Ngày 7/3, Bộ Ngoại giao Mỹ đã “giải tỏa” sự mong đợi suốt hơn một tháng qua của khu vực khi chính thức công bố chuyến thăm của Ngoại trưởng Rex Tillerson tới ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc từ ngày 15 - 19/3. Đây là chuyến công du thứ ba, sau châu Âu và Mexico, và là chuyến thăm châu Á đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng của ông Tillerson, trong bối cảnh khu vực đang băn khoăn về số phận của chính sách “tái cân bằng” hay còn gọi là “xoay trục”. Trước chuyến thăm, có khá nhiều dự đoán về những áp lực đa chiều mà ông Tillerson sẽ phải đối mặt.
Đó là áp lực từ các nước đồng minh (Nhật Bản, Hàn Quốc) trong việc thực thi các cam kết đảm bảo an ninh - quốc phòng; từ nước vừa là đối tác, vừa là đối thủ (Trung Quốc) trong hợp tác giải quyết các điểm nóng; từ các nước ở khu vực trong việc Mỹ duy trì can dự lâu dài và từ chính các nước đang thách thức hòa bình, an ninh, ổn định khu vực. Ngoài ra, chuyến đi của ông Tillerson cũng được hy vọng sẽ góp phần làm rõ hơn liệu chính sách khu vực của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đi vào khuôn khổ ổn định và nhất quán hay chưa.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (bên phải) và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Washington D.C tháng 2/2017. (Nguồn: AFP) |
Khu vực năng động nhưng tiềm ẩn bất ổn
Theo báo cáo tháng 11/2016 của Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương thuộc Liên hợp quốc (ESCAP), châu Á tiếp tục là khu vực năng động nhất trong nền kinh tế toàn cầu. 63% thỏa thuận thương mại có hiệu lực trên thế giới có sự tham gia của các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, khu vực lại tiềm ẩn nhiều bất ổn an ninh.
Trong vòng chưa đầy hai tháng kể từ khi ông Trump nhậm chức, khu vực đã phải chứng kiến nhiều diễn biến mới, phức tạp. Trước hết phải kể đến vụ phóng tên lửa mới Pukgukdong-2 của Triều Tiên vào thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Mỹ. Gần đây nhất, Triều Tiên phóng bốn tên lửa đạn đạo về phía Nhật Bản, trong đó ba tên lửa rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật.
Tình hình Biển Đông không có dấu hiệu giảm nhiệt khi Trung Quốc kiên trì theo đuổi các kế hoạch dài hạn và tham vọng trên biển. Theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) cũng như các nguồn tin tình báo Mỹ, Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng hơn 20 công trình trên các đảo nhân tạo tại Đá Xu-bi, Chữ Thập và Vành Khăn, sắp hoàn thiện tàu sân bay thứ hai và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động năm 2020, đồng thời tiến tới áp dụng công nghệ phóng máy bay cho tàu sân bay thứ ba đang đóng tại Thượng Hải.
Tranh chấp Biển Hoa Đông gần đây lại được xới lên khi Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản phát hiện bốn tàu hải cảnh Trung Quốc tiếp cận vùng lãnh hải xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Động thái này của Trung Quốc được xem là sự đáp trả tuyên bố tái khẳng định cam kết áp dụng Điều 5 Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.
Trọng tâm ưu tiên với Trung Quốc
Mặc dù Trung Quốc là chặng dừng chân cuối cùng của ông Rex Tillerson tại châu Á song trao đổi giữa hai bên dự kiến sẽ khá rộng. Hai nội dung nhiều khả năng được đề cập mạnh nhất là vấn đề Triều Tiên và kế hoạch lắp đặt Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Tại cuộc gặp bên lề G20, trong khi nhấn mạnh mối đe dọa từ Triều Tiên, ông Tillerson đã thúc giục Trung Quốc sớm áp dụng mọi biện pháp. Trước đó, tại phiên điều trần ở Thượng viện, Ngoại trưởng (khi đó vẫn đang chờ phê chuẩn) Tillerson cho rằng, mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên song lại là đối tác chính trong việc kiềm chế Bình Nhưỡng. Nếu Trung Quốc không tuân thủ các lệnh trừng phạt của LHQ, Mỹ sẽ xem xét hành động buộc Trung Quốc phải tuân thủ. Mỹ sẽ đặt mọi lựa chọn trên bàn, từ việc đe dọa sử dụng vũ lực đến việc sẵn sàng giải pháp ngoại giao.
Trên thực tế, vấn đề Triều Tiên là một trong số ít hồ sơ đối ngoại sớm nhận được sự đồng thuận từ trên xuống dưới, từ giới ngoại giao đến quân sự của chính quyền Mỹ. Trước các động thái “thử gân” của Triều Tiên, chính quyền Trump phản ứng tương đối nhanh chóng và linh hoạt, từ việc họp báo chung ngoài dự kiến với Thủ tướng Abe tại Florida để lên án hành vi của Triều Tiên, tới việc phối hợp với Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm ra Tuyên bố ba bên bên lề G20, và gần đây nhất là triển khai những bộ phận đầu tiên của THAAD tại Hàn Quốc. Đồng thời, chính quyền Mỹ mới không ít lần nhấn mạnh trách nhiệm hợp tác của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, thậm chí có ý chê trách và gây sức ép.
Tuy nhiên, Trung Quốc và Triều Tiên có quan hệ lâu năm và tương đối ổn định. Trao đổi đoàn và liên hệ các cấp, kể cả cấp cao vẫn diễn ra giữa Trung Quốc - Triều Tiên, bất chấp mối đe dọa từ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên tới hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, dù Triều Tiên phải chịu các lệnh trừng phạt của LHQ. Có thể nói, Trung Quốc muốn giữ vấn đề Triều Tiên làm con bài mặc cả trong các vấn đề với Mỹ. Dù vậy, những hành động gần đây của Triều Tiên khiến Bắc Kinh gia tăng quan ngại, dẫn tới việc ngừng nhập khẩu than của Bình Nhưỡng. Quyết định này được xem là bước đệm tạo đà cho các thương thảo giữa Trung Quốc và Mỹ liên quan đến các hệ lụy khác của chương trình hạt nhân Triều Tiên, cụ thể là THAAD.
Quan điểm giữa Mỹ và Trung Quốc về THAAD tới nay vẫn chưa đạt được điểm đồng. Trung Quốc tin rằng sóng radar của THAAD sẽ xâm nhập vào lãnh thổ nước này, từ đó đe dọa an ninh của Bắc Kinh; đồng thời nhấn mạnh sẽ cân nhắc lại việc hợp tác với Washington trong vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, Mỹ và Hàn Quốc khẳng định THAAD chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên. Việc Mỹ sớm triển khai các bộ phận đầu tiên của THAAD chắc chắn sẽ là nội dung tốn nhiều thời gian và trí lực trong cuộc gặp lần này, nhưng khó có hy vọng nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” do quan điểm giữa hai bên vẫn tiếp tục chia tách.
Ngoài hai vấn đề trọng tâm trên, nhiều khả năng Mỹ - Trung Quốc sẽ bàn thảo các vấn đề liên quan đến thương mại - đầu tư, tiền tệ, hợp tác an ninh, trong đó có thể đề cập đến an ninh hàng hải ở Biển Đông và Hoa Đông. Nhiều khả năng, Mỹ vẫn sẽ nhắc lại lập trường trước đây, trong đó khẳng định không đứng về bên nào, ủng hộ giải quyết hòa bình tranh chấp, tiếp tục duy trì tự do hàng hải và hàng không, kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế…
Trong suốt gần 2 tháng nắm quyền của chính quyền Trump, hợp tác - cạnh tranh vẫn là đặc điểm nổi bật trong quan hệ Mỹ - Trung. Tuy nhiên, các vấn đề nổi cộm vẫn có xu hướng thay đổi, từ những nội dung được nêu đậm trong tranh cử như thương mại - tiền tệ, rồi những vấn đề “không ngờ tới”, mang tính nguyên tắc trong quan hệ (chính sách “Một Trung Quốc”) nay lại chuyển sang vấn đề Triều Tiên, THAAD vốn là bài toán khó do có sự đan xen giữa lợi ích song trùng và lợi ích khác biệt. Trong khi vấn đề tại Biển Hoa Đông tiếp tục được áp dụng Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật, tranh chấp Biển Đông – vốn được khu vực đặc biệt quan tâm lại “lắng hơn” trong tương quan với các vấn đề khác.
Kỳ vọng của Hàn Quốc và Nhật Bản
Mặc dù Tổng thống Trump đã tái khẳng định cam kết với Nhật Bản và Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cũng nhắc lại thông điệp trên, trong đó coi Nhật Bản là hòn đá tảng và Hàn Quốc là trụ cột của hòa bình và ổn định châu Á - Thái Bình Dương. Các nước đồng minh vẫn mong thấy được quyết tâm hiện thực hóa cam kết rõ ràng hơn của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh khu vực tiếp tục biến động.
Ngoài kỳ vọng trên, mỗi nước cũng sẽ có chương trình nghị sự riêng. Với Hàn Quốc, hai bên sẽ trao đổi cụ thể về tốc độ và các bước tiếp theo triển khai THAAD. Ngoài ra, quan hệ với Triều Tiên, đặc biệt sau cái chết của ông Kim Chol, và cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc sắp tới, có thể sẽ là những nội dung được các bên trao đổi. Về phía Nhật Bản, tiếp theo cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe tại Mỹ, hai bên sẽ thảo luận nội dung và các vấn đề lễ tân liên quan chuẩn bị cho chuyến thăm Nhật Bản tới đây của Phó Tổng thống Mike Pence.
Không chỉ các nước Đông Bắc Á, theo các chuyên gia, đa số các nước ở Đông Nam Á cũng mong muốn Mỹ can dự mạnh mẽ, toàn diện và lâu dài tại khu vực, cho dù là dưới chính sách “tái cân bằng” hay với tên gọi khác. Chính vì thế, chuyến thăm Đông Bắc Á lần này của Ngoại trưởng Rex Tillerson được các nước khu vực theo dõi sát, có thể được xem là tham chiếu cho chính sách của Mỹ với khu vực trong thời gian tới.
*Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả