Từ ngày 19-22/3, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có chuyến công du tới Đức, Pháp, Liên minh châu Âu (EU) và Italy. Bên cạnh việc thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế - thương mại giữa Nhật Bản với các nước chủ chốt trong EU, chuyến đi còn chứng tỏ sự năng động về ngoại giao của Tokyo.
Thủ tướng Shinzo Abe (trái) được chào đón bởi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (phải) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tại Hội đồng châu Âu, Brussels ngày 21/3/2017. (Nguồn: AFP) |
Trọng tâm thúc đẩy thương mại
Chuyến thăm châu Âu của ông Abe diễn ra trong bối cảnh cả Nhật Bản và EU đều đứng trước thử thách sau khi chính quyền mới tại Mỹ lên nắm quyền hồi đầu năm nay. Washington đang có những thay đổi lớn về lập trường trong các vấn đề kinh tế và đối ngoại.
Việc Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khiến ông Abe mất đi một số đòn bẩy kinh tế, đặc biệt là tự do hóa kinh tế - mục tiêu thứ ba của chương trình cải cách “Abenomics”. Mặc dù đã hết sức chủ động trong việc kết nối với chính quyền mới ở Mỹ bằng việc trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên tiếp xúc với Tổng thống đắc cử Trump và sau đó nhanh chóng thực hiện chuyến thăm chính thức tới Mỹ, dường như từng đó chưa đủ để ông Abe yên tâm.
Về phía châu Âu, các ý tưởng bảo hộ thương mại của Tổng thống Trump cũng khiến châu lục “mất ăn mất ngủ”. Hơn nữa, không chỉ về kinh tế, ông Trump còn lớn tiếng chỉ trích và đòi các nước châu Âu, trong đó có Đức phải đóng góp ngân sách nhiều hơn cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), khiến Berlin hết sức quan ngại.
Trong bối cảnh đó, thương mại tự do đã trở thành chủ đề trọng tâm được ông Abe và các nhà lãnh đạo châu Âu bàn thảo. Phát biểu tại Đức, chặng dừng chân đầu tiên, dù không đề cập tới chính quyền mới tại Mỹ, song cả ông Abe và người đồng cấp chủ nhà Angela Merkel đều tận dụng cơ hội để khẳng định sự ủng hộ đối với tự do thương mại, đồng thời nhất trí EU và Nhật Bản cần sớm đạt được một thỏa thuận kinh tế.
Trong khi đó, tại Pháp, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng lên tiếng ủng hộ đề xuất Hiệp định Thương mại EU - Nhật Bản đang trong quá trình đàm phán. Về chủ đề hàng hải, Paris và Tokyo đều ủng hộ “một trật tự hàng hải tự do và cởi mở” tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thủ tướng Abe nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc tập trận hải quân có sự tham gia của binh sĩ hoặc thiết bị của Pháp, Anh và Mỹ sẽ được tổ chức quanh đảo Tinian ở Tây Thái Bình Dương vào tháng 5 tới.
Tại trụ sở EU ở Brussels (Bỉ), trong cuộc gặp với các quan chức chủ chốt của Liên minh, ông Abe tuyên bố sẽ ký thỏa thuận thương mại EU - Nhật Bản càng sớm càng tốt để thể hiện lập trường chống lại chủ nghĩa bảo hộ.
Tại điểm dừng chân cuối trong chuyến thăm châu Âu, Thủ tướng Abe và người đồng cấp Italy Paolo Gentiloni đã nhất trí việc các nhà lãnh đạo của Nhóm G7 cần gửi một thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do thương mại tại hội nghị thượng đỉnh của Nhóm sắp tới tổ chức tại Italy. Hai bên cũng nhất trí Nhật Bản và Italy sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng, một phần trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng.
Nâng cao vị thế
Với kết quả chuyến công du này, có thể nói Thủ tướng Abe đã đạt được đồng thuận và quyết tâm chính trị cùng các nhà lãnh đạo châu Âu trong việc ủng hộ tự do hóa thương mại toàn cầu, nhằm đối phó với những tác động tiêu cực của xu hướng bảo hộ và chính sách “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump.
Bên cạnh đó, chuyến đi của Thủ tướng Abe cũng chứng tỏ Nhật Bản muốn đóng một vai trò lớn hơn trong khối G7, qua đó nâng cao vị thế của Tokyo trên trường quốc tế. Đây là cơ hội mà ông Abe đã nhận ra khi chủ động thúc đẩy quan hệ gần gũi với tân Tổng thống Mỹ Trump. Chuyến thăm châu Âu lần này của ông Abe diễn ra sau chuyến đi Mỹ hồi tháng 2 cho thấy Nhật Bản có thể “nói chuyện” với cả Mỹ và châu Âu, từ đó khẳng định vai trò kết nối của Nhật Bản trong bối cảnh quan hệ hai bờ Đại Tây Dương gần đây gặp một số trục trặc.
Bằng chứng là trong khi phát biểu tại Brussels, bên cạnh việc kêu gọi thúc đẩy quan hệ Nhật Bản - EU, ông Abe cũng khéo léo nêu quan điểm rằng hợp tác sâu hơn giữa hai bên nên được thực hiện cùng với Mỹ. “Ở giữa xu hướng bảo hộ phiền toái, tôi thấy điều quan trọng đối với Nhật Bản và EU là phải hợp tác với Mỹ để tạo cho thế giới một mô hình thương mại tự do”, ông Abe nói. Điều đó cho thấy, bất chấp việc không hài lòng với xu hướng bảo hộ cũng như nhiều chính sách mới khác của ông Trump, cả châu Âu và Nhật Bản vẫn cần đến Mỹ.