Ngày 12/1, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, Triều Tiên đã thực hiện thành công vụ phóng tên lửa siêu thanh trong ngày trước đó và lãnh đạo Kim Jong-un đã thị sát buổi phóng thử này. Trong ảnh: Vụ phóng thử tên lửa siêu thanh tại một địa điểm không được tiết lộ ở Triều Tiên, ngày 11/1 năm 2022. Tên lửa này đã thực hiện một đường bay kỹ thuật và bắn trúng mục tiêu đã định ở vùng biển cách đó 1.000km. (Nguồn: KCNA) |
Sau cuộc gặp thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội, tiến trình đàm phán về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên lâm vào bế tắc do những tranh cãi về mức độ phi hạt nhân hóa của Triều Tiên cũng như mức độ giảm nhẹ trừng phạt đối với nước này.
Trong bối cảnh hai bên đều từ chối đưa ra nhượng bộ, triển vọng để Washington và Bình Nhưỡng nối lại đối thoại còn rất nhiều khó khăn. Bình Nhưỡng được cho là phải tìm nước đi mới để phá thế bế tắc và vũ khí siêu thanh đã được lựa chọn.
Cho đến nay, Mỹ đã triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, trong đó có hệ thống đánh chặn tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Mới đây, Mỹ cũng đã hoàn thành dự án xây dựng radar cảnh giới trị giá 1,5 tỷ USD đặt tại Alaska.
Nhưng với tốc độ bay cực nhanh tới march 10 (12.500 km/h), lại có thể cơ động linh hoạt trong khí quyển, khác với tên lửa đạn đạo thông thường có quỹ đạo bay ổn định ngoài khí quyển, tên lửa siêu thanh mà Triều Tiên vừa thử nghiệm tạo ra mối đe dọa hoàn toàn khác. Nó có thể tấn công các căn cứ của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên chỉ trong vòng một phút nên việc vô hiệu hóa là rất khó, kể cả với hệ thống tên lửa đánh chặn của Mỹ và Hàn Quốc.
Đây là cách tiếp cận mới trong chiến lược đối đầu với Mỹ của Triều Tiên. Trước mắt, nó cũng đã phần nào gây được hiệu ứng. Cứ xem bà Linda Thomas Greenfield, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc phản ứng quyết liệt trước động thái mới của Triều Tiên, có thể thấy Mỹ không hề coi nhẹ vụ việc này.
Không biết Washington sẽ ứng phó thế nào với bước đi mới của Bình Nhưỡng?