuân (tương đương học kỳ 2) để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19 và có đủ thời gian để y, bác sĩ và cán bộ y tế của trường kịp tiêm vaccine trước khi quay trở lại làm việc.
Hệ thống 64 trường đại học công lập của bang New York đều sẽ bắt đầu kỳ mùa Xuân vào đầu tháng 2, chậm khoảng 3 tuần so với ngày tựu trường thông thường trước thời điểm đại dịch xảy ra và tất cả sinh viên trở lại trường đều phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Nhiều trường đại học ngoài công lập cũng cân nhắc sẽ bắt đầu kỳ mùa Xuân chậm lại vì lo ngại dịch có thể bùng phát lại trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tại New York và trên toàn nước Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng và bang New York cũng đã phát hiện trường hợp đầu tiên dương tính với biến thể mới của virus khả năng lây lan nhanh.
Đến nay, Mỹ ghi nhận hơn 21,5 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có 365.620 ca tử vong, là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch nguy hiểm này.
* Tại châu Á, số ca nhiễm mới Covid-19 hằng ngày ở Hàn Quốc ở mức dưới 1.000 ca trong ngày thứ hai liên tiếp và có dấu hiệu chững lại.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) sáng 6/1, Hàn Quốc đã phát hiện thêm 840 ca Covid-19, trong đó có 809 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm lên 65.818 ca.
Trong 24 giờ qua đã có thêm 20 người tử vong vì Covid-19, nâng số người tử vong bởi dịch bệnh này lên 1.027 người.
Các cơ quan y tế Hàn Quốc cho biết, đường cong lây nhiễm virus đang dần phẳng lại nhờ nỗ lực xét nghiệm hàng loạt và giãn cách xã hội, song vẫn thận trọng trước tình trạng lây nhiễm tập thể và khả năng dịch bùng phát trở lại trong mùa Đông, cũng như sự lây lan biến thể mới của SARS-CoV-2 từ Anh.
Trong khi đó, Iran đã ghi nhận ca đầu tiên mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Ngày 5/1, Bộ Y tế Iran ghi nhận 6.113 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh Covid-19 lên 1.255.620 ca. Đại dịch khiến 55.748 người tại Iran thiệt mạng trong khi 1.029.028 người khác đã bình phục.
Israel cũng ghi nhận 9.299 ca mắc mới trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện, nâng tổng số ca bệnh lên là 455.144 ca, trong đó có 3.489 trường hợp tử vong.
Trước đó, giới chức Israel đã nhất trí siết chặt các biện pháp phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Theo đó, biện pháp phong tỏa toàn quốc sẽ được áp dụng từ đêm 7/1 và kéo dài 14 ngày, tất cả các trường học và các doanh nghiệp đều phải đóng cửa.
* Liên quan việc điều trị Covid-19, ngày 6/1, công ty công nghệ sinh học Hàn Quốc GC Pharma cho biết đã hoàn tất giai đoạn hai thử nghiệm lâm sàng phương pháp điều trị bằng huyết tương đối với người mắc Covid-19.
GC5131A là một loại thuốc globulin hyperimmune sử dụng huyết tương lấy từ những bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục hoàn toàn. GC Pharma đã kết thúc nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 2 hôm 31/12 và có kế hoạch nộp đơn lên Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc xin phê duyệt thuốc này trong quý I/2021.
GC Pharma cho biết, công ty đã hoàn thành việc sản xuất lô thuốc thứ 3, đồng nghĩa rằng loại thuốc này sẽ có mặt tại các cơ sở y tế ngay sau khi được phê duyệt.
Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 được tiến hành tại 15 điểm thử nghiệm tại địa phương, trong đó có cả bệnh viện đa khoa lớn của tập đoàn Samsung đối với bệnh nhân Covid-19 có các triệu chứng nghiêm trọng.
Thuốc thử nghiệm đã được Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc cho phép sử dụng khẩn cấp trong trường hợp bệnh nguy hiểm đến tính mạng và không có lựa chọn điều trị nào khác.
* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, trong bối cảnh nhiều nước đã ghi nhận biến thể virus có khả năng lây nhiễm cao hơn, ngày 5/1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị các bệnh nhân Covid-19 chủng ngừa 2 mũi vaccine của Pfizer và BioNTech với thời gian giãn cách từ 21 đến 28 ngày.
Cũng tại cuộc họp báo, trưởng nhóm chuyên gia về kĩ thuật của WHO Maria Van Kerkhove cho biết, hiện không có dấu hiệu biến thể virus được phát hiện ở Nam Phi có khả năng lây lan nhanh hơn biến thể tại Anh.
Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, Liên minh châu Âu (EU) có thể sớm cấp phép cho vaccine ngừa Covid-19 thứ hai.
Trong khi đó, cũng trong ngày 5/1, Cơ quan Dược phẩm Na Uy cho biết, 2 người đã tử vong sau khi được tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Việc tiêm chủng ở Na Uy sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech, bắt đầu từ ngày 27/12/2020. Cư dân một nhà dưỡng lão ở Oslo là những người đầu tiên được tiêm chủng.
Nhà chức trách Na Uy đang điều tra xem liệu các trường hợp tử vong có liên quan đến vaccine hay không.
| Covid-19: Đoàn điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2 gặp trở ngại với Trung Quốc, WHO thất vọng TGVN. Tổng Giám đốc WHO bày tỏ 'rất thất vọng' về việc Trung Quốc chưa hoàn tất các thủ tục nhập cảnh cho nhóm chuyên ... |
| Tin thế giới 5/1: Ông Biden khó hiểu 'chấp niệm' của ông Trump; Iran lộ tham vọng lớn; Trung Quốc nổi giận đòi Mỹ giải thích liên quan Covid-19 TGVN. Bầu cử Mỹ 2020, tình hình Iran, quan hệ Mỹ-Trung Quốc, nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19... là một số sự kiện ... |
| Gặp gỡ Nhật Bản 2020: Kết nối và thúc đẩy hợp tác TGVN. Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Tổ chức Xúc tiến Mậu ... |