Đây không chỉ là cuộc gặp đầu tiên kể từ khi hai tổng thống nhậm chức, mà còn là cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực Đông Bắc Á có nhiều diễn biến căng thẳng, phức tạp và khó lường. Kết quả cuộc gặp được kỳ vọng sẽ đưa ra các “chỉ dấu” cho tương lai quan hệ đồng minh lâu năm Mỹ - Hàn.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng phu nhân Kim Jung-sook sẽ tới Mỹ vào ngày 29/6 |
Quan hệ đồng minh trước nhiều thử thách
Sau thời gian dài có thể coi là "hòa hợp" dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Hàn Quốc Park Geun-hye, quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn được đánh giá là có nguy cơ rơi vào "một chu kỳ căng thẳng mới" sau khi Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Moon Jae-in lên nắm quyền.
Đặc biệt, việc ông Moon Jae-in ngay khi nhậm chức đã quyết định tạm ngừng triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ đã khiến Tổng thống Donald Trump tức giận. Washington cho rằng, quyết định ngừng triển khai THAAD không những làm suy yếu tính hiệu quả của hệ thống phòng thủ nhằm bảo vệ Hàn Quốc và khoảng 30.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại quốc gia này, mà còn làm tổn hại lòng tin giữa hai đồng minh.
Bên cạnh đó, đề xuất của ông Moon Jae-in làm "sống lại" cam kết kinh tế liên Triều vô hình trung đã đi ngược lại chiến dịch gây sức ép của chính quyền mới ở Mỹ trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Cách tiếp cận mang tính “mềm dẻo” của tân Tổng thống Hàn Quốc trong vấn đề Triều Tiên, trong đó tìm cách cân bằng giữa gia tăng sức ép với đối thoại và tiếp xúc ngoại giao để giảm căng thẳng với Bình Nhưỡng không trùng khớp với chính sách của chính quyền mới ở Mỹ vốn ưu tiên giải pháp răn đe quân sự, đồng thời gia tăng áp lực kinh tế hòng kiềm chế Triều Tiên. Seoul luôn quan ngại một cuộc tấn công quân sự mà Mỹ có thể thực hiện nhằm vào Triều Tiên sẽ gây ra hậu quả thảm khốc khôn lường đối với Hàn Quốc.
Tính bền chặt trong quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn cũng bị thử thách trước những phát ngôn tỏ ra “tiền hậu bất nhất” của Tổng thống Trump, người nổi tiếng với những quyết định khó lường và chủ trương “Nước Mỹ trên hết”.
Có lúc Tổng thống Trump nói Hàn Quốc nên tự trang bị vũ khí hạt nhân để sau đó các cấp dưới của ông lại phải trấn an Seoul rằng quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn vẫn “vững như bàn thạch”. Có lúc ông chủ Nhà Trắng đòi Hàn Quốc phải thanh toán hóa đơn triển khai THAAD lên tới 1 tỷ USD và nói sẵn sàng tiếp xúc với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Lúc khác lại tuyên bố sự “kiên nhẫn chiến lược” của Mỹ với Bình Nhưỡng đã kết thúc.
Đó là chưa kể tới những phát biểu bị cho là theo hướng bảo hộ thương mại, đặt ra nguy cơ đối với Hiệp định Tự do thương mại Mỹ - Hàn. Thậm chí, Tổng thống Trump còn gọi thỏa thuận tự do thương mại có hiệu lực 5 năm qua với Hàn Quốc là “không thể chấp nhận được” và để ngỏ khả năng đàm phán lại thỏa thuận này.
Những nhiệm vụ nặng nề
Tuy nhiên, những bất ổn trong nước cũng như những biến động của tình hình khu vực và thế giới khiến Tổng thống Moon Jae-in phải đối mặt với những thách thức mới.
Dù tân Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố sẵn sàng đối thoại và nối lại quan hệ kinh tế với Bình Nhưỡng nhưng các vụ thử tên lửa của Triều Tiên vẫn tiếp diễn sau khi ông Moon Jae-in nhậm chức như một lời tuyên chiến. Trong bối cảnh đó, việc ông “quay lưng” lại với đồng minh chủ chốt Mỹ không phải là một sự lựa chọn khôn ngoan.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Nguồn: cdn) |
Bất chấp việc triển khai THAAD đang gây chia rẽ nội bộ Hàn Quốc, sự ủng hộ của công chúng nước này đối với liên minh Mỹ - Hàn hiện rất cao, bởi lâu nay Washington vẫn được coi là “nhà bảo trợ an ninh chính” của Seoul, chưa kể Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 6 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Mỹ. Thách thức về an ninh và kinh tế buộc ông Moon Jae-in phải xây dựng một chính sách đối ngoại thực dụng và trách nhiệm.
Trong khi đó, Tổng thống Trump đang chịu sức ép không nhỏ từ các nhà lập pháp Mỹ muốn đẩy nhanh kế hoạch triển khai THAAD. Họ đã viết thư đề nghị Tổng thống Trump hối thúc Hàn Quốc thực thi đầy đủ kế hoạch triển khai THAAD trong thời gian sớm nhất, đồng thời phải khẳng định rõ với ông Moon Jae-in về sự vững chắc của liên minh Mỹ - Hàn.
Dường như Washington cũng “đứng ngồi không yên” trước những dấu hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống Moon Jae-in tìm cách xoa dịu căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc, mà bằng chứng là việc tạm ngừng triển khai THAAD. Rõ ràng, Washington đang nỗ lực giữ Seoul trong "chiếc ô an ninh" của Mỹ như một cách để duy trì ảnh hưởng và vị thế của mình ở khu vực Đông Bắc Á, nhất là khi Trung Quốc cũng tận dụng cơ hội này để tìm cách kéo Hàn Quốc ra khỏi mối quan hệ đồng minh với Mỹ. Hơn thế nữa, để thực thi bất kỳ giải pháp nào trên bán đảo Triều Tiên, chính quyền Tổng thống Trump vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ của Hàn Quốc.
Nhiệm vụ của ông Moon Jae-in trong chuyến công du Mỹ lần này khá nặng nề: củng cố lòng tin và thu hẹp khoảng cách trong mối quan hệ đồng minh với Mỹ nhưng không làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ với láng giềng Trung Quốc, đồng thời tìm tiếng nói chung trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Bản thân ông Moon Jae-in đã từng khẳng định rằng, liên minh Hàn - Mỹ là "hòn đá tảng" trong chính sách đối ngoại của Seoul, bởi vậy Tổng thống Hàn Quốc sẽ phải thật khéo léo, còn ông chủ Nhà Trắng cũng cần thể hiện thái độ thận trọng và linh hoạt để có thể điều chỉnh mối quan hệ đồng minh theo hướng tin tưởng lẫn nhau trên cơ sở đảm bảo các lợi ích chung và riêng của mỗi nước trong bối cảnh mới.