📞

Châu Âu cần liên minh quân sự?

08:45 | 30/09/2016
Ý tưởng thành lập một lực lượng quân đội chung dường như thắp lên niềm hy vọng mới cho sự thống nhất châu Âu. 

Kể từ khi Cộng đồng Than Thép châu Âu, tiền thân của Liên minh châu Âu (EU) ngày nay, thành lập với 6 thành viên năm 1952, một tập thể “siêu quốc gia” châu Âu đã dần được hình thành. Ý tưởng về một liên minh quân sự từng được đưa ra nhưng bị gạt bỏ vì các nước EU muốn tập trung vào hội nhập kinh tế.

Tuy nhiên, giờ đây EU đang gặp rắc rối khi Anh lựa chọn rời EU (Brexit), ý tưởng về khối liên minh quân sự này lại hồi sinh. Một số quốc gia châu Âu đang nói về một "Liên hiệp quốc phòng châu Âu". Một số khác lại liên hệ tới khối Schengen - lãnh thổ không kiểm soát biên giới giữa các nước EU - và mường tượng ra một khối “Schengen quốc phòng”.

Hiện nay đang diễn ra các cuộc thảo luận về việc thành lập một đội quân châu Âu có nhiệm vụ đảm bảo an ninh trong và ngoài EU. (Nguồn: AP).

Rõ ràng, các nhà lãnh đạo châu Âu đang muốn tăng cường củng cố vai trò của EU sau sự kiện Brexit. Nước Anh cho rằng trở ngại lớn nhất đối với liên minh quốc phòng chính là sự ra đi của họ. Trong khi đó, Pháp với tiềm lực quân sự hàng đầu châu Âu lại rất ủng hộ ý tưởng này vì cho rằng đây sẽ là cơ hội tốt để nước này giành lại vị thế lãnh đạo EU từ Đức.

Tuy nhiên, việc thành lập liên minh quân sự có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời làm trầm trọng thêm hai mối đe dọa lớn đối với an ninh của “lục địa già”: tăng đối đầu với Nga và “bỏ rơi” đồng minh Mỹ.

Vì sao châu Âu lại cần một liên minh quân sự? Thứ nhất, theo lập trường của các nước phương Tây, Nga là “mối đe dọa” ngày càng lớn. Thứ hai, sự biệt lập của Mỹ, đặc biệt nếu ứng viên Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ kế tiếp, có thể làm chệch hướng NATO.

Thứ ba, bằng cách lập liên minh quân sự, EU có thể tăng cường vai trò của mình. Ngày nay, nhiều mối đe dọa mới như khủng bố, an ninh năng lượng và an ninh mạng, đòi hỏi sự xử lý tốt hơn của các cơ quan dân sự. Rõ ràng, EU là sự lựa chọn tốt hơn NATO để giải quyết những thách thức này. EU cũng là cầu nối quan trọng với các nước Bắc Âu trung lập như Thụy Điển và Phần Lan, tham gia nhiều hơn vào việc bảo vệ các quốc gia Baltic và lôi kéo những nước này gia nhập NATO.

Dù vậy, ý tưởng này không phải là không có rủi ro. Với kỳ vọng nhìn thấy kết quả nhanh chóng, các nhà lãnh đạo châu Âu có thể sẽ vội vàng lập liên minh quân sự về mặt hình thức chứ không phải thực chất. Mặt khác, tham vọng quân sự của EU khó có thể thay thế NATO bởi dẫu sao họ vẫn sẽ nhỏ bé hơn so với sức mạnh quân sự của Mỹ. Ý tưởng về liên minh quân sự của Pháp và Đức chủ yếu nói về “sự tự chủ chiến lược”, nhưng sẽ không thể có tự chủ nếu quân đội châu Âu không thể triển khai, chiến đấu, hay thậm chí nhận diện kẻ thù chỉ vì không có sự trợ giúp của Mỹ.

Châu Âu có lẽ cần trang bị thêm tàu sân bay, tàu chở nhiên liệu, máy bay trực thăng, máy bay do thám, vệ tinh… và nhân lực. Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu cần chủ động trong việc này thay vì trông chờ vào NATO hay EU. Tựu chung, nếu lực lượng quân sự của mỗi quốc gia mạnh hơn thì sức mạnh của EU và NATO mới có thể tăng lên.

(theo The Economist)