TIN LIÊN QUAN | |
Thế giới chuyển mình | |
Tại sao Pháp không chọn phe cực hữu? |
Chủ nghĩa tân tự do (CNTTD - Neoliberalism) là chủ đề gây tranh cãi gay gắt trên thế giới thời gian gần đây, đặc biệt sau khi xảy ra các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính, tiền tệ, cũng như các cuộc khủng hoảng chính trị dẫn đến các sự kiện vô cùng bất ngờ như sự lên ngôi của chủ nghĩa dân túy, Brexit hay việc ông Donald Trump lên nắm quyền Tổng thống ở Mỹ.
Friedrich Hayek giảng dạy tại trường Kinh tế London năm 1948. (Nguồn: Getty) |
Năm ngoái, ba nhà kinh tế hàng đầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã thông báo kết quả nghiên cứu của họ liên quan đến tác động của CNTTD. Đầu tiên, các tác giả này chính thức công nhận CNTTD có tồn tại, không như nhiều người vẫn kiên quyết phủ nhận. Họ đã dẫn chứng thống kê từ năm 1980 tới nay, cho thấy việc một số chính phủ áp dụng các chính sách theo CNTTD đã thu được kết quả đáng kinh ngạc. Một mặt, các chính sách này hỗ trợ kinh tế phát triển một cách dễ dàng, nhưng mặt khác, lại xuất hiện các tác động đi kèm như các chu kỳ phát triển - suy thoái đều đặn và sự bất bình đẳng xã hội. Họ khẳng định thay vì mang lại sự giàu có cho xã hội, một số chính sách theo CNTTD còn làm gia tăng chênh lệch giàu nghèo và vì thế mục đích tăng trưởng bền vững không thể đạt được.
Chủ nghĩa tân tự do là gì?
“Chủ nghĩa tân tự do” là thuật ngữ ra đời từ những năm 1930. Vì nó nằm tản mạn ở nhiều chính sách khác nhau, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều chuyên gia không cho rằng đây là một hệ tư tưởng cụ thể. Theo chủ nghĩa này, sự cạnh tranh là yếu tố cơ bản quyết định các mối quan hệ trong xã hội. Với cách nhìn ấy, mỗi cá nhân trong xã hội được nhìn nhận như một “nhà tiêu dùng”, thực hiện quyền cá nhân tốt nhất thông qua mua và bán – quá trình có khả năng khuyến khích thành công và trừng phạt những gì không hiệu quả. Vì thế, chính thị trường mới là nơi điều tiết xã hội tốt nhất và chính phủ phải để thị trường tự điều tiết, không nên hoạch định trước.
Theo CNTTD, thuế và các biện pháp điều tiết cần phải bị hạn chế, các dịch vụ công cộng nên được tư nhân hóa. Thậm chí, theo hệ tư tưởng này, các tổ chức công đoàn – nhằm tổ chức lao động và thực hiện việc thương thuyết tập thể với giới chủ - là yếu tố bóp méo cạnh tranh, ngăn cản việc hình thành hệ thống xã hội dựa trên bản chất tự nhiên nhất của loài người: có kẻ thắng tất có kẻ thua. Chính vì thị trường là nơi người ta đạt được những thứ hoàn toàn xứng đáng với khả năng của bản thân, mọi nỗ lực để giảm bớt sự bất bình đẳng đều chỉ nhằm làm cho xã hội trở nên ít thịnh vượng hơn. Rõ ràng, không chỉ là những chính sách ưu tiên tự do hóa thị trường, CNTTD còn đi xa hơn rất nhiều, đặc biệt là tác động trực tiếp đến cách tổ chức xã hội nhân loại.
John Maynard Keynes, năm 1940. (Nguồn: Getty) |
Góc nhìn của nhà kinh tế
Thời kỳ đầu của CNTTD đã xuất hiện một nhóm các chuyên gia tự gọi là “những người theo Chủ nghĩa tân tự do”, nổi bật nhất là Friedrich Hayek. Nhà kinh tế học, triết gia người Áo-Anh này được coi là cha đẻ của CNTTD. Trong sự nghiệp của mình, ông luôn phản đối các chính sách điều tiết kinh tế, cho là điều này quá phức tạp và không thể nào tổ chức nền kinh tế được. Học thuyết của Hayek về “chính phủ tối thiểu” có ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới. Ông lập ra trường phái của riêng mình, thường nhận được các khoản tài trợ khổng lồ từ các tập đoàn đa quốc gia và trường phái của ông cũng nhận được nhiều giải Nobel Kinh tế. Học thuyết của ông là nguồn cảm hứng cho Tổng thống Chile Augusto Pinochet, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher.
Vậy ý tưởng về CNTTD đã đến với Hayek thế nào? Năm 1936, ý tưởng đó “lóe sáng” trong đầu khi ông hiểu rằng thị trường có thể coi như một dạng “trí tuệ”. Trước đó, học thuyết “bàn tay vô hình” của Adam Smith đã cho chúng ta thấy khái niệm thị trường như một phần tự chủ của hoạt động của con người và vì thế, nó cũng là đối tượng của nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, Smith cho rằng thị trường phải hoạt động theo đạo đức chung và lo lắng nếu như xã hội chỉ dựa trên những hoạt động trao đổi vì lợi ích cá nhân, thì đó không còn là xã hội nữa. CNTTD chính là tư tưởng này, nhưng không có phần mà Smith lo lắng.
Có thể nói, CNTTD giải quyết mọi vấn đề dưới cái nhìn kinh tế học. Tuy nhiên, khá nghịch lý là Hayek, cha đẻ của chủ nghĩa này thực ra chỉ là nhà kinh tế học tầm tầm. Lúc “lóe sáng” trong đầu tư tưởng này, Hayek là một trí thức trẻ vừa được tuyển dụng vào trường Kinh tế London để cạnh tranh với John Maynard Keynes của trường Cambrigde. Ông không thể cạnh tranh, nếu như không muốn nói là bị lu mờ trước Keynes -người được coi là nhà kinh tế học có ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ XX.
Năm 1936, Keynes ra mắt Lý thuyết chung về Việc làm, Lãi suất và Tiền tệ - một kiệt tác của thế giới kinh tế học. Quyển sách này đã thống trị các trao đổi trong giới kinh tế. Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, rất nhiều người theo tư tưởng thị trường tự do đã đi theo cách suy nghĩ của Keynes, cho rằng chính quyền phải đóng vai trò quan trọng trong điều tiết nền kinh tế hiện đại. Chính vì thế, lý thuyết để thị trường tự điều tiết do Hayek đưa ra không hấp dẫn được nhiều người nữa. Cả về lý thuyết lẫn trong thực hành, ý tưởng của Hayek rằng không gì có thể khôi phục nền kinh tế đang ở tình trạng suy sụp đã bị chứng minh là không chính xác. Thậm chí, Hayek còn thú nhận ông đã sai lầm khi chỉ trích lý thuyết của Keynes và chỉ mong mọi người quên những lời chỉ trích này đi.
Năm 1944, Hayek xuất bản quyển Con đường tới dẫn tới chế độ nông nô. Trong đó, ông lập luận rằng sự điều tiết quá kỹ của chính phủ dẫn tới việc tước đoạt quyền tự do của người dân. Đây là quyển sách được giới chủ giàu có đặc biệt yêu thích vì họ nhìn thấy cơ hội thoát ra khỏi các chính sách điều tiết và thuế má. Năm 1947, Hayek thành lập tổ chức đầu tiên truyền bá các tư tưởng của CNTTD – The Mont Pelerin Society, tổ chức được ủng hộ tài chính chủ yếu bởi các tỷ phú và nhà tài phiệt hàng đầu thế giới.
Lawrence Summers, cố vấn của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, từng đứng đầu Đại học Harvard, đánh giá khái niệm về hệ thống giá của Hayek là ý tưởng “thông suốt” và “sáng tạo” của thế kỷ XX. |
Ảnh hưởng trong cuộc sống
Ý tưởng về CNTTD đến với Hayek khi ông vẫn chỉ là giảng viên đại học không mấy nổi tiếng và tương lai cũng không có gì là hứa hẹn. Thế nhưng, chúng ta đã và đang sống trong một thế giới mà Hayek vẽ ra. Trên thực tế, tư tưởng của Hayek đã len vào mọi khía cạnh của cuộc sống thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Những tư tưởng như – nếu như anh không tìm được việc làm, đó là bởi vì anh không có giá trị trên thị trường công việc chứ không phải do vấn đề tái cơ cấu lao động; nếu như anh không có đủ tiền chi tiêu, đó là bởi vì anh không biết quản lý và dự đoán tài chính, chứ không phải là do giá tiền thuê nhà quá cao; nếu như con cái của anh phát phì, thì đó là lỗi anh không biết chăm con, chứ không phải do giờ trẻ con không còn sân chơi ngoài trời… ngày càng trở nên thuyết phục đối với nhiều người hơn.
Hayek mong muốn tổ chức xã hội loài người hoàn toàn dựa trên mô hình cạnh tranh kinh tế, trong đó gần như tất cả mọi hoạt động của con người đều theo hình thức tính toán lợi ích kinh tế. Để tồn tại, phải theo các tính toán về lợi ích cá nhân và cạnh tranh với những người khác trong xã hội để đạt được lợi ích đó. Rõ ràng, việc áp dụng lý thuyết của Hayek vào đời sống đã phủ nhận những đặc tính nổi trội nhất của con người: con người nhìn qua lăng kính của các thuật toán kinh tế là những cá nhân vô hồn, không có khả năng tư duy, suy nghĩ, cảm xúc.
Từ vài chục năm nay, các chính sách kinh tế lấy cảm hứng từ CNTTD được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Và giờ đây, chúng ta đã thấy khá rõ kết quả của nó. Vậy quốc gia nào đã áp dụng các chính sách này? Họ được gì và mất gì?
(Đón đọc kỳ II)
Hà Lan đẩy lùi mối lo mang tên dân túy Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội tại Hà Lan đã khiến cả châu Âu thở phào nhẹ nhõm khi đảng “Nhân dân vì tự ... |
Bầu cử Hà Lan - phong vũ biểu của chủ nghĩa dân túy ở châu Âu Kết quả của cuộc bầu cử ở Hà Lan ngày 15/3 tới sẽ là phong vũ biểu đo mức độ ảnh hưởng của chủ nghĩa ... |
Sức mạnh của chủ nghĩa dân túy “Không có gì là không thể”. Câu nói ấy chưa bao giờ đúng như bây giờ, khi mà chỉ vài tháng nửa cuối năm 2016, ... |