Nhỏ Bình thường Lớn

Châu Á - trọng tâm của chính quyền Trump?

Những tuyên bố của Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump không chỉ gây hoang mang cho các đồng minh châu Á - Thái Bình Dương mà cả các nước đang cạnh tranh quyết liệt với Mỹ ở khu vực này.
TIN LIÊN QUAN
chau a trong tam cua chinh quyen trump Nhà Trắng: Mỹ rút khỏi TPP sẽ đem lại lợi ích cho Trung Quốc
chau a trong tam cua chinh quyen trump Kế hoạch của ông Trump có thể cứu nền kinh tế thế giới

Thắng lợi của ông D. Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hôm 9/11 vừa qua gây bất ngờ cho giới quan sát Mỹ và thế giới. Các nước vẫn tiếp tục  theo sát chính sách của vị Tổng thống đắc cử “ngoại đạo trong hệ thống chính trị Mỹ” này khi trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông đã có những tuyên bố hùng hồn về việc “đặt lợi ích Mỹ lên trước”.

Khu vực quan trọng

Không phải đến thời chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Barack Obama, Washington mới quan tâm tới châu Á - Thái Bình Dương mà Mỹ đã hiện diện tại khu vực này từ trước đó, sau khi Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc. Từ đó tới nay, khu vực này ngày càng trở nên quan trọng với Mỹ xét trên cả khía cạnh kinh tế lẫn chiến lược.

Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực phát triển năng động nhất, chiếm hơn 40% GDP toàn cầu và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế xám xịt của thế giới trong vài năm trở lại đây. Không chỉ vậy, khu vực này còn có 1/2 dân số toàn cầu, là thị trường lớn nhất thế giới và 50% nền kinh tế thế giới đều tập trung tại đây. Do vậy, Mỹ có lợi ích kinh tế và an ninh chặt chẽ, không thể tách rời với các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

chau a trong tam cua chinh quyen trump

Tổng thống Obama từng phát biểu, “lợi ích của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương không mới, không phải nhất thời. Nó phản ánh những lợi ích quốc gia cơ bản” và rằng "vận mệnh của Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương đã trở nên gắn bó chặt chẽ hơn bao giờ hết”. Nhìn lại hơn 70 năm qua, có thể thấy, mặc dù mức độ tập trung của Mỹ đối với khu vực dưới mỗi đời Tổng thống có khác nhau, song Mỹ luôn quan tâm tới khu vực này.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Australia cho rằng, chính sách “xoay trục” hoặc “tái cân bằng” sang châu Á là khẩu hiệu của ông Obama và nhiều khả năng khẩu hiệu này sẽ ra đi cùng ông. Nhưng việc Mỹ đặt trọng tâm vào châu Á và coi đó là một trong những ưu tiên về an ninh quốc gia đã trở thành điểm chung bất biến của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa từ sau Chiến tranh Lạnh. Đồng thời, vai trò trung tâm của hệ thống liên minh Mỹ ở châu Á (với Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan) - như ở châu Âu (NATO) - cũng là điểm chung của hai đảng kể từ năm 1950.

Vì những lý do đó, chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm các cam kết của nước này với đồng minh, luôn mang tính lưỡng đảng và sẽ tiếp tục như vậy, cho dù ai là Tổng thống mới của nước Mỹ.

Điều chỉnh cam kết tranh cử

Vì khu vực châu Á - Thái Bình Dương có vai trò rất quan trọng đối với kinh tế và an ninh của Mỹ và việc tham gia các cơ chế trong khu vực sẽ giúp chính quyền mới đạt được những mục tiêu của mình (trong đó có chống khủng bố), Mỹ không thể bỏ rơi khu vực này. Tuy nhiên, chính sách của chính quyền D. Trump với châu Á - Thái Bình Dương sẽ ra sao lại là câu hỏi lớn.

Mặc dù châu Á là một trong những trọng tâm trong chiến dịch tranh cử, ông D. Trump lại không đưa ra nội dung cụ thể gì về vai trò của khu vực này trong tầm nhìn tổng thể, vốn là điều để giới phân tích dự đoán về chính sách của ông D. Trump đối với khu vực. Ông D. Trump chỉ có những phát biểu “gây sốc” về quan hệ với đồng minh và vũ khí hạt nhân để cố gắng tạo ra nét khác biệt với ứng cử viên đối lập.

chau a trong tam cua chinh quyen trump

Qua những lời hứa trong chiến dịch tranh cử, ông D. Trump cho thấy xu hướng theo đuổi cách tiếp cận chính sách đối ngoại đơn phương rõ ràng và thực dụng hơn  hai người tiền nhiệm, điển hình là việc đặt điều kiện cho sự bảo vệ đồng minh của Mỹ. Ông từng nói, nếu làm Tổng thống, ông có thể không đảm bảo sẽ bảo vệ cho các nước NATO nếu các nước này bị tấn công và Mỹ sẽ chỉ giúp nếu nước đó thực hiện đầy đủ “nghĩa vụ” trong liên minh. Hay ông từng khẳng định sẽ “rút quân khỏi Hàn Quốc” nếu nước này không chấp nhận chi trả nhiều hơn.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định các Tổng thống Mỹ không phải lúc nào cũng thực hiện đúng những điều họ nêu ra trong chiến dịch tranh cử. Như việc Ronald W. Reagan từng hứa sẽ công nhận Đài Loan (Trung Quốc) hay  Jimmy Carter từng cam kết rút lính Mỹ khỏi bán đảo Triều Tiên trong chiến dịch tranh cử của mình nhưng sau đó đều không thực hiện khi họ trúng cử. Trong nhiều trường hợp, chính sách đối ngoại của Tổng thống mới rất khác với những giải pháp đơn giản được đưa ra trong quá trình tranh cử. Nhận định này có vẻ đúng với trường hợp D. Trump.

Ông D. Trump đang cho thấy những dấu hiệu điều chỉnh nhiều cam kết về đối nội và đối ngoại ông từng đưa ra trong quá trình tranh cử. Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng truyền hình CBS, với tư cách Tổng thống đắc cử, ông D. Trump khẳng định vẫn giữ cam kết xây dựng tường ngăn tại biên giới với Mexico nhưng “một số đoạn sẽ được thay thế bằng hàng rào”.

Ngoài ra, ông D. Trump cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ không bãi bỏ hoàn toàn đạo luật Obamacare, không hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran hay đánh thuế cao các mặt hàng Trung Quốc như tuyên bố gay gắt ông từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Văn phòng bà Park cho biết ông D. Trump cam kết duy trì bảo vệ Hàn Quốc theo thỏa thuận liên minh an ninh hiện có.

Điều chỉnh chiến lược với hoàn cảnh mới

Ông D. Trump là một người “ngoại đạo” trong hệ thống chính trị Mỹ, thiếu kinh nghiệm về đối ngoại. Do vậy, rất khó dự đoán chính sách tương lai của ông nói chung và chính sách của Mỹ đối với châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, nhất là khi cuộc đua vừa kết thúc và ông D. Trump chưa chỉ định ai sẽ nắm giữ những vị trí chủ chốt trong chính quyền của mình, đặc biệt là những vị trí cố vấn về khu vực. Hơn nữa, đến nay ông D. Trump cũng chưa đưa ra đường lối chính sách đối ngoại cụ thể nào ngoài tuyên bố xây dựng quan hệ "tốt đẹp" và "công bằng" với các nước “sẵn lòng”.

Tuy nhiên, trong tương quan lực lượng hiện nay của Mỹ với các trung tâm quyền lực khác trên thế giới và một danh sách các vấn đề đối nội cấp thiết khác, nhiều khả năng Tổng thống D. Trump sẽ tiếp tục chiến lược tái cân bằng dưới tên gọi mới và có sự điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh mới.

Trong những năm tới, nhiều khả năng chính sách của ông D. Trump ở châu Á sẽ được xây dựng xung quanh việc hợp nhất chính sách cân bằng ở bên ngoài với chiến lược ngăn chặn trên thực tế. Đặc biệt, với những tính toán thực dụng “vì lợi ích của nước Mỹ đầu tiên” và phương châm xây dựng quan hệ "tốt đẹp" và "công bằng" với các nước "sẵn lòng", chính quyền D. Trump sẽ tiếp tục xu hướng gần đây trong chính sách của Mỹ đối với châu Á - Thái Bình Dương.

Một mặt, Mỹ tiếp tục xu hướng chuyển bớt gánh nặng an ninh khu vực cho các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc. Mỹ sẽ nhấn mạnh và ủng hộ vai trò cũng như đóng góp nhiều hơn của đồng minh trong các vấn đề khu vực. Theo The Diplomat, Mỹ có thể tiếp tục chú trọng mối quan hệ với các đồng minh khu vực trong khi tiếp tục duy trì hiện diện hải quân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương để tránh khả năng căng thẳng leo thang quá mức.

Mặt khác, chính quyền D. Trump sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực, ít quan tâm thúc đẩy các vấn đề giá trị Mỹ như dân chủ, nhân quyền và duy trì ảnh hưởng trong các thể chế khu vực để mang lại lợi ích cho nước Mỹ. Ông D. Trump từng nói ông ít quan tâm đến việc phổ biến "các giá trị toàn cầu mà không phải ai cũng chia sẻ hay muốn". Thay vào đó, ông sẽ làm việc với các đồng minh Mỹ để "phục hồi những giá trị và thể chế phương Tây".

Song, cần lưu ý ông D. Trump là người theo chủ nghĩa dân tộc thực dụng. Mục tiêu của ông là phục hưng nước Mỹ và khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ thông qua những nhiệm vụ chấn hưng nước Mỹ từ bên trong. Ông D. Trump lại đang phải đối mặt với một nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc. Trong khi đó, các nước vẫn lặng lẽ quan sát chính sách mới của tân Tổng thống Mỹ và ra sức xây dựng quan hệ với chính quyền mới. Do vậy, thời gian đầu sau khi lên nắm quyền, ông D. Trump sẽ tập trung giải quyết các vấn đề trong nước ("hàn gắn" nước Mỹ, phục hồi kinh tế, tạo thêm việc làm...) hơn là quan tâm và dành nguồn lực giải quyết các vấn đề bên ngoài.

Mặc dù giới quan sát đang rất nóng lòng tìm hiểu xem chính quyền D. Trump sẽ làm gì ở khu vực này, song nhiều khả năng chúng ta phải đợi đến tháng 1/2017. Chỉ khi các vị trí chủ chốt và cố vấn cho chính quyền D. Trump chính thức nhậm chức và có phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, chúng ta mới có thể biết được những tính toán của chính quyền D. Trump đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

chau a trong tam cua chinh quyen trump Nhà Trắng: Mỹ rút khỏi TPP sẽ đem lại lợi ích cho Trung Quốc

Ngày 22/11, Nhà Trắng cảnh báo, nếu Mỹ từ bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) như Tổng thống đắc cử Donald ...

chau a trong tam cua chinh quyen trump Kế hoạch của ông Trump có thể cứu nền kinh tế thế giới

Ngày 23/11, giới chuyên gia nhận định kế hoạch của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng ở ...

chau a trong tam cua chinh quyen trump Ông Trump muốn làm cầu nối hòa giải Israel - Palestine

Ngày 22/11, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho biết sẵn lòng là cầu nối, giúp Israel và Palestine đạt được một nền hòa bình ...

Mai Lan