📞

Chân dung người phụ nữ quyền lực nhất thế giới

14:49 | 08/10/2017
Nhận định trên của Tạp chí Time năm 2015 là không hề khoa trương khi đề cập đến những thành tựu mà Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đạt được trong sự nghiệp chính trị của mình. 

Kể từ lúc bà Merkel trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo nước Đức vào tháng 11/2005, thế giới đã thay đổi rất nhiều, từ sự ra đời của Facebook, những cuộc khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng sâu sắc đến các thành viên mới gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Chỉ có sự lãnh đạo của Thủ tướng Merkel trong 12 năm qua là không đổi, thậm chí còn kéo dài thêm 4 năm nữa, khi liên minh của đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và đảng Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) do bà đứng đầu đã thắng lợi trong cuộc bầu cử ngày 24/9 vừa qua.

Thành công này đã biến bà Merkel trở thành “biểu tượng của sự ổn định và phát triển bền vững của Đức”. Bà cũng là người phụ nữ cầm quyền dài nhất trong các Chính phủ phương Tây, vượt qua cựu Thủ tướng Margaret Thatcher của Anh và Golda Meir ở Israel. 

Thủ tướng Angela Merkel được các cứ tri đánh giá là hình ảnh lý tưởng về sự ổn định và phát triển bền vững của nước Đức. (Nguồn: BBC)

Tuổi thơ ở Cộng hòa Dân chủ Đức

Angela Merkel sinh ra năm 1954 ở Hamburg và lớn lên ở phía Đông bức tường Berlin, trong lãnh thổ của Cộng hoà Dân chủ Đức. Cha của bà, mục sư Horst Kasner, đã vượt Tây Đức sang Đông Đức để phục vụ cho công việc truyền giáo của mình.

Là con cả của một gia đình tôn giáo, bà Merkel dành thời thơ ấu của mình trong tu viện Waldhof ở ngoại ô Templin, phía Bắc Berlin, chăm sóc hàng trăm người khuyết tật. Bà Merkel từng cho rằng mình đã học được nhiều điều khi trò chuyện với những người này. Tại Waldhof, cô gái Merkel thường chăm chú lắng nghe những cuộc hội thảo của người lớn xoay quanh thuyết thần học và triết học của Kant, cũng như các nhà tư tưởng khác thuộc trường phái triết học Đức.

Bà Erika Benn, giáo viên dạy tiếng Nga cho bà Merkel tại Templin cho biết gia đình Kasner “xuất thân từ tầng lớp thượng lưu”. Không tham gia vào các hoạt động bất đồng chính kiến, bà Merkel lựa chọn tập trung vào học tập, nghiên cứu và đã tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành Vật lý ở Leipzig năm 1978, một lĩnh vực mà Merkel đã có nhiều cống hiến nghiên cứu trong một số năm sau đó.

Cánh tay phải của Thủ tướng Helmut Kohl

Bức tường Berlin sụp đổ và sự thống nhất nước Đức đã tạo ra con đường chính trị đối với Merkel. Gần như ngay lập tức, bà đã tham gia vào đảng Bình minh Dân chủ và sau đó, năm 1990, đảng này đã nhập vào Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU), trung tâm quyền lực của Thủ tướng Helmut Kohl.

Chỉ trong một thời gian ngắn, bà Merkel đã trở thành “cánh tay phải” của ông Kohl. Nhận thấy phẩm chất và năng lực ở người phụ tá nên năm 1991, Thủ tướng Kohl đã bổ nhiệm bà làm Bộ trưởng Phụ nữ và Thanh niên và sau đó là Bộ trưởng về Môi trường và An toàn Hạt nhân.

Bà Angela Merkel được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Phụ nữ và Thanh niên, sau đó là Bộ trưởng về môi trường và An toàn hạt nhân dưới thời Thủ tướng Helmut Kohl. (Nguồn: AFP/Getty)

Nhưng vào năm 1998, khi danh tiếng của ông Kohl bị lu mờ bởi vụ bê bối tài trợ bất thường thì bà Merkel đã nhanh chóng thoát ra và công khai kêu gọi đổi mới cấp lãnh đạo của CDU. Cùng năm đó, bà Merkel kết hôn lần thứ hai với nhà hóa học Joachim Sauer. Năm 2000, bà Merkel được bầu vào vị trí lãnh đạo của đảng CDU và chỉ 5 năm sau, bà đã trở thành người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Đức.

Ngay từ khi lên cầm quyền, Thủ tướng Merkel đã ban hành chính sách tôn trọng các cải cách tự do hoá của người tiền nhiệm Helmut Kohl, được gọi là “Chương trình nghị sự 2000”, tập trung vào nền tảng sức mạnh kinh tế Đức trong thế kỷ 21.

Với Hy Lạp bên bờ vực thẳm

Là người cầm quyền, bà Merkel luôn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng bà vẫn luôn biết cách kiểm soát bản thân và vượt qua khó khăn. Một phần đức tính này được cho là đến từ việc bà Merkel đã cân bằng được cuộc sống khi luôn biết cách dành thời gian cho cuộc sống riêng tư. Nhiều người từng sửng sốt trước món bánh kem mận tuyệt hảo do chính tay Thủ tướng Đức làm ra.

Sheikko Sakurai, họa sĩ biếm họa về bà Thủ tướng trong nhiều năm từng nhấn mạnh sự bình tĩnh và kiềm chế là một trong những tài sản lớn nhất của bà, phẩm chất được các cử tri theo trường phái bảo thủ của CDU đánh giá cao.

Phẩm chất quý giá này đã được thể hiện rõ nét qua cách bà giải quyết sự “sụp đổ” của Hy Lạp sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 làm chao đảo cơ cấu của EU và đồng Euro. Trước mối đe dọa đến từ chủ nghĩa dân tộc ở các quốc gia EU và với tư cách là lãnh đạo quốc gia đầu tàu của khối, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã huy động 28 nước thành viên EU đưa ra chương trình giải cứu, qua đó bảo toàn sự tồn tại của khu vực đồng tiền chung Eurozone.

Đáng chú ý, ngay cả trong những thời khắc khó khăn đó, bà Merkel không bao giờ tỏ ra nóng giận hay mất bình tĩnh. Thủ tướng Đức chỉ đơn thuần nhắc đến trách nhiệm của các bên và yêu cầu họ hoàn thành các cam kết đã đạt được. Bà để dành vai trò người hòa giải cho Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schäuble, người thiết lập sự cân bằng giữa các nước Bắc Âu yêu cầu kiên quyết chống lại Hy Lạp và các nước Nam Âu kêu gọi cắt giảm chương trình thắt lưng buộc bụng từ Brussels. Cuối cùng, Athens đã phải chấp nhận các điều khoản của thỏa thuận và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có thể loại bỏ nguy cơ phá vỡ đồng Euro.

Đặt cược vào người tị nạn

Thủ tướng Angela Merkel đặt cược vào việc chấp nhận người tị nạn, dù các cuộc thăm do cho thấy sự sụt giảm uy tín đối với bà. (Nguồn: Getty)

Cuộc chiến ở Syria và dòng người đổ vào lãnh thổ châu Âu làm trầm trọng thêm vấn đề tị nạn. Tuy nhiên, trái với mọi suy đoán, Thủ tướng Angela Merkel thông báo Đức sẽ mở rộng vòng tay đón nhận hơn 1 triệu người tị nạn, nhiều hơn bất cứ thành viên EU khác. Bà đã bảo đảm trước đồng bào của mình: “Chúng ta có thể làm được việc này”.

Đây có lẽ là canh bạc rủi ro nhất trong sự nghiệp chính trị của bà Thủ tướng. Nhiều cử tri đã không tán thành. Trong nhiều tháng, các cuộc thăm dò cho thấy CDU đã bị thua thiệt trong các cuộc bầu cử địa phương, với sự nổi lên của đảng bài ngoại Sự lựa chọn cho nước Đức (AfD). Ngay cả đảng chị em của CDU là đảng Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), trong cuộc bầu cử tại bang Bavaria, đã chỉ trích biện pháp này. Những người phản đối cho rằng chính sách mở cửa như vậy sẽ làm tăng nguy cơ tấn công khủng bố ở Đức.

Tuy nhiên, đối với Thủ tướng Merkel, nguy cơ đến từ già hóa dân số ngày càng cao, trong khi tuổi nghỉ hưu ngày càng thấp, mới là thứ đáng lo ngại. Bà đã chọn chiến thuật “đi từng bước” và học cách chịu đựng, để không bị lôi cuốn bởi các cuộc thăm dò dư luận.

Cuối cùng, Thủ tướng Angela Merkel đã đứng vững, khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vừa qua. Thực tế này đã thể hiện bà như là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn và có khả năng thực hiện những ý tưởng của mình tới cùng.

Một cuộc thương lượng bế tắc

Cùng với mối đe dọa đến từ chủ nghĩa khủng bố, Brexit cũng đang trở thành một vấn đề quốc tế khác được cho là sẽ khiến bà Merkel và EU tiếp tục đau đầu. Cho đến nay, bà Merkel không đổ lỗi cho London về Brexit, nhưng sự kiên định của phái đoàn EU trong các cuộc đàm phán đang được tiến hành cho thấy cả Thủ tướng Merkel và những người đứng đầu Chính phủ châu Âu khác đều không muốn “lùi bước” trong quá trình thương lượng với người Anh.

Trong bối cảnh hiện nay, đây sẽ tiếp tục là một cuộc chiến lâu dài. Nhiều nhà phân tích tin rằng một khi thành lập chính phủ mới, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để thúc đẩy một cuộc cải cách trong EU, nhằm sửa chữa những thiệt hại phải hứng chịu trong các năm gần đây. Sylke Tempel, biên tập viên Tạp chí Chính sách Berlin, tiết lộ: “Cho đến nay, bà Merkel rất thận trọng khi không đưa ra manh mối nào về chiến lược của mình vì sợ sẽ có tác hại ngược lại. Đây có lẽ là tác phong của Thủ tướng Đức”.

Quan hệ trắc trở

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc hội đàm tại Nhà Trắng. (Nguồn: Getty)

Trong khi đó, mối bang giao Berlin – Washington dưới thời Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là không hề suôn sẻ. Bà Merkel đã tỏ ý không đồng tình khi ông Trump quyết định rút xứ Cờ hoa ra khỏi Hiệp định Chống biến đổi Khí hậu Paris (COP21) và đề nghị xây dựng một cấu trúc bảo vệ châu Âu mới thay thế Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bà đã quả quyết: “Thời điểm mà người châu Âu hoàn toàn phụ thuộc vào những người khác đã qua rồi!”.

Ngay cả khi hai lãnh đạo gặp nhau ở Phòng Bầu dục, Tổng thống Trump đã tránh bắt tay khi các nhiếp ảnh gia yêu cầu, trong khi Thủ tướng Merkel phản ứng với một nụ cười bất ngờ.

Có thể nhận thấy rằng, bà Merkel tỏ ra thân thiết hơn với cựu Tổng thống Mỹ Obama, người được bà đánh giá rất cao. Mối thân tình giữa hai nhà lãnh đạo thậm chí đã vượt qua cả những bê bối về sự can thiệp của Mỹ trong truyền thông và những rò rỉ của vụ WikiLeaks.

(theo BBC)