Sự thay đổi ở lưỡng viện sau bầu cử giữa kỳ Mỹ sẽ không tác động nhiều tới chính sách đối ngoại Mỹ. Trong ảnh, Đảng Cộng hòa dự kiến sẽ nắm quyền kiểm soát Hạ viện, ông Kevin McCarthy làm Chủ tịch mới. (Nguồn: Reuters) |
Cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ vẫn chưa hoàn toàn khép lại, song đến thời điểm này, mọi thứ dường như đã an bài.
Ngày 15/11, truyền thông Mỹ đưa tin về kết quả bầu cử, đảng Cộng hòa đã cầm chắc chiến thắng tại Hạ viện. Còn ở Thượng viện, đảng Dân chủ đã chắc chắn duy trì quyền kiểm soát. Tuy nhiên, liệu kết quả này sẽ ảnh hưởng ra sao tới các chính sách trong hai năm tới của nước Mỹ, đặc biệt là về đối ngoại?
Ít thay đổi
Trước hết, tương tự các bầu cử giữa kỳ trước, chính sách đối ngoại không phải là mối quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ. Ngay cả khi xung đột Nga - Ukraine vẫn nóng từng ngày và Washington tiếp tục đóng góp phần lớn viện trợ ngân sách và quân sự cho Kiev, người dân nước này vẫn chủ yếu quan tâm các vấn đề đối nội.
Việc đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện và đảng Cộng hòa nắm Hạ viện không mang đến nhiều thay đổi tới chính sách đối ngoại của Mỹ hai năm tới. Điều này đồng nghĩa rằng, Washington sẽ tiếp tục viện trợ kinh tế, quân sự cho Kiev, trong khi duy trì trừng phạt toàn diện với Moscow, mặc dù không loại trừ khả năng Quốc hội sẽ cố gặng hạn chế quy mô hoặc ràng buộc các khoản viện trợ này với quá trình đàm phán nếu có.
Theo Hạ nghị sĩ Kevin McCarthy, người nhiều khả năng sẽ làm Chủ tịch Hạ viện, “không có một tấm séc trắng dành cho Kiev”. Hồi tháng Năm, có tới 57 nghị sĩ Cộng hòa đã bỏ phiếu phản đối gói hỗ trợ 40 tỷ USD cho Ukraine của chính quyền ông Joe Biden, ngay cả khi ủng hộ Ukraine vẫn là quan điểm nhất quán của Mỹ.
Một quan điểm nhất quán khác của Mỹ là lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Nhiệm kỳ vừa qua, một trong những chiến thắng quan trọng tại lưỡng viện của ông Joe Biden là đạo luật CHIPS, cung cấp hàng trăm tỷ USD để tăng cường tính cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn. Trong bối cảnh Thượng viện và Hạ viện do hai đảng khác nhau kiểm soát, Trung Quốc có thể là vấn đề hiếm hoi nhận được sự đồng thuận lớn từ lưỡng viện.
Tương tự, Hạ viện mới có thể “hồi sinh” Đạo luật chính sách Đài Loan. Thậm chí, Chủ tịch của Hạ viện mới có thể một lần nữa thăm Đài Bắc để thể hiện sự ủng hộ đối với hòn đảo này.
Thương mại cũng là lĩnh vực chứng kiến ít thay đổi, khi cả đảng Dân chủ và Cộng hòa chưa cho thấy nhiều ý tưởng mới.
Về Iran, diễn biến mới tại nước này kèm với thông tin Tehran có thể cung cấp máy bay không người lái (UAV) cho Moscow tại Ukraine đồng nghĩa rằng khả năng nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) sẽ ngày càng khó khăn hơn.
Liên quan tới Triều Tiên, hành động mới đây của Bình Nhưỡng cùng khả năng về vụ thử hạt nhân thứ bảy khiến Washington quan ngại, song cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa chưa cho thấy một kế hoạch hay lộ trình cụ thể tháo gỡ căng thẳng. Trong bối cảnh đó, Mỹ nhiều khả năng sẽ duy trì các lệnh trừng phạt sẵn có.
Mỹ cũng sẽ tiếp tục ủng hộ Israel, mặc dù giới chức Mỹ bày tỏ quan ngại về một số thành viên cực hữu trong chính phủ mới.
Điều chỉnh mới
Tuy nhiên, cuộc bầu cử giữa kỳ này cũng tác động nhất định tới chính sách đối ngoại của Mỹ.
Việc quá trình bỏ phiếu diễn ra một cách hòa bình, trật tự sẽ khiến các đồng minh, đối tác của Mỹ an tâm hơn sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.
Một yếu tố khác là Hạ viện, nơi đảng Cộng hòa sẽ kiểm soát, có thể tổ chức các phiên điều trần về các quyết sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden như rút quân khỏi Afghanistan, qua đó ảnh hưởng tiêu cực về mặt truyền thông với Washington.
Cuối cùng, bầu giữa kỳ Mỹ chứng kiến sự thất bại của nhiều ứng cử viên được ông Donald Trump ủng hộ. Dù không còn tại chức, song tiếng nói và quan điểm đối ngoại của chính trị gia này vẫn có ảnh hưởng đáng kể trong nội bộ đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, thất bại vừa qua của các ứng cử viên có thể làm giảm tác động của cựu Tổng thống Mỹ với quan điểm đối ngoại chung của đảng này, đồng thời ảnh hưởng tới khả năng chính trị gia này trở lại Nhà Trắng năm 2024, với sự nổi lên của một số ứng cử viên tiềm năng khác như Thống đốc bang Florida Ron DeSantis.
Như vậy, dù không mang lại nhiều thay đổi đáng kể, song bầu cử giữa kỳ Mỹ ít nhiều tác động tới chính sách đối ngoại của nước này thời gian tới.