Xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp dù hai bên đã có 4 vòng đàm phán - Ảnh: Lửa bốc cháy tại một khu dân cư ở Mariupol, Ukraine sau trận pháo kích của quân đội Nga ngày 3/3. (Nguồn: Reuters) |
Trọng tâm NATO
Thưa Giáo sư Reddy, đâu là nguyên nhân sâu xa của xung đột Nga-Ukraine?
Đó là lập trường trái ngược của Nga và Ukraine trong bối cảnh Kiev muốn gia nhập Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO): Ukraine mong sớm trở thành một phần của NATO, song Nga không bằng lòng với điều đó.
Là một quốc gia độc lập và có chủ quyền, Ukraine rõ ràng có quyền lựa chọn trở thành một phần của NATO, xây dựng quan hệ với Nga, Trung Quốc hay Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, Moscow cho rằng một khi Ukraine gia nhập NATO, lính Mỹ sẽ có cơ hội tiếp cận biên giới với Nga gần hơn bao giờ hết.
Chúng ta cũng cần nhớ rằng sau khi Liên Xô sụp đổ, ba nền Cộng hòa cũ của nước này đã gia nhập NATO mà không gặp bất cứ sự phản đối nào từ phía Nga. Tuy nhiên, Ukraine, với vị trí chiến lược, quy mô dân số và nền kinh tế cùng nền khoa học công nghệ phát triển thì khác.
Thú vị thay, một cuộc khảo sát năm 2008 cho thấy chỉ có 28% số người Ukraine được hỏi mong muốn đất nước này gia nhập NATO. Tuy nhiên, sau khi Nga sát nhập Crimea năm 2014, con số này đã tăng lên tới 60%. Xu hướng này cho thấy người Nga dường như đã đánh mất sự tin tưởng của người Ukraine và Kiev đã dần coi Moscow là mối đe dọa tới an ninh quốc gia của mình.
Tuy nhiên, động lực lớn nhất chỉ có một – Ukraine nỗ lực gia nhập NATO. Vào năm 2019, Quốc hội Ukraine đã thông qua một dự thảo dọn đường để nước này trở thành một phần của liên minh quân sự. Năm 2021, Kiev và NATO đã đẩy nhanh tiến trình này, mặc dù sau đó Mỹ và các thành viên NATO đổi ý.
Tuy nhiên, chừng đó đã là quá đủ để Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố và triển khai cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, bởi ông cho rằng “nước Nga không thể cảm thấy an toàn, tiếp tục tồn tại và phát triển khi phải đối mặt với mối đe dọa thường trực từ lãnh thổ mà ngày nay là Ukraine”.
Như vậy, lý do đằng sau xung đột Nga-Ukraine có thể không quá thuyết phục, song những toan tính, hoài nghi đã chi phối quan điểm của hai bên. Cả Nga và Ukraine đã đánh mất sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau. Đây mới là động lực lớn nhất đẩy hai nước vào cuộc xung đột chưa có hồi kết này.
Như vậy, lý do đằng sau xung đột Nga-Ukraine có thể không quá thuyết phục, song những toan tính, hoài nghi đã chi phối quan điểm của hai bên. Cả Nga và Ukraine đã đánh mất sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau. Đây mới là động lực lớn nhất đẩy hai nước vào cuộc xung đột chưa có hồi kết này. |
Vùng cấm bay và Trung Quốc
Ngày 18/3, Nga đã thiết lập vùng cấm bay trên bầu trời khu vực Donbass. Xin Giáo sư cho biết về khả năng NATO thiết lập một vùng cấm bay tại Ukraine.
Ngay từ khi xung đột nổ ra, Ukraine đã nhiều lần kêu gọi phương Tây thiết lập vùng cấm bay, song yêu cầu này đều bị từ chối. Tuy nhiên, trong bối cảnh Nga đã thông báo thiết lập vùng cấm bay tại Donbass và duy trì trong thời gian tới, NATO và EU hoàn toàn có khả năng cân nhắc lại yêu cầu của Ukraine.
Theo luật pháp quốc tế, một quốc gia thứ ba không được tham gia xung đột song phương. Sự hiện diện của một nước khác, hoặc một tổ chức như NATO có thể biến xung đột Nga-Ukraine thành chiến tranh thế giới. Điều này giải thích thái độ thận trọng của NATO trong tuyên bố về hỗ trợ Ukraine trong xung đột hiện nay.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia châu Âu, bao gồm nhiều thanh viên NATO, đang tích cực hỗ trợ tài chính, tinh thần và cả khí tài, thiết bị quân sự cho Kiev. Điều này đã góp phần khiến xung đột Nga-Ukraine kéo dài hơn so với dự kiến của Moscow.
Ngoài ra, một số nguồn tin cho rằng có sự hiện diện của lính đánh thuê từ cả hai bên trong xung đột Nga-Ukraine hiện nay. Trong khi Ukraine nhận được sự trợ giúp từ một số lực lượng lính đánh thuê từ EU và NATO, các đợt tấn công của Nga có sự tham gia của lực lượng người Chechen.
Dù vậy, hiện chưa có quốc gia nào chính thức trực tiếp tham gia xung đột này.
Giáo sư đánh giá như thế nào về vai trò của Trung Quốc trong cuộc xung đột Nga-Ukraine?
Trước hết, Nga đã công khai đề nghị Trung Quốc hỗ trợ trong xung đột tại Ukraine.
Tuy nhiên, chúng ta cần đặt câu hỏi rằng: Liệu Nga thực sự có cần hỗ trợ từ Trung Quốc. Năng lực quân sự của Moscow là điều không cần phải bàn cãi. Do đó, tôi cho rằng thứ Nga cần là sự ủng hộ về mặt tinh thần của Trung Quốc.
Hiện nay, không ít quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước EU và NATO, đang nỗ lực chỉ trích Tổng thống Vladimir Putin và cô lập Nga khỏi cộng đồng quốc tế. Để tránh tình trạng này, Moscow cần sự ủng hộ về mặt tinh thần của Bắc Kinh.
Vậy Trung Quốc nói gì? Trong các phát biểu gần đây, Trung Quốc nói Nga là một quốc gia có chủ quyền và có quyền làm những gì mình muốn. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tiếp tục giữ khoảng cách với Moscow. Không khó để thấy Trung Quốc không muốn vướng vào xung đột gay gắt này dưới bất kỳ hình thức nào.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ngày 4/2 tại Bắc Kinh. (Nguồn: Sputnik) |
Chiến tranh lạnh 2.0 và những kịch bản
Theo Giáo sư, đàm phán Nga-Ukraine liệu có thể chấm dứt xung đột hiện nay?
Hiện đại diện của Nga và Ukraine đã tổ chức gặp gỡ thường xuyên. Song sau 4 vòng đàm phán, các bên vẫn chưa đạt tiến triển cụ thể về chấm dứt xung đột.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp trực tuyến để thảo luận về xung đột tại Ukraine, song cũng không mang lại nhiều hy vọng về chấm dứt tiếng súng tại quốc gia Đông Âu này.
Đặc biệt, chúng ta cần nhớ rằng Nga đã liên tục thay đổi yêu cầu của mình trước và trong xung đột với Ukraine.
Trước khi triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt”, Moscow chỉ có một yêu cầu duy nhất – Kiev không gia nhập NATO. Tuy nhiên, khi xung đột nổ ra, Nga đã đổi ý khi vừa muốn Ukraine không gia nhập NATO, vừa muốn Ukraine công nhận Crimea là một phần lãnh thổ của Nga, đồng thời phải công nhận quyền tự trị của “nền Cộng hòa nhân dân” Donbass và Lugansk.
Dù Ukraine đã tỏ ý sẵn sàng gác lại việc gia nhập NATO và trở thành một quốc gia “trung lập”, Nga cho rằng từng đó là chưa đủ. Tuy nhiên, Kiev chắc chắn sẽ không từ bỏ chủ quyền Crimea, Lugansk và Donbass theo ý Moscow.
Thêm vào đó, không thể không kể tới ảnh hưởng của các bên thứ ba tới lập trường của Nga và Ukraine: Với Kiev, đó là tác động từ Mỹ, NATO và EU trong khi về phía Moscow, đó là Trung Quốc.
Những yếu tố này càng khiến kết quả chuỗi các cuộc đàm phán song phương Nga-Ukraine trở nên khó đoán định hơn bao giờ hết.
Vậy có khả năng một nước thứ ba làm trung gian hòa giải không, thưa Giáo sư?
Việc một nhóm quốc gia, hoặc nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ làm trung gian hòa giải có thể thúc đẩy hòa đàm song phương nhằm chấm dứt xung đột hiện nay. Tuy nhiên, hiện chưa có nước lớn nào lên tiếng nhận trách nhiệm khó khăn này.
Mỹ chắc chắn không thể được coi là một bên thứ ba, khi Washington có lập trường rõ ràng nghiêng về Kiev trong xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine.
Trung Quốc, như đã nêu trên, không muốn vướng vào xung đột này dưới bất kỳ hình thức nào. Tương tự, Ấn Độ vẫn giữ khoảng cách với Nga lẫn Ukraine.
Một số nước EU vẫn giữ quan hệ tốt với cả Moscow lẫn Kiev và do đó, có khả năng tập hợp để trở thành trung gian hòa giải. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy có nước lớn hoặc nhóm các nước nào sẵn sàng trở thành bên thứ ba trong đàm phán giải quyết xung đột hiên nay tại Ukraine.
Dù Ukraine đã tỏ ý sẵn sàng gác lại việc gia nhập NATO và trở thành một quốc gia “trung lập”, Nga cho rằng từng đó là chưa đủ. Tuy nhiên, Kiev chắc chắn sẽ không từ bỏ chủ quyền Crimea, Lugansk và Donbass theo ý Moscow. |
Xin Giáo sư có thể nêu một số tác động của xung đột Nga-Ukraine tới thế giới và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?
Trước hết, sau “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga đã khiến không ít người cho rằng đây sẽ là khởi đầu của một cuộc Chiến tranh lạnh 2.0. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng mức độ và quy mô của cuộc chiến tranh lạnh như vậy sẽ phụ thuộc đáng kể vào thời gian của cuộc xung đột hiện nay.
Nếu như cuộc xung đột kết thúc sớm, khả năng giảm thiểu bất đồng giữa các bên sẽ cao hơn. Tuy nhiên, nếu xung đột này kéo dài nhiều tháng, thậm chí hàng năm, khác biệt giữa các bên sẽ trở nên ngày một lớn, cản trở khả năng hợp tác với nhau.
Hiện nay, NATO và EU đang cố gắng vừa kiềm chế Nga, vừa nỗ lực hỗ trợ tài chính và quân sự để Ukraine trụ vững trong xung đột hiện nay. Mỹ và Nga đang lên kế hoạch dài hạn để đạt được những lợi thế về chính trị, thay vì kinh tế như trước. Viễn cảnh này tương đồng với những gì đã xảy ra trong Chiến tranh lạnh.
May mắn thay, Chiến tranh lạnh kết thúc đã tạo điều kiện để các nước có cơ hội hợp tác kinh tế, song phương và đa phương, vì lợi ích riêng và tương lai chung.
Dù vậy, kịch bản này đã không kéo dài do xung đột hiện nay và vấn đề phát sinh. Ví dụ, EU là một trong những tổ chức khu vực thành công nhất trong thúc đẩy hợp tác kinh tế và phát triển khu vực. Tuy nhiên, các xu thế hiện nay tại châu Âu cho thấy dường như EU đang sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để đánh đổi lấy ưu thế về chính trị tại khu vực. Chúng ta không thể biết liệu “trò chơi chính trị này” chỉ giới hạn giữa NATO, EU và Nga, hay sẽ sớm lan ra phần còn lại của thế giới.
Ngoài ra, kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ đã dành không ít thời gian và nguồn lực để thúc đẩy khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, phiên bản mở rộng của châu Á-Thái Bình Dương. Hiển nhiên, Ấn Độ và Ấn Độ Dương là một trong những ưu tiên cao nhất. Điều này được thể hiện rõ nét trong sự hồi sinh của Bộ tứ (Quad). Trung Quốc nhiều lần thể hiện sự bất bình theo những cách khác nhau trước vai trò ngày một lớn của Ấn Độ.
Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine tiếp tục là tâm điểm của thế giới, tiến trình xây dựng và củng cố Bộ tứ ít nhiều đã bị bỏ quên, trong khi các thách thức lớn như Biển Đông hay hành động quyết đoán của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chưa được chú trọng.
Tuy nhiên, tôi cho rằng đây chỉ là tình trạng tạm thời, ít nhất là cho đến khi xung đột Nga-Ukraine chấm dứt. Song trong trường hợp xung đột kéo dài, điều này có thể khiến thế giới trở nên chia rẽ hơn. Khi đó, khả năng xảy ra Chiến tranh lạnh không còn là viển vông nữa.
Dù vậy, tôi cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận liệu thế giới sẽ trải qua một cuộc chiến tranh lạnh nữa, hay xung đột Nga-Ukraine sẽ sớm kết thúc và thế giới trở lại kịch bản hậu Chiến tranh lạnh trước đó.
EU không ngại đánh đổi các lợi ích kinh tế để giúp Ukraine trong xung đột với Nga - Ảnh: Lãnh đạo các nước EU nhóm họp ngày 10/3. (Nguồn: AP) |
Giáo sư có thể giải thích rõ hơn về lập trường của Ấn Độ về xung đột Nga-Ukraine?
Tôi nghĩ rằng, cho đến nay, quan điểm của Ấn Độ là giữ khoảng cách cân bằng với cả Nga lẫn Ukraine. Trên thực tế, Ấn Độ đã nhiều lần bày tỏ lập trường mong muốn xung đột chấm dứt càng sớm càng tốt.
Cả Ấn Độ và Việt Nam đều có quan hệ tốt với Liên Xô, sau này là Nga. Có thể nói rằng, quan hệ giữa Ấn Độ với Nga, cũng như quan hệ giữa Ấn Độ với Việt Nam, đều không có giới hạn. Tôi cho rằng Liên Xô có đóng vai trò quan trọng với nền quốc phòng và công nghệ Ấn Độ trong Chiến tranh lạnh, tạo tiền đề cho vị thế của Ấn Độ ngày nay.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì quan hệ với Nga. Với bề dày lịch sử như vậy, tôi tin rằng Ấn Độ hoàn toàn có thể duy trì quan hệ tốt đẹp với Nga, bất chấp kết quả của xung đột hiện nay tại Ukraine.
Cuối cùng, tôi cho rằng Ấn Độ và Việt Nam nên chung tay hành động để bảo vệ lợi ích khu vực và quốc tế, đặc biệt tại Ấn Độ Dương và Biển Đông.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Giáo sư G. Jayachandra Reddy là nguyên Giám đốc Trung tâm về Đông Nam Á & châu Á-Thái Bình Dương học thuộc Đại học Sri Venkateswara (Ấn Độ), thành viên của Hội châu Á-Thái Bình Dương học quốc tế (Ấn Độ). |