📞

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Xác lập nền tảng công dân số, xã hội số

XUÂN MAI 10:09 | 28/03/2021
TGVN. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan khẩn trương xây dựng, đưa vào vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo thống kê của Bộ Công an, nước ta có khoảng 5.400 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành. Việc quản lý dân cư mang tính đơn lẻ, từng bộ, ngành quản lý, theo dõi riêng biệt thông qua việc cấp một số loại giấy tờ.

Do vậy, mỗi công dân sở hữu nhiều loại giấy tờ khác nhau (giấy khai sinh, CMND, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, thẻ bảo hiểm y tế, hộ chiếu, giấy phép lái xe, các loại chứng chỉ…).

Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu mới chỉ tập trung vào mục tiêu quản lý nhà nước của từng bộ, ngành, lĩnh vực mà chưa đặt vấn đề kết nối, chia sẻ thông tin về công dân giữa các cơ sở dữ liệu, gây chia cắt thông tin, không thống nhất về thông tin cơ bản của một công dân.

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan khẩn trương xây dựng, đưa vào vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC).

Công an các địa phương trên cả nước đang triển khai làm thẻ căn cước công dân gắn chip cho người dân.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà

21h, cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Long Biên (Hà Nội) mới có bữa ăn tối muộn trong ngày. Cán bộ chiến sỹ (CBCS) tham gia “chiến dịch” lần này đều được lựa chọn kỹ lưỡng, là những người có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm; nắm được các bước cơ bản trong quy trình cấp căn cước công dân (CCCD) và kỹ năng truyền đạt để mỗi CBCS là một tuyên truyền viên, tuyên truyền trực tiếp đến người dân hiểu được lợi ích của CSDLQGVDC.

“Cán bộ tiếp nhận và cán bộ thu nhận vân ảnh nếu phối kết hợp không nhịp nhàng thì ngay lập tức sẽ gây ra ùn ứ tại địa điểm”, Trung tá Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Long Biên vừa giải thích với chúng tôi vừa phối hợp với anh em xử lý công việc.

Đội trưởng Hoa cho biết: Dữ liệu được cập nhật trong máy tính cấp lưu động bị thiếu thông tin công dân, tập trung nhiều vào trường thông tin số CMND dẫn đến cán bộ thao tác phải cập nhật lại số CMND của công dân. Cùng với đó, hệ thống máy hiện chưa có phần mềm để truyển dữ liệu trực tiếp lên thành phố nên cán bộ mất thời gian sao chép và gửi về Công an thành phố để trích xuất dữ liệu…

Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, Công an TP Hà Nội, Công an quận Long Biên đã mở chiến dịch cao điểm cấp CCCD lưu động từ ngày 1/1 đến ngày 1/7/2021 và quán triệt đến toàn thể CBCS trong đơn vị, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính.

Mỗi CBCS đều xác định đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng của ngành và những lợi ích của 2 Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp và quản lý CCCD, Công an quận đã bắt tay làm tốt công tác chuẩn bị để triển khai chiến dịch cấp CCCD lưu động thực sự có hiệu quả và lấy khẩu hiệu hành động: “nhanh chóng, khẩn trương, khoa học, chính xác” để thực hiện.

Một ngày theo chân cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính Công an quận Long Biên làm nhiệm vụ, chúng tôi hiểu thêm những vất vả, gian nan của những cán bộ làm công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội thời điểm này.

Quận Long Biên có 90.629 hộ với 301.456 nhân khẩu, trong đó có 89.741 nhân khẩu trong diện cấp CCCD theo công nghệ mới, trong độ tuổi lao động chiếm 55,7%; số người già trên 60 tuổi, chiếm 25,8%; còn lại là số nhân khẩu từ 14 đến dưới 24 tuổi chiến 18,5%. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng cũng là một trong những nguyên nhân mang đến thành công cho đơn vị.

Sau khi tiến hành điều tra cơ bản, Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Long Biên đã lập danh sách nhân khẩu trong diện cấp CCCD lưu động phân loại theo từng nhóm tuổi; theo nghề nghiệp, khảo sát các địa điểm dự cấp, để tiến hành triển khai cấp CCCD lưu động cho phù hợp; sử dụng hình thức tuyên truyền bằng hình ảnh thông qua các nhóm dân cư được lực lượng CSKV Công an quận tạo trên các trang mạng xã hội để người dân phối hợp, ủng hộ và hợp tác cùng lực lượng Công an.

Trước khi được đồng bộ dữ liệu phục vụ cấp CCCD lưu động, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc CATP, Công an quận Long Biên đã quyết liệt chỉ đạo lực lượng CSKV tiến hành thường xuyên điều chỉnh, bổ sung thông tin dân cư vào hệ thống, đảm bảo dữ liệu luôn luôn “đúng, đủ, sạch, sống”.

Thu thập dữ liệu dân cư trên đất liền đã khó, ở vùng biển đảo còn gian nan hơn nhiều. Hải Phòng là địa bàn đi đầu trong việc thực hiện dữ liệu dân cư, song thông tin truy cập nhiều năm trước đó đã có sự thay đổi. Để bảo đảm tính chính xác, phục cho cho việc thu thập dữ liệu và cấp CCCD thì toàn bộ thông tin phải được kiểm tra.

Từ tháng 3/2020, Công an huyện Cát Hải đã bắt đầu triển khai công tác kiểm tra dữ liệu dân cư. Phần mềm mới, anh em vừa tập huấn, vừa làm nhiệm vụ. Ngày thì tiếp công dân, tối đến cũng là quãng thời gian, cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Cát Hải kiểm tra các dữ liệu dân cư… Trước đây, dữ liệu từ năm 2014 đã nhập, nhưng theo thời gian đã có sự sai lệch phải sàng lọc và kiểm tra lại, tránh sai xót.

Người dân đi làm ăn xa bờ, Công an xã phải đến từng họ dân kiểm tra, đối chiếu lại với đúng chưa. Có những trường hợp phải mất rất nhiều thời gian đồng thời đòi hỏi sự tỉ mỉ và trách nhiệm của các cán bộ được giao nhiệm vụ.

Trong số đó phải kể đến việc thu thập dữ liệu dân cư của một số người dân sinh sống tại tổ dân phố 13,14, thị trấn Cát Bà. Có một dạo, Hải Phòng nổi lên tình trạng người dân ra đi tìm miền đất hứa và khu vực 2 tổ dân phố trên tập trung đông nhất.

Có người ra đi hàng chục năm không trở lại song vẫn không cắt hộ khẩu; số ít có về thăm quê nhưng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thông tin về họ không có giấy tờ đối chiếu, tất cả chỉ phụ thuộc vào thông tin do người nhà cung cấp lại…

Khó khăn là vậy nhưng cán bộ Công an huyện Cát Hải vẫn không quản khó khăn, thu thập và chỉnh sửa bảo đảm thông tin chuẩn xác, đáp ứng yêu cầu đặt ra…

Trang thiết bị nhận diện khuôn mặt, vân tay đều là loại mới được đưa vào phục vụ người dân trong việc cấp CCCD theo mẫu mới.

Đặt nền tảng hình thành Chính phủ điện tử, công dân số

Trong thời gian qua, lực lượng Công an cả nước đã thu thập được hơn 86 triệu thông tin công dân. Để thu thập được 99,05% thông tin công dân trên toàn quốc, lực lượng Công an các cấp, đặc biệt là Cảnh sát khu vực và Công an xã đã nêu cao tinh thần trách nhiệm và nỗ lực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp” để cập nhật, bổ sung thông tin bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” trước khi đưa vào vận hành khai thác CSDLQGVDC.

Đằng sau việc Công an địa phương trực tiếp thu thập thông tin vào CSDLQGVDC là hàng loạt công việc cần triển khai đồng thời để bảo đảm tính pháp lý và đồng bộ hệ thống máy chủ, lưu trữ, xử lý dữ liệu an toàn, bảo mật thông tin công dân - Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội kiêm Giám đốc Trung tâm dữ liệu Quốc gia về dân cư (Bộ Công an) cho biết.

Thượng tá Tô Anh Dũng trao đổi thêm: Dự án CSDLQGVDC là dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước tới nay có ý nghĩa rất quan trọng trong xác lập nền tảng công dân số, xã hội số và được coi “cốt lõi” để xây dựng và kết nối hệ thống các Cơ sở dữ liệu với nhau. CSDLQGVDC chính là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân.

Nếu như trước đây, một công dân phải tự quản lý khoảng 22 giấy tờ tùy thân thì với CSDLQGVDC , mỗi người dân chỉ cần tự quản lý mã số định danh cá nhân duy nhất. Việc tra cứu thông tin trong CSDLQGVDC khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao chứng thực các giấy tờ công dân, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại cho nhân dân.

Thông tin về dân cư được thu thập, cập nhật thường xuyên sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý dân cư, quản lý chắc biến động dân cư, quản lý các loại đối tượng, hỗ trợ công tác tra cứu, xác minh về nhân thân của công dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm.

Cơ sở dữ liệu dân cư được xây dựng với mục tiêu kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác: CSDL hộ tịch, CSDL cư trú, CSDL căn cước công dân, CSDL bảo hiểm y tế, CSDL bảo hiểm xã hội, CSDL thuế… làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, giảm chi phí ngân sách nhà nước, giảm hồ sơ giấy tờ đang được lưu trữ tại cơ quan nhà nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương hệ thống CSDLQGVDC và hệ thống sản xuất cấp và quản lý CCCD. (Nguồn: VGP)

Ngày 25/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cùng các lãnh đạo bộ ngành liên quan đã thực hiện nghi thức kích hoạt khai trương hệ thống CSDLQGVDC và hệ thống sản xuất và quản lý căn cước công dân Bộ Công an.

Đây là dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước đến nay, khi đi vào hoạt động, 2 hệ thống sẽ hỗ trợ đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính. Qua nghiên cứu, phân tích của các chuyên gia, dự tính tổng chi phí người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được hàng năm khi tích hợp, thực hiện 8 thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia lên tới gần 5.000 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, việc khai trương CSDLQGVDC và hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý CCCD đánh dấu mốc son đặt nền tảng hình thành công dân số trên cơ sở đổi mới tổ chức, quản lý, chia sẻ, khai thác thông tin dân cư chính xác, thống nhất hiện đại.

Đồng thời, làm thay đổi phương thức hoạt động của việc cấp CCCD cũ, cải thiện năng lực quản lý nhà nước trong quản lý dân cư, nâng cao hiệu quả của các dịch vụ công và dịch vụ công cộng, rút gọn thủ tục, giảm thời gian thực hiện các hoạt động dịch vụ công, xây dựng bộ máy nhà nước hiện đại, minh bạch. Tạo điều kiện cho công dân và các doanh nghiệp có thể dễ dàng tương tác với Chính phủ, các cơ quan nhà nước ở bất cứ đâu, giảm bớt chi phí về mặt nhân sự khi cắt giảm được thủ tục trực tiếp, chi phí cho các hoạt động tiếp cận người dân.

Phát biểu tại lễ khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc hoàn thành xây dựng 2 hệ thống nêu trên thể hiện quyết tâm lớn lao, nỗ lực mạnh mẽ của cả Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công an, các bộ, ngành, cơ quan trong triển khai thực hiện Luật Căn cước công dân, Luật Cư trú, Luật Hộ tịch, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về việc xây dựng một Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp và cũng là kết quả thiết thực, một công trình lớn, quan trọng chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Quán triệt các Nghị quyết của Đảng, thời gian vừa qua, việc xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thể chế chính sách và nhiều hệ thống nền tảng cho Chính phủ điện tử đã được quan tâm xây dựng, một số hệ thống lớn đã được tập trung thiết lập, đưa vào vận hành và đạt được kết quả bước đầu khả quan, bắt kịp những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như các nền tảng do Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ xây dựng trước đây và Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân.

Thời gian qua, lực lượng Công an cả nước đã thu thập được hơn 86 triệu thông tin công dân. Để thu thập được 99,05% thông tin công dân trên toàn quốc, lực lượng Công an các cấp, đặc biệt là Cảnh sát khu vực và Công an xã đã nêu cao tinh thần trách nhiệm và nỗ lực trong công tác, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp để cập nhật bổ sung từng thông tin bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” trước khi đưa vào vận hành khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.