Qua 4 chặng dừng chân - bao gồm Kyrgyzstan, Kazakhstan, Latvia và Nga, bên cạnh các cuộc gặp song phương với lãnh đạo nước chủ nhà, ông Lý Khắc Cường còn tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Hội nghị cấp cao Trung Quốc – các nước Trung và Đông Âu (CECC) lần thứ 5.
Những dấu mốc quan trọng
Trong số hàng loạt sự kiện trên lịch trình của Thủ tướng Trung Quốc, Hội nghị thượng đỉnh SCO tại thủ đô Bishkek, Kyrgyzstan ngày 2-3/11 thu hút sự quan tâm của dư luận bởi Hội nghị này tập trung thảo luận những triển vọng hợp tác thương mại – đầu tư giữa các thành viên trong khối, các cơ chế hỗ trợ tài chính cho các dự án trong thời gian tới cũng như việc xúc tiến thành lập Ngân hàng phát triển SCO…
Thủ tướng Lý Khắc Cường cùng những người đồng cấp các nước thành viên khác trong SCO tham dự Hội nghị thượng đỉnh ở Bishkek, Kyrgyzstan, ngày 2-3/11. (Nguồn: Xinhua) |
Ngày 5/11, tại Riga (Latvia), Hội nghị CECC, quy tụ 16 nước Trung – Đông Âu và Trung Quốc theo mô hình “16+1”, đã thông qua “Các nguyên tắc cơ bản Riga”, bao gồm các kế hoạch hợp tác cảng biển Adriatic, Baltic và Biển Đen, đồng thời phối hợp hành động với Trung Quốc và phát triển hành lang vận tải liên kết.
Trong chặng dừng chân cuối cùng tại St. Petersburg (Nga), ngày 8/11, ông Lý Khắc Cường và người đồng cấp nước chủ nhà Dmitry Medvedev đã nhất trí thúc đẩy thương mại song phương đạt mốc 200 tỷ USD trong 3-7 năm tới, đồng thời sẽ sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch. Ngoài ra, hai bên còn đạt được hàng loạt thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng như dầu khí, năng lượng hạt nhân, ngân hàng…
Bước đi đúng thời điểm
Có thể thấy, chuyến công du của Thủ tướng Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh các nước châu Âu đang ngày càng quan ngại về mặt trái của toàn cầu hóa, khu vực hóa. Chỉ trong 5 tháng qua, việc Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định thương mại tự do EU – Canada (CETA) suýt nữa sụp đổ, những khó khăn trong quá trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Đại Tây Dương (TTIP)… càng củng cố thêm niềm tin rằng, thời đại của những liên kết kinh tế - thương mại toàn cầu đang đi đến hồi cáo chung.
Tuy nhiên, chính trong bối cảnh nói trên, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (OBOR) của được Trung Quốc triển khai trên lục địa Á - Âu nhằm giảm thiểu các rào cản đối với lưu chuyển hàng hóa thông qua các biện pháp như xây dựng các tuyến vận tải đường bộ, cảng biển…
Sáng kiến "Một vành đai, một con đường" đang được Trung Quốc tích cực triển khai trên khắp lục địa Á - Âu. (Nguồn: ytimg.com) |
Tại Latvia, sự kiện CECC đã phản ánh mối quan hệ sâu sắc hơn giữa Trung Quốc và các nước Trung – Đông Âu, một thị trường đầy tiềm năng cho hàng hóa và đầu tư của Trung Quốc, đồng thời là điểm trung chuyển dự kiến cho sáng kiến OBOR.
Cùng với đó, việc Trung Quốc thúc đẩy SCO thông qua chương trình phát triển kinh tế đã cho thấy bước chuyển trọng tâm chính sách của tổ chức này. Đến nay, thành tựu SCO đạt được khá khiêm tốn và chưa đáp ứng được kỳ vọng của khu vực, đặc biệt đối với mục tiêu hàng đầu của tổ chức là hợp tác an ninh. Vấn đề này lại càng trở nên phức tạp khi SCO dự định sẽ kết nạp thêm Ấn Độ và Pakistan vào năm sau.
Việc chuyển trọng tâm từ an ninh sang kinh tế được cho là hướng đi đúng đắn cho một tổ chức quốc tế mới song chiếm tới hơn nửa dân số thế giới. Việc này cũng hỗ trợ cho những mục tiêu dài hạn của Trung Quốc nhằm tăng cường tầm ảnh hưởng kinh tế trên khắp lục địa Á – Âu.
Vai trò năng động hơn Nga
Qua chuyến đi nhiều ngày của Thủ tướng Lý Khắc Cường, Trung Quốc đang thể hiện một vai trò năng động hơn Nga trong việc gắn kết các nền kinh tế Trung – Đông Âu. Trên thực tế, Trung Quốc hiện có nguồn lực tài chính dồi dào để cung cấp cho các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp lục địa Á – Âu. Trong khi đó, đầu tháng 11 này, Nga tuyên bố sẽ cắt giảm mạnh chi tiêu ngân sách vào năm 2017.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh quan hệ Nga – phương Tây đang trong tình trạng căng thẳng nhất từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, Bắc Kinh có nhiều lợi thế và cơ hội hơn Moscow trong việc phát triển quan hệ với các nước ở châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev tại St. Petersburg, Nga, ngày 8/11. (Nguồn: Xinhua) |
Tuy nhiên, chính sách ngoại giao kinh tế của Trung Quốc cũng đối mặt với một số thách thức. Các nước Trung và Đông Âu khá quan ngại về sự hiện diện của Trung Quốc tại khu vực, đặc biệt là những ảnh hưởng đến chính trị - an ninh của các hoạt động đầu tư.
Tờ Nikkei Asian Review nhận định, đối với kinh tế thế giới, những cảnh báo về “sự khủng hoảng của toàn cầu hóa” dường như đang được thổi phồng. Trên thực tế, hiện có hai xu hướng toàn cầu hóa: quá trình hội nhập xuyên đại dương do phương Tây dẫn đầu (TPP, TTIP…) vốn đang gặp một số khó khăn chính trị, và quá trình kết nối Á – Âu do Trung Quốc dẫn đầu – hiện đang trong giai đoạn lấy đà bứt phá. Với những bước đi mạnh mẽ của Trung Quốc như hiện nay, có lẽ bất cứ quan điểm bi quan nào về toàn cầu hóa, khu vực hóa cũng khó làm lu mờ tham vọng và sáng kiến của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.