📞

Chuyện về những nhà báo không cầm bút

07:30 | 20/06/2017
Tôi gọi như vậy không phải bởi có ý hạ thấp vai trò của họ, bởi nếu đồng hành với tôi theo dấu chân họ đến cuối bài viết này, bạn sẽ nhận ra họ thực sự là những nhà báo lão luyện, những “siêu đầu bếp” trong bữa tiệc báo chí hiện đại nói chung và trong sự nghiệp Báo chí Cách mạng Việt Nam nói riêng.

Từ lâu, với báo chí quốc tế, cái tên Trung tâm Hướng dẫn Báo chí nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đã trở nên quen thuộc, nhưng có lẽ vẫn còn khá xa lạ với đa số công chúng Việt Nam. Điều đó cũng dễ hiểu bởi các chuyên viên của Trung tâm không trực tiếp tham gia vào việc sản xuất những tác phẩm mà báo chí quốc tế phản ánh về Việt Nam, nhưng lại có vai trò quan trọng quyết định đối với quy mô, chất lượng cũng như số lượng tác phẩm. Có thể ví họ giống như những hoa tiêu cho báo chí nước ngoài khi đến với Việt Nam, giúp các phóng viên quốc tế đến đúng nơi, gặp đúng người, phản ánh trúng những vấn đề trong kế hoạch sản xuất của mình tại đây.

Các cán bộ Trung tâm Hướng dẫn Báo chí nước ngoài.

Trọng trách lớn trên “đôi vai” nhỏ

Trung tâm Hướng dẫn Báo chí Nước ngoài được thành lập năm 1983. Trải qua nhiều lần điều chỉnh mô hình hoạt động và cơ cấu tổ chức, Trung tâm đã không ngừng phát triển, trưởng thành, đóng góp tích cực cho công tác tuyên truyền đối ngoại của Bộ Ngoại giao nói riêng và của đất nước nói chung, trở thành điểm đến và chỗ dựa tin cậy cho phóng viên nước ngoài, cầu nối hữu hiệu giữa phóng viên nước ngoài với các cơ quan, ban ngành, địa phương ở Việt Nam.

Trao đổi với TG&VN, lãnh đạo Trung tâm khẳng định: “Thông tin đối ngoại là một bộ phận quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đây cũng là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Chính vì vậy, nhiệm vụ của Trung tâm là góp phần tích cực quảng bá tới bạn bè quốc tế một Việt Nam năng động, đổi mới, hòa bình, hữu nghị, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng; một Việt Nam có nền văn hóa đầy bản sắc với những người dân thân thiện, hiếu khách”.

Mỗi năm, Trung tâm đón vài trăm đoàn báo chí quốc tế, với hàng nghìn phóng viên vào Việt Nam tác nghiệp. Công việc hướng dẫn cho các đoàn báo quốc tế bắt đầu từ lúc Trung tâm nhận được yêu cầu vào tác nghiệp tại Việt Nam của họ, sau đó là các thủ tục liên quan đến thị thực, chương trình làm việc, liên hệ với các cơ quan, ban ngành, địa phương nơi họ muốn thực hiện các chương trình báo chí... Một số đoàn còn yêu cầu Trung tâm hỗ trợ, tư vấn về nội dung tác phẩm, giới thiệu nhân vật, thậm chí gợi ý các chủ đề... Mỗi đoàn báo chí nước ngoài vào Việt Nam tác nghiệp thường phải có ít nhất từ 1-3 cán bộ “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở và cùng làm) với đoàn cho đến khi họ hoàn thành công việc.

Phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại Việt Nam.

Chỉ bấy nhiêu thôi cũng có thể hình dung nỗi vất vả của các “hoa tiêu” được giao thực hiện nhiệm vụ này. Khối lượng công việc đồ sộ như vậy, nhưng ít ai hình dung nhân sự của Trung tâm chỉ có vỏn vẹn 40 người. Có những người phải đi theo đoàn triền miên, hỗ trợ “gối” luôn từ đoàn này sang đoàn khác bởi tính chất công việc. Họ vừa phải có ngoại ngữ thành thạo như những phóng viên quốc tế, vừa phải có kiến thức sâu rộng về mọi mặt của đất nước mình, vừa phải có sức khỏe dẻo dai để hoàn thành những chuyến đi dài ngày...

Mang thông tin về Việt Nam vươn xa

Phóng viên nước ngoài, với những ưu thế của mình, có vai trò hết sức quan trọng đối với công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại của Việt Nam. Tiếng nói của họ không chỉ giúp những thông tin của Việt Nam vươn xa, mà sự phản ánh từ góc nhìn khách quan sẽ luôn dễ dàng thuyết phục công chúng. Vì vậy, khi hướng dẫn phóng viên nước ngoài, các cán bộ của Trung tâm luôn nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất để họ hoạt động đúng pháp luật, phản ánh trung thực, khách quan đời sống mọi mặt của Việt Nam.

Các cán bộ của Trung tâm còn là lực lượng nòng cốt đáp ứng yêu cầu của những phóng viên đi theo các đoàn đại biểu cấp cao các nước vào thăm Việt Nam, phóng viên vào Việt Nam đưa tin về các dự án viện trợ nhân đạo của các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.

Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có hàng chục nghìn bài viết, phóng sự, phim truyền hình... về các đề tài chiến tranh, thành tựu phát triển mọi mặt của công cuộc Đổi mới, những nét đặc sắc trong văn hóa dân tộc Việt Nam... được thực hiện.

Trung tâm đã phối hợp cùng nhiều hãng thông tấn báo chí, truyền hình lớn trên thế giới thực hiện nhiều chương trình có tác động lớn tới dư luận quốc tế như phóng sự tài liệu Việt Nam thiên sử truyền hình trên CBS (Mỹ), Nhật ký Kontum trên PBS (Mỹ), cuốn sách Bright Shinning Lie của Neil Sheehan (Mỹ) viết về chiến tranh Việt Nam, tập ảnh của J.C. Labbe (Pháp) về “Đổi Mới”, serie phóng sự Home stay in the world của truyền hình TBS (Nhật) giới thiệu về cuộc sống và tình cảm của con người Việt Nam, phóng sự giới thiệu văn hóa du lịch đồng bằng sông Cửu Long của Cousteau Society (Pháp)... Trong điều kiện công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại của Việt Nam còn nhiều khó khăn và hạn chế, các tác phẩm báo chí này thực sự trở thành kênh thông tin hữu hiệu, góp phần tạo dựng bức tranh chân thực về Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.

Trung tâm cũng chủ trương đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, bên cạnh việc thường xuyên giúp các đoàn phóng viên cập nhật thông tin về chính sách kinh tế, môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Trong những năm qua, Trung tâm đã phối hợp với nhiều tờ báo, tạp chí có uy tín như Washington Times (Mỹ), tạp chí Foreign Affairs, Fortune (Mỹ), The Economist (Anh), Paris Match (Pháp), The President (Nhật Bản)... thực hiện chuyên đề giới thiệu tình hình phát triển kinh tế, môi trường và cơ hội đầu tư tại Việt Nam, qua đó thu hút giới kinh doanh quốc tế vào làm ăn tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã phối hợp với nhiều cơ quan truyền thông, truyền hình để quảng bá và giới thiệu nền văn hoá Việt Nam trên nhiều phương diện, từ nghệ thuật đến ẩm thực...

Thiết nghĩ, những thành tựu trong công tác thông tin đối ngoại của Việt Nam nói chung, và Bộ Ngoại giao nói riêng có phần đóng góp không nhỏ của “những nhà báo không cầm bút” này. Sẽ không quá lời khi gọi họ là những nhà báo thực thụ, thậm chí lão luyện khi không chỉ có năng lực đồng hành với các phóng viên mang đẳng cấp quốc tế, mà còn đóng vai trò quan trọng trong định hướng thông tin của báo chí quốc tế về Việt Nam, sao cho khách quan nhất, chính xác nhất và tích cực nhất. Những nỗ lực lặng thầm ấy đã và đang góp phần vô cùng quan trọng cho nhiệm vụ chung của báo chí đối ngoại Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình quốc tế đang diễn ra ngày càng phức tạp và khó lường.

Chức năng của Trung tâm Hướng dẫn Báo chí nước ngoài:

- Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí truyền thông trong nước và nước ngoài thực hiện các chương trình, hoạt động thông tin đối ngoại giới thiệu và quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam;

- Phối hợp cung cấp thông tin chính thức, có định hướng về tình hình mọi mặt của Việt Nam cho các cơ quan, tổ chức và phóng viên nước ngoài và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài;

- Tham gia xây dựng và triển khai kế hoạch, đề án tuyên truyền đối ngoại nhân các sự kiện và hoạt động lớn;

- Đề xuất các chủ trương, kiến nghị liên quan tới hoạt động của phóng viên nước ngoài tại Việt Nam và các chính sách, biện pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại;

- Phối hợp tổng hợp, đánh giá dư luận báo chí nước ngoài về Việt Nam.