Chính quyền Thủ tướng Petr Fiala (ảnh) đã đề ra 5 ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU nửa cuối năm 2022. (Nguồn: EPA/EFE) |
Ngày 1/7, Czech đã chính thức thay Pháp đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) trong sáu tháng cuối năm 2022. Sự thay đổi này diễn ra trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, các bên chưa thể nhất trí về một giải pháp chính trị bền vững, và hệ quả ngày một rõ nét với toàn thế giới nói chung và châu Âu nói riêng. Trong bối cảnh đó, Czech đã công bố nghị trình nêu rõ năm ưu tiên của nước này trong nhiệm kỳ Chủ tịch sắp tới.
Năm ưu tiên chính
Trước hết, nghị trình này đề cập tới bài phát biểu của cựu Tổng thống Czech Vaclav Havel năm 1996 về tương lai của châu Âu tại buổi lễ Giải Charlemagne. Theo đó, nhà lãnh đạo của Prague đã kêu gọi người châu Âu “tự nhìn lại lương tâm của mình và đương đầu những thách thức kinh tế, xã hội và môi trường toàn cầu”. Ông nhấn mạnh thay vì cố gắng áp đặt giá trị của mình lên phần còn lại của thế giới, châu Âu cần “dẫn dắt bằng ví dụ”.
Với khẩu hiệu truyền cảm hứng “Châu Âu làm nhiệm vụ: suy nghĩ lại, xây dựng lại, mạnh mẽ trở lại”, Czech chỉ ra 5 ưu tiên chính.
Thứ nhất, quản lý dòng người di cư và thúc đẩy phục hồi tại Ukraine sau xung đột. Czech sẽ ủng hộ các nỗ lực của EU để “bảo đảm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, sử dụng mọi công cụ hiện có, bao gồm tăng cường trừng phạt”. Prague cũng thúc đẩy đồng thuận về trao tư cách ứng viên EU cho Kiev.
Czech tuyên bố sẽ kiểm soát làn sóng di cư từ Ukraine, hỗ trợ người dân và các nước tiếp nhận, hỗ trợ tái thiết các cơ sở hạ tầng, dịch vụ thiết yếu, tăng cường sức chống chịu, thúc đẩy phục hồi kinh tế và ổn định tại Kiev.
Czech mong muốn đóng góp nhiều nhất có thể, tạo điều kiện để bảo đảm an ninh, thịnh vượng của EU trong khuôn khổ các giá trị của khối. |
Thứ hai, về an ninh năng lượng và năng lượng xanh, văn bản nhấn mạnh EU cần “phá vỡ sự phụ thuộc vào khí đốt, dầu mỏ và than của Nga” thông qua hàng loạt biện pháp như trợ cấp năng lượng cho người bị ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu cao, thúc đẩy chương trình đa dạng hóa năng lượng REPowerEU, xây dựng các kho dự trữ, giảm phát thải, ủng hộ các loại phương tiện thân thiện với môi trường, phát triển hệ thống Mạng lưới Giao thông Xuyên châu Âu (TEN-T)…
Thứ ba, Czech mong muốn thúc đẩy năng lực phòng thủ và an ninh không gian của EU trong khuôn khổ phối hợp với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hỗ trợ thúc đẩy các thành tố quan trọng trong La bàn Chiến lược của khối. Nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Prague cũng chú trọng hợp tác và đầu tư nhằm giảm sự phụ thuộc trong công nghệ, đảm bảo sự độc lập của các chuỗi cung ứng.
Thứ tư, nước Chủ tịch EU cam kết sẽ cải thiện “sự bền vững chiến lược của nền kinh tế châu Âu” trước thách thức từ đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine. Thừa nhận rằng “tự cung tự cấp hoàn toàn không phải là một phương án khả thi cho EU ở hiện tại”, song Prague cho rằng khối có thể tăng tính cạnh tranh dựa trên năng lực sản xuất, thúc đẩy thương mại tự do với các nền dân chủ.
Cuối cùng, nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Czech sẽ hướng tới củng cố sức chống chịu của các cơ chế dân chủ, xây dựng sân chơi công bằng, bình đẳng cho các doanh nghiệp trong và ngoài khối, đảm bảo tính tự do minh bạch của không gian mạng, từ đó tôn trọng, đề cao và phổ cập các giá trị cốt lõi của châu Âu.
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU của mình, Czech mong muốn xây dựng một châu Âu độc lập, tự chủ hơn trước những nhân tố, tác động từ bên ngoài khối, dù đó là Nga, Trung Quốc hay Mỹ. (Nguồn: EUSPA) |
Để vững vàng trước biến động
Không khó để nhìn ra những điểm đặc biệt về nghị trình của châu Âu.
Trước hết, xung đột Nga-Ukraine và hệ quả tới châu Âu là chủ đề xuyên suốt trong 5 mục tiêu nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Czech, dù là kiểm soát vấn đề người di cư, đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực, tăng cường năng lực phòng thủ, giảm phụ thuộc vào Nga hay củng cố sức chống chịu của các nền dân chủ.
Quan trọng hơn, hệ quả của xung đột Nga-Ukraine đã khiến EU phải thay đổi cách tiếp cận trong nhiều vấn đề lợi ích then chốt và buộc Czech phải có điều chỉnh. Đơn cử như vấn đề năng lượng: Czech nhận thức rõ mục tiêu phi carbon hóa nền công nghiệp, hướng tới chuyển đổi từ khí gas sang hydrogen của EU. Tuy nhiên, nhiệm kỳ Chủ tịch của Czech sẽ chỉ tập trung giải quyết các thách thức ngắn hạn, cụ thể là giảm sự phụ thuộc của EU vào năng lượng hóa thạch Nga. Điều này có thể tác động ít nhiều tới lộ trình chuyển đổi xanh của EU trong thời gian tới.
Hệ quả của xung đột Nga-Ukraine đã khiến EU phải thay đổi cách tiếp cận trong nhiều vấn đề lợi ích then chốt và qua đó, buộc nước Chủ tịch khối, Czech có một số điều chỉnh. |
Một điểm đặc biệt khác là sự hiện diện của Mỹ và NATO. Văn bản nêu rõ EU “sẽ cùng Mỹ và các nước dân chủ khác ngoài khối” gắn bó vững chắc để bảo vệ các giá trị cốt lõi. Nghị trình một lần nữa khẳng định các nỗ lực tự chủ chiến lược của EU không nhằm xung đột hay thay thế vai trò của NATO. Tuy nhiên, tính đến nay, NATO vẫn tỏ ra thận trọng trước những động thái nâng cao năng lực quốc phòng theo hướng độc lập hơn của khối.
Cuối cùng, nghị trình cho thấy Czech muốn củng cố đoàn kết nội khối và tính tự chủ của EU trước các nhân tố bên ngoài, dù đó là Nga, Trung Quốc, hay Mỹ. Các chương trình, sáng kiến mới nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực, kinh tế và quốc phòng là một phần của nỗ lực đó. Liệu “tinh thần đoàn kết châu Âu” như Czech nêu trong nghị trình có đủ để Prague cùng EU thực hiện mục tiêu đầy tham vọng ấy?
| Bạo loạn chưa từng có ở Uzbekistan: Liên hợp quốc và EU yêu cầu điều tra độc lập Cả Liên hợp quốc (LHQ) và Liên minh châu Âu (EU) mới đây đều kêu gọi Uzbekistan mở cuộc điều tra độc lập liên quan ... |
| 'Từ mặt' khí đốt Nga, EU tung kế hoạch hành động quan trọng để tự bảo vệ Liên minh châu Âu (EU) dự đoán, sự gián đoạn rất nghiêm trọng đối với nguồn cung khí đốt của khối này có thể xảy ... |