Nhỏ Bình thường Lớn

Chính quyền Tổng thống Joe Biden khẳng định Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật có hiệu lực đối với quần đảo Senkaku

TGVN. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định, Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật sẽ có hiệu lực trên cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, trong động thái nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với đồng minh lâu năm Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden khẳng định Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật có hiệu lực đối với quần đảo Senkaku
Tân Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan. (Nguồn: Reuters)

Ngày 21/1, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản Shigeru Kitamura, tân Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tái khẳng định tầm quan trọng của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật. Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa quan chức cấp cao hai nước kể từ khi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.

Theo thông cáo của chính phủ Nhật Bản, ông Sullivan khẳng định, nước Mỹ phản đối mọi động thái đơn phương làm phương hại đến sự quản lý của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, cũng như tuân thủ nghĩa vụ trong Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật.

Hai bên nhất trí hợp tác vì một khu vực “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” và hợp tác chặt chẽ với các quốc gia chung mục đích, thông qua các cơ chế như Quad – “Bộ Tứ” bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

Nhật Bản và Mỹ đồng ý hợp tác trong đối phó với các thách thức toàn cầu như an ninh kinh tế hay đại dịch Covid-19. Hai bên cũng trao đổi quan điểm về tình hình khu vực như Trung Quốc, Triều Tiên, cũng như việc công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc.

Năm 2014, trong chuyến thăm của cựu Tổng thống Barack Obama đến Nhật Bản, Mỹ lần đầu tiên xác nhận Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật được áp dụng trên cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Quan điểm này được cựu Tổng thống Donald Trump tái khẳng định trong cuộc hội đàm với cựu Thủ tướng Abe Shinzo hồi tháng 2/2017. Giờ đây, Nhật Bản mong muốn chính quyền tân Tổng thống Biden tiếp tục chính sách này.

Hậu bầu cử Mỹ 2020: 3 'hòn đá tảng' trong quan hệ Mỹ-Nhật

Hậu bầu cử Mỹ 2020: 3 'hòn đá tảng' trong quan hệ Mỹ-Nhật

TGVN. Với Nhật Bản, viêc ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ đắc cử dường như sẽ không mang lại nhiều bất ngờ cho quan ...

Theo điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật, “Mỗi bên ghi nhận rằng, một cuộc tấn công vũ trang chống lại bất cứ bên nào trong khu vực lãnh thổ thuộc quyền quản lý của Nhật Bản sẽ là mối nguy đối với hòa bình và an toàn của chính mình, và tuyên bố sẽ hành động để đối phó với mối nguy chung phù hợp với các điều khoản và tiến trình hiến pháp nước mình”.

Điều khoản này được giải thích rằng, Mỹ sẽ coi một cuộc tấn công vào quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tương tự như một cuộc tấn công vào lãnh thổ Mỹ.

Nhật Bản đang theo dõi sát sao cách tiếp cận của chính quyền Biden đối với Trung Quốc. Theo Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Okada Naoki, mối quan hệ ổn định giữa Mỹ và Nhật Bản “đặc biệt quan trọng”.

Nhiều người Nhật cho rằng, nước Mỹ sẽ không thay đổi nhiều trong chính sách “diều hâu” đối với Trung Quốc. Nhật Bản hy vọng chính quyền ông Biden sẽ tiếp tục ủng hộ khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” mà hai nước đã thúc đẩy trong những năm gần đây.

Ở một động thái có thể là tín hiệu cho các chính sách của chính quyền mới, Kurt Campbell, điều phối viên phụ trách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng, đề cập khả năng mở rộng Quad trong bài viết trên tờ Foreign Affairs.

Ông Campbell khẳng định, nước Mỹ cần tái can dự một cách nghiêm túc vào khu vực, chấm dứt việc rũ bỏ đồng minh, không tham dự hội nghị thượng đỉnh, tránh né can dự về kinh tế và lảng tránh hợp tác quốc tế.

Một trong những trọng tâm trong hợp tác Mỹ-Nhật là đối phó với biến đổi khí hậu. Tokyo đang kêu gọi đàm phán với các quan chức cấp cao của Washington trong các lĩnh vực này, bao gồm hợp tác về công nghệ như tái chế carbon hay phát triển lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ.

Tân Thủ tướng Nhật Bản và thách thức 'vẹn cả đôi đường' trong cạnh tranh Mỹ-Trung

Tân Thủ tướng Nhật Bản và thách thức 'vẹn cả đôi đường' trong cạnh tranh Mỹ-Trung

TGVN. Học giả người Nhật Yoshikazu Kato - Phó Giáo sư tại Viện châu Á Toàn cầu, Đại học Hong Kong vừa có bài phân ...

Trong thông điệp chúc mừng ông Biden, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đề cập biến đổi khí hậu trong danh sách lĩnh vực mong muốn hợp tác với tân Tổng thống Mỹ. Hai nhà lãnh đạo cùng hướng đến việc đưa cán cân phát thải carbon về 0 trước năm 2050.

Cuộc đàm phán dự kiến có sự góp mặt của Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Koizumi Shinjiro và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Kajiyama Hiroshi.

Đại diện phía Mỹ có thể là cựu Ngoại trưởng John Kerry, đặc phái viên về môi trường của Tổng thống Mỹ. Cựu thống đốc bang Michigan Jennifer Granholm, người được Tổng thống Biden đề cử cho chức vụ Bộ trưởng Môi trường, cũng có thể góp mặt.

Sau khi Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh hành pháp nhằm khởi động quá trình tái tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu ra thông cáo hoan nghênh động thái của Mỹ.

“Với việc hợp tác với Mỹ, bao gồm lĩnh vực công nghệ cao, Nhật Bản sẽ tiếp tục dẫn đầu cộng đồng quốc tế trong việc hiện thực hóa một xã hội không carbon, như mục tiêu của Hiệp định Paris”, trích thông cáo của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

TIN LIÊN QUAN
Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của LHQ chính thức có hiệu lực, Nhật Bản kiên quyết không tham gia
Chính quyền tân Tổng thống Mỹ Biden muốn gì về Hiệp ước New START?
Hậu bầu cử Mỹ 2020: Hàn Quốc chính thức chúc mừng, Nhật Bản tìm cách tăng cường quan hệ dưới thời ông Biden
Giữa lúc Trung Quốc ngày càng hung hăng ở Biển Đông và Hoa Đông, Mỹ-Nhật Bản rầm rộ tập trận
Hậu bầu cử Mỹ 2020: 3 'hòn đá tảng' trong quan hệ Mỹ-Nhật

Việt Hà (theo Nikkei Asia Review)