📞

Cơ hội nào cho "Thỏa thuận Thế kỷ" của Tổng thống Trump?

23:22 | 15/02/2019
Kế hoạch Hòa bình Trung Đông mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump đề xuất khó có thể mang lại hòa bình cho Israel lẫn Palestine hằng mong muốn.

Sau một năm xây dựng, Kế hoạch hòa bình Trung Đông do Washington đề xuất nhằm giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine dự kiến sẽ được công bố tại Hội nghị an ninh Trung Đông ở Warsaw (Ba Lan) dưới sự đồng bảo trợ của Mỹ và nước chủ nhà Ba Lan đồng bảo trợ. Tuy nhiên, động thái của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã phải đối mặt với sự phản đối và chỉ trích mạnh mẽ của dư luận quốc tế.

Người dân Palestine biểu tình phản đối quân đội Israel tại biên giới Israel - Gaza vào ngày 6/4/2018. (Nguồn: Reuters)

Nga, khối Arab gay gắt

Mặc dù chưa được công bố chính thức, song nhiều nội dung chi tiết trong “Thỏa thuận Thế kỷ” nhằm giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine do chính quyền Tổng thống Mỹ Trump đề xuất đã được các phương tiện truyền thông quốc tế đăng tải ngày 12/2.

Theo đó, đề xuất mà Mỹ đưa ra gồm công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel; sáp nhập các khu định cư lớn ở Bờ Tây vào Israel; tuyên bố thành lập Nhà nước Palestine phi quân sự ở dải Gaza và một số vùng thuộc Bờ Tây, Israel giữ quyền kiểm soát về an ninh; công nhận Israel là Nhà nước Do Thái.

Ngay sau khi các thông tin này được tiết lộ, phát biểu tại cuộc gặp các đại biểu tham dự đàm phán giữa các phe phái Palestine tại Moscow (Nga), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng chỉ trích “Thỏa thuận Thế kỷ” này, tin rằng nó sẽ phá hủy tất cả thành tựu đã đạt được từ trước tới nay. Theo đó, sáng kiến đơn phương này của Washington có cách tiếp cận hoàn toàn khác khi không bao gồm đề xuất thành lập Nhà nước Palestine với đường biên giới năm 1967 và thủ đô là Đông Jerusalem.

Về giải pháp, ông Lavrov nhận định nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong tình hình hiện nay là cần nhanh chóng khôi phục sự đoàn kết Palestine. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi các bên phải có sự dũng cảm, tầm nhìn xa, linh hoạt và nhận thức đầy đủ trách nhiệm đối với số phận dân tộc Palestine. Moscow ủng hộ bất cứ thỏa thuận nào mà người Palestine đạt được trong vấn đề hòa giải dân tộc.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã lên tiếng chỉ trích "Thỏa thuận Thế kỷ" do Mỹ đề xuất. (Nguồn: teleSUR English)

Trong khi đó, Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud và một số quốc gia Arab cho biết sẽ không ủng hộ Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ giải quyết xung đột Palestine - Israel nếu nó không bao gồm nội dung Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai. Ông cũng cam kết ủng hộ nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem.

Một ngày sau đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lên tiếng cho rằng “Thỏa thuận Thế kỷ” sẽ khiến Mỹ trở thành một nhà trung gian không công bằng và không đủ điều kiện để tham gia vào các cuộc đàm phán hoà bình Trung Đông. 

Một thành viên của Ủy ban Trung ương phong trào Fatah (Palestine), ông Azzam Ahmad cũng cho rằng “Thỏa thuận Thế kỷ” sẽ chôn vùi hy vọng thành lập một nhà nước độc lập của người dân Palestine. Phát biểu sau một cuộc họp về nội bộ Palestine tại Moscow, ông Ahmad khẳng định “Thỏa thuận thế kỷ” của Mỹ sẽ chôn vùi những khao khát và hy vọng về việc thành lập một nhà nước Palestine trong phạm vi biên giới được quy định vào năm 1967, với thủ đô là Đông Jerusalem.

Thay mặt Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), ông Ahmad cho biết PLO phản đối những nỗ lực của Nhà Trắng trong việc chủ động giải quyết cuộc xung đột Palestine - Israel, đồng thời bày tỏ hy vọng tổ chức một hội nghị quốc tế dưới sự dàn xếp của Liên hợp quốc.

Khó giải quyết xung đột 

Trên thực tế, tiến trình hòa bình Trung Đông ngày một trở nên khó khăn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel năm 2017 và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới  Jerusalem một năm sau đó, phớt lờ quan điểm cho rằng quy chế của thành phố cần được định đoạt trong đàm phán hòa bình.

Mỹ đã đánh mất vai trò trung gian trong tiến trình hòa bình Trung Đông sau khi dời Đại sứ quán Mỹ tại Israel tới Jerusalem. (Nguồn: The Intercept)

Đáng ngại hơn, nó đã phá tan trụ cột của tiến trình hòa bình Trung Đông, từng được thiết lập hơn 20 năm trước bằng cái bắt tay trong khuôn viên Nhà Trắng giữa Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và Tổng thống Palestine Yasser Arafat ngày 13/9/1993. Đây là cột mốc đánh dấu sự ra đời của hiệp ước Oslo thứ nhất, nhằm “chấm dứt hàng thập niên đối đầu” và “nỗ lực tìm cách chung sống trong hòa bình” giữa hai bên.

Một yếu tố khác không thể không kể đến là việc Mỹ đã bác bỏ kế hoạch do chính Palestine đề xuất. Tháng 2/2018, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã đề xuất một Kế hoạch hoà bình Trung Đông tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dựa trên thực hiện giải pháp hai nhà nước, phù hợp với đường biên giới 1967 và nhằm mang lại độc lập, tự do cho người dân Palestine cùng với việc thừa nhận Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine. Ông cũng kêu gọi tổ chức hội nghị hoà bình quốc tế và thành lập một cơ chế đa quốc gia để hỗ trợ tiến trình hoà bình.

Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ đã phủ nhận kế hoạch trên và đẩy mạnh tuyên truyền cho “Thoả thuận Thế kỷ”  do Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner và đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Trung Đông Jason Greenblatt “chắp bút”. Giải thích cho việc này, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley cho rằng tình thế tại Trung Đông tiếp tục diễn biến phức tạp và buộc Mỹ xây dựng một kế hoạch hòa bình Trung Đông mới. Song Palestine đã tỏ ý nghi ngờ và cáo buộc chính quyền Tổng thống Donald Trump đứng về phía Israel.

Thêm vào đó, kế hoạch hòa bình Trung Đông mới của Mỹ được cho là đã phải trì hoãn công bố nhiều lần do sự phản đối của các đồng minh EU và Arab vì thiếu vắng “các vấn đề đã được quốc tế đồng thuận”, trong đó có giải pháp hai nhà nước dựa trên đường biên giới năm 1967 với Jerusalem là thủ đô của hai nhà nước. Điều này khiến “Thỏa thuận Thế kỷ” phải đối mặt với nguy cơ thất bại, bất chấp cam kết của Washington.

"Thỏa thuận Thế kỷ" do con rể Tổng thống Trump chắp bút sẽ khó có thể thành công. (Nguồn: Reuters)

Cuối cùng, năm 2019 là một năm bản lề đối với cả Tel Aviv và Jerusalem. Israel bước vào giai đoạn bầu cử và thành lập chính phủ mới, trong khi Chính quyền Palestine tiếp tục kiểm soát Bờ Tây, còn Hamas củng cố quyền kiểm soát Dải Gaza. Do đó, hai bên sẽ khó nhượng bộ các vấn đề cốt lõi của xung đột như thành lập Nhà nước Palestine độc lập, tranh chấp Đông Jerusalem và hồi hương người Palestine tị nạn.

Tỏng bối cảnh đó, một “Thỏa thuận Thế kỷ” vắng sự tham dự của bên liên quan, không cộng đồng quốc tế ủng hộ và thiếu mang tính nối tiếp sẽ khó mang lại kết quả tích cực, thậm chí có thể đẩy xung đột ngày một leo thang. Những diễn biến này đã khiến giới chuyên gia cho rằng tiến trình hòa bình Trung Đông nhằm giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine sẽ khó đạt được bước tiến đáng kể trong năm 2019.

(theo TTXVN)