Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sissi phải tìm lời giải cho những bài toán hóc búa trong nhiệm kỳ của mình. Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP) |
Việc ông El-Sissi tiếp tục đảm nhiệm nhiệm kỳ thứ ba cho thấy uy tín của ông trên cương vị này. Tuy nhiên, con đường phía trước được dự báo nhiều thách thức cho vị Tổng thống của đất nước kim tự tháp.
Nhiệm kỳ mới, thủ đô mới
Ông Abdel Fattah El-Sissi, 69 tuổi, trước đó đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 12/2023 với 89,6% phiếu bầu. Mười năm trước, ông El-Sissi đã giành chiến thắng đầu tiên trong cuộc bầu cử Tổng thống và tái đắc cử cho nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2018. Với nhiệm kỳ ba này, ông El Sissi giữ trọng trách cho đến năm 2030.
Những hình ảnh về lễ nhậm chức được phát sóng trên truyền hình nhà nước Ai Cập cho thấy, Tổng thống El-Sissi đã tuyên thệ trước các đại biểu tại trụ sở Quốc hội ở thủ đô hành chính mới, xây dựng trên sa mạc ở phía Đông thủ đô Cairo, một trong những dấu ấn của ông El-Sissi trong tiến trình cải cách đất nước.
Phát biểu tại lễ tuyên thệ, Tổng thống Al-Sissi nói: “Tôi khẳng định lại cam kết của mình trong việc hoàn thành quá trình xây dựng quốc gia. Điều mà tôi hướng đến chính là lợi ích của các bạn và lợi ích của đất nước này”. Ông Abdel Fattah El-Sissi còn hứa tiếp tục cải cách “để hiện thực hóa khát vọng của dân tộc Ai Cập, nhằm xây dựng một nhà nước hiện đại và dân chủ”.
Điểm sáng một thập kỷ
Kể từ khi nắm quyền năm 2014, ông El-Sissi đưa đất nước của những kim tự tháp nổi tiếng ổn định trở lại, đặc biệt sau làn sóng mùa Xuân Arab. Tình hình chính trị - an ninh của đất nước bên dòng sông Nil được củng cố, đời sống xã hội của hơn 106 triệu dân cải thiện rõ rệt.
Với chính sách đối ngoại tự chủ, linh hoạt, Ai Cập có những bước đi cụ thể trong việc cải thiện quan hệ với một số quốc gia có tiếng nói trong khu vực, bao gồm việc bình thường hoá quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Dưới thời Tổng thống El-Sisi, nền kinh tế Ai Cập có diện mạo mới. Cơ sở hạ tầng giao thông, các thành phố mới như New Cairo, các hạ tầng kinh tế ngày càng được mở rộng.
Trong 10 năm qua, Ai Cập luôn đạt được mức tăng trưởng kinh tế ổn định, với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình khoảng 4%/năm. Chính phủ Ai Cập đã thực hiện nhiều cải cách để thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong Quý I/2024, Ai Cập tiếp nhận hàng chục tỷ USD, trong đó có 35 tỷ USD từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất để đầu tư phát triển một đoạn bờ biển Địa Trung Hải và khoản vay gia hạn thêm trị giá 5 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)...
Bên cạnh đó, chính phủ Ai Cập tăng cường đầu tư vào giáo dục, bao gồm tăng ngân sách cho giáo dục và xây dựng thêm trường học mới. Quốc gia Bắc Phi chú trọng thúc đẩy một loạt dự án kinh tế trọng điểm thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, dầu khí, hàng hải, năng lượng xanh và các ngành khác nhằm mang lại sự bùng nổ kinh tế.
Kể từ năm 2019, Ai Cập triển khai Sáng kiến “Cuộc sống sung túc” - dự án phát triển lớn nhất trong lịch sử hiện đại của nước này, với tổng kinh phí lên tới hàng chục tỷ USD nhằm cải thiện điều kiện sống cho người dân ở khu vực nông thôn.
Thách thức phía trước
Các nhà phân tích cho rằng, trong nhiệm kỳ sáu năm tới, Tổng thống El-Sissi phải điều hành đất nước trong bối cảnh Ai Cập đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế, bao gồm tỷ lệ lạm phát cao và tình trạng thiếu hụt đồng USD, tác động tiêu cực do các cuộc xung đột, bất ổn tại khu vực, đặc biệt là cuộc xung đột Israel-Hamas. Xung đột ở Dải Gaza có thể dẫn đến làn sóng người tị nạn khổng lồ đổ về bán đảo Sinai của Ai Cập. Sự leo thang các cuộc giao tranh đe dọa hủy hoại an ninh và hòa bình của toàn khu vực. Chắc chắn, môi trường đầu tư cũng như các chính sách phát triển đất nước của Ai Cập sẽ bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, nguy cơ quá tải dân số là một vấn đề khác của quốc gia Bắc Phi này. Người đứng đầu Hội đồng dân số quốc gia Ai Cập (NPC) Tarek Tawfik từng cảnh báo, dân số Ai Cập ước tính sẽ đạt từ 142 đến 157 triệu người vào năm 2050, tạo áp lực lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, môi trường, nhà ở.
Do đó, trong thời gian tới, Tổng thống El-Sisi sẽ phải thực hiện các chính sách và giải pháp hiệu quả. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông El-Sisi cam kết sẽ hoàn thành Tầm nhìn phát triển năm 2030 của Ai Cập, trong đó tập trung vào các cải cách chính trị, kinh tế và xã hội, bao gồm sửa đổi luật liên quan các quyền chính trị và hoạt động của các đảng phái chính trị.
Nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và tình trạng thiếu ngoại hối, ông đưa ra giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, giảm nhập khẩu để giảm bớt áp lực ngoại hối. Bên cạnh đó, việc trao quyền lớn hơn nữa cho phụ nữ, cải tiến hệ thống giáo dục, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và cải thiện chất lượng dịch vụ công cũng là những nhiệm vụ trọng tâm trong cương lĩnh tranh cử.
Đặc biệt, Tổng thống El-Sissi cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố nhằm giữ vững an ninh quốc gia, cũng như tiếp tục khẳng định vai trò và ảnh hưởng của Ai Cập như một trụ cột an ninh trong khu vực.
Với kinh nghiệm đúc kết được của hai nhiệm kỳ trước và với những thành tựu chính trị, ngoại giao có được ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ thứ ba như gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và nâng cấp quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) lên thành Đối tác chiến lược toàn diện, chắc hẳn Tổng thống El Sissi sẽ tìm ra lời giải cho những bài toán hóc búa trong nhiệm kỳ mới của mình.