Sự ủng hộ miễn cưỡng
Tối 7/5, bên ngoài khuôn viên Bảo tàng nghệ thuật Louvre, Paris, Tổng thống Pháp đắc cử Emmanuel Macron đã phát biểu trước đám đông hàng chục nghìn người mà trong đó không biết có bao nhiêu người thực sự chắc chắn về những mong đợi của mình từ nhà lãnh đạo mới. Tổng thống Pháp là vị nguyên thủ quốc gia được dân bầu và ông Macron dường như là một vị vua trẻ tuổi, cứng rắn pha chút lo âu đứng giữa một sân khấu sáng chói lóa.
Chiến thắng của ông Emmanuel Macron chưa thể thuyết phục được người dân Pháp. (Nguồn: AFP) |
Mặc dù ông Emmanuel Macron được bầu với tỷ lệ phiếu bỏ xa đối thủ của ông là nhà chủ nghĩa dân tộc Marine Le Pen, có lẽ ông Macron nợ nỗi sợ hãi của công chúng dành cho bà Le Pen một lời cảm ơn vì đó dường như là một yếu tố quan trọng giúp ông giành được chiến thắng.
25% cử tri Pháp không đi bầu (mức cao nhất trong 48 năm qua) và 9% cử tri bỏ phiếu trắng đều là những con số biết nói. Ông Macron giành được gần 66% số phiếu bầu nhưng các cuộc thăm dò đã chỉ ra rằng, gần một nửa trong số đó có động cơ chính là mong muốn ngăn chặn chiến thắng của bà Le Pen. Bởi vốn dĩ chủ nghĩa tự do kinh tế của Macron gây sợ hãi cho phe cánh tả, trong khi đó chủ nghĩa tự do xã hội của ông lại “xa lánh” phe cánh hữu, còn chủ nghĩa châu Âu của ông thì chọc giận những thái cực của cả hai phe.
Phát biểu vào đêm 7/5, ông Macron cũng gửi gắm tới “những người Pháp bỏ phiếu cho ông mà không đồng quan điểm với ông” rằng: “Tôi biết điều này không có nghĩa là trao cho tôi toàn quyền hành động”. Ông thừa nhận nhiều người đã bình chọn cho ông đơn giản là để bảo vệ nền cộng hòa của đất nước. Rõ ràng, ông Macron hiểu rằng nếu ông muốn thực hiện những cải cách chính trị, kinh tế và xã hội mà ông đã đề ra, ông sẽ phải thuyết phục những người “ủng hộ miễn cưỡng này” tiếp tục giúp ông nắm được đa số trong cuộc bầu cử lập pháp vào tháng tới hoặc thuyết phục họ từ bỏ đảng phái và hợp tác với ông trong một liên minh. Cả hai kết quả này đều nằm trong tầm kiểm soát, theo thăm dò ý kiến của cử tri, nhưng không phải điều dễ dàng có được.
Trong khi đó, bà Le Pen mặc dù nhận thất bại với 34% phiếu bầu nhưng điểm số của bà đã khẳng định rằng, ít nhất, đảng Mặt trận Dân tộc (FN) có thể sẽ vẫn là trung tâm trọng lực trong chính trường Pháp trong những năm tới.
Con đường đơn độc
Không ai có thể phủ nhận rằng cả bà Le Pen và ông Macron đều được hưởng lợi từ sự chia rẽ của các đảng lớn tại Pháp sau vòng bỏ phiếu đầu tiên. Trong khi ông Macron thu hút sự ủng hộ từ những người trung dung thì bà Le Pen lại thu hút những người bất mãn về tình hình an ninh tại Pháp. Điều này thể hiện rõ khi hầu hết các thành viên nổi bật của các đảng lớn đều kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho ông Macron ở vòng hai.
Tuy nhiên, hiện nay các nhà lãnh đạo đảng Những người Cộng hòa (LR) vì lo ngại về nguy cơ tan rã nên đã kiên quyết từ chối liên minh với ông Macron hoặc bất cứ sự tham gia nào vào liên minh nghị viện của ông. Ông François Baroin, một quan chức của đảng LR được giao nhiệm vụ chỉ đạo chiến dịch của đảng đối với cuộc bầu cử lập pháp, tuyên bố: “Chúng tôi rõ ràng là phe đối lập”. Tại vòng một, ứng cử viên đảng LR François Fillon đã giành được 20% phiếu bầu, đứng ở vị trí thứ ba. Nếu LR không giành được đa số trong Quốc hội, đảng này dự định sẽ giống như đảng FN về phe đối lập với Tổng thống.
Dù đã đắc cử Tổng thống, nhưng ông Emmanuel Macron không nhận được sự ủng hộ của các ứng cử viên còn lại. (Nguồn: AFP) |
Về phần mình, ứng cử viên đảng Xã hội (PS) cánh tả Jean-Luc Mélenchon, người có số phiếu ít nhất (sau ông Fillon) trong vòng đầu tiên đã từ chối kêu gọi những người ủng hộ ông quay lại bỏ phiếu cho ông Macron trong vòng hai, mặc dù ông cũng yêu cầu họ không bỏ phiếu cho bà Le Pen. Trong một bài phát biểu vào tối chủ nhật, ông Mélenchon đã gửi lời chúc tới tân Tổng thống Pháp: "Tân Tổng thống đã được bầu. Sự nhã nhặn và lòng yêu mến nền dân chủ đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận điều này và chúng tôi xin gửi chúc tốt đẹp nhất tới ông Macron”.
Đảng truyền thống PS cũng là đảng của Tổng thống sắp mãn nhiệm François Hollande, đang hỗn loạn khi chưa thể định hình một sách lược rõ ràng với ông Macron. Nhiều dự đoán cho thấy đảng này có thể sẽ mất nhiều ghế trong cuộc bầu cử vào tháng tới.
Vậy, cảnh quan chính trị rối bời này sẽ là lợi thế hay bất lợi cho ông Macron? Câu trả lời có lẽ hiện tại vẫn chưa thể biết chính xác được. Mặc dù đảng “Tiến bước” (En Marche!) của ông Macron được thành lập chưa đầy 1 năm, ông Macron đã cam kết sẽ giúp các ứng cử viên đảng này chạy đua cho 577 ghế đại biểu Quốc hội Pháp. Một nửa trong số đó là các chính trị gia, còn một nửa là thành viên xã hội dân sự không có kinh nghiệm chính trị.
Kể từ sau cách mạng Pháp, người Pháp đã luôn suy nghĩ về việc nên theo đuổi chủ nghĩa tự do hay bảo thủ. Giờ đây, kết quả bầu cử sau hai vòng vừa qua đã phản ánh rõ nét sự mơ hồ trong lòng dân chúng. Có lẽ, ông Macron đã được công chúng chấp thuận bởi những cam kết cứng rắn của mình, nhưng ông cũng đang đứng trước những rủi ro do chính mình tạo ra: Nếu ông không làm, ông sẽ khiến công chúng thất vọng và nếu ông làm, ông sẽ phải đương đầu với sự đơn độc.