📞

Chiến tranh Lạnh mới?

10:23 | 07/01/2016
Lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991, một chiến lược an ninh mới của Nga công khai tuyên bố, Mỹ và các đồng minh NATO là mối đe dọa đối với dải đất vắt ngang hai châu lục Á - Âu này.
Chiến lược an ninh 2016 được Tổng thống Vladimir Putin đặt bút ký vào ngày cuối cùng của năm 2015, thay thế chiến lược an ninh năm 2005.

Chiến lược an ninh 2016 được Tổng thống Vladimir Putin đặt bút ký vào ngày cuối cùng của năm 2015, thay thế chiến lược an ninh năm 2005 được ký bởi Tổng thống Nga lúc đó là ông Dmitry Medvedev. Chiến lược năm 2005 hầu như không đề cập Mỹ và đồng minh NATO là mối đe dọa hay mối đe dọa an ninh tiềm năng với Moscow. Song, dường như gió đã đổi chiều khi các nhà lãnh đạo điện Kremlin quyết đoán và mạnh mẽ hơn trong việc theo đuổi những lợi ích cốt lõi của mình trên trường quốc tế thì hai cái tên Mỹ và NATO lại bị liệt vào "danh sách đen" là những mối lo ngại lớn.

Sau Chiến tranh Lạnh, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, Hiệp ước Warsaw bị hủy bỏ, tạo ra khoảng trống để NATO không ngừng tăng thêm thành viên và mở rộng thế lực nhằm kiềm chế Nga. Hơn nữa, theo Chiến lược an ninh 2016, NATO đang thực hiện quá trình quân sự hóa và nâng cấp vũ trang tại khu vực giáp giới, mở rộng liên minh về phía biên giới của Nga.

Theo Global Research (Canada), mối quan hệ giữa Nga và NATO đang ở thời điểm rất xấu. NATO hỗ trợ chính quyền Kiev trong cuộc chiến với lực lượng thân Nga ở miền Đông Ukraine. Nga cho rằng vấn đề Ukraine chính là nguồn gốc bất ổn ở châu Âu và trực tiếp ảnh hưởng tới biên giới nước này. Theo Điện Kremlin, đó chỉ là một phần tham vọng của NATO. Hiện NATO gửi hàng nghìn binh lính, máy bay chiến đấu tới các các nước cộng hòa vùng Baltic và từ đây, máy bay chiến đấu chỉ mất vài phút là có thể tiếp cận TP. Saint Petersburg của Nga. NATO còn tổ chức diễn tập quân sự, triển khai quân đội, các đơn vị phòng thủ tên lửa tới khắp khu vực Đông Âu cũng như lực lượng hải quân làm nhiệm vụ hoặc diễn tập từ Bắc cực tới vùng Baltic. Chính quyền Putin cho rằng, NATO đang tìm cách lật đổ Chính phủ Nga theo mô hình các cuộc "cách mạng màu", vốn tạo ra chế độ do Mỹ hậu thuẫn như ở Gruzia hay Ukraine.

Trong chính sách của Nga, mối đe dọa an ninh quốc gia được coi là mối đe dọa rất nghiêm trọng, tới mức có thể sử dụng vũ lực để ngăn chặn. Nga có quyền sử dụng vũ lực chống lại NATO nếu như các biện pháp khác nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia không hiệu quả.

Với Mỹ, Nga xác định rõ trong Chiến lược an ninh rằng Moscow phải đối mặt với việc Washington và các đồng minh đang tìm cách duy trì sự thống trị trong các vấn đề toàn cầu.

Tờ Jordan Times cho rằng năm qua, quan hệ giữa hai bên đã "chạm đáy" khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3/2014. Không phải là sự căng thẳng "vơi sáng, đầy chiều" mà sự căng thẳng Nga - Mỹ trong hai năm qua mang tính liên tục. Cụ thể, Nga ngầm hậu thuẫn lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine chống lại chính quyền Kiev do Mỹ và phương Tây "đỡ đầu". Tiếp đó, Nga mạnh tay can thiệp vào cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria với mục tiêu "một mũi tên trúng hai đích": một mặt, thể hiện được vai trò trong cuộc chiến chống IS, mặt khác mở ra hướng đi mới cho vấn đề nội chiến Syria. Mỹ và phương Tây đã phản ứng với các chính sách của Nga bằng việc áp đặt lệnh trừng phạt, mở rộng sự hiện diện của NATO tại các nước láng giềng của Nga.

Dường như Nga và phương Tây đứng đầu là Mỹ đang trên hành trình trở lại cuộc chiến tranh Lạnh kéo dài nhiều thập kỷ trong quá khứ. Nhận định trên tờ Jordan Times cho rằng, có lẽ, cả hai bên cần bình tĩnh, thể hiện sự "trưởng thành" của mình trong nền chính trị toàn cầu, vì một thế giới hòa bình vốn đang bị lung lay bởi chiến trường Trung Đông "rực lửa".