TIN LIÊN QUAN | |
Căng thẳng vùng Vịnh: Sáng kiến khó khả thi | |
Tokyo lại nhượng bộ, Tổng thống Trump đạt được mục tiêu ‘công bằng và có đi có lại’ |
Ông Trump đã “nhờ vả” ông Zelensky “điều tra” cựu Phó Tổng thống Joe Biden. (Nguồn: Rogue Rocket) |
Ngày 25/9, Nhà Trắng công bố văn bản ghi nhớ nội dung cuộc điện đàm gây tranh cãi kéo dài 30 phút của Tổng thống Mỹ Donald Trump với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 25/7. Điểm đáng chú ý nhất trong cuộc đối thoại này là ông Trump đã “nhờ vả” ông Zelensky “điều tra” cựu Phó Tổng thống Joe Biden và cũng là đối thủ “nặng ký” nhất của mình trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Trong đó, Tổng thống Trump nói người đồng cấp Ukraine nên làm việc với luật sư riêng của ông là Rudy Giuliani và Bộ trưởng Tư pháp William Barr để điều tra về tư cách đạo đức của ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden cùng con trai ông là Hunter Biden. Vào thời điểm đó, ông Biden là người phụ trách vấn đề chính sách đối ngoại của Mỹ với Ukraine. Ông Biden chú trọng vào cuộc chiến chống tham nhũng và đã kêu gọi chính quyền Ukraine sa thải cựu Tổng Công tố Ukraine, Viktor Shokin, người bị buộc thôi việc năm 2016.
Ông Giuliani và ông Trump cho rằng sở dĩ ông Biden kêu gọi sa thải ông Shokin do Văn phòng Công tố Ukraine đã điều tra về công ty Burisma của Ukraine, nơi Hunter Biden đang có ghế trong ban giám đốc.
"Phản bội nước Mỹ" ?
Với động thái này, ông Trump đã vấp phải vô số chỉ trích đến từ đảng Dân chủ, cho rằng ông Trump đã phản bội nước Mỹ. Đáng ngại hơn, thông tin này có thể tiếp tay cho cuộc điều tra luận tội Tổng thống do Đảng Dân chủ dẫn đầu vừa công bố 24 giờ trước. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cáo buộc ông Trump phản bội lời thề, an ninh quốc gia và sự liêm chính của cuộc bầu cử.
Tổng thống Trump còn bị lên án đã lợi dụng tình thế này để "mặc cả" với ông Zelensky. Một thực tế đáng chú ý diễn ra vào thời điểm đó là Nhà Trắng đã giữ lại gần 400 triệu USD tiền hỗ trợ Ukraine, sau đó mới giải ngân. Điều này có nghĩa, ông Trump gần như đã buộc ông Zelensky phải điều tra về ông Biden thì mới giải ngân số tiền 400 triệu USD để hỗ trợ Ukraine.
Cuộc gặp gỡ và cái bắt tay "muộn màng". (Nguồn: ukrinform) |
Ngoài ra, kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5, chính quyền của Tổng thống Zelensky đã mong muốn được sắp xếp gặp gỡ chính thức với vị Tổng thống Mỹ, nhưng ông Trump lại chưa chấp nhận. Tuy nhiên, khi ông Zelensky đồng ý thực hiện yêu cầu của ông Trump trong cuộc gọi ngày 25/7 thì ông Trump mới đồng ý và đã tiến hành gặp ông Zelensky trong tuần vừa qua, bên lề kỳ họp khóa 74 Đại Hội đồng Liên hợp quốc.
Trong khi đó, như thường lệ, đảng Cộng hòa đã đưa lên tiếng bảo vệ người đứng đầu Nhà Trắng và cho rằng văn bản này chỉ càng chứng tỏ sự minh bạch của Tổng thống Trump tới người dân Mỹ, chứ không hề lợi dụng bất kỳ ai, nhất là một nguyên thủ quốc gia khác.
Bất ngờ và liều lĩnh
Nhiều nhà quan sát cho rằng, việc chính quyền Tổng thống Trump quyết định công bố nội dung cuộc điện đàm này là bất ngờ và quá liều lĩnh, đúng với phong cách thường thấy của ông chủ Nhà Trắng. Từng là doanh nhân, ông biết lúc nào cần mạo hiểm để giành được lợi ích.
Cụ thể, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố bộ phận hình sự của họ đã xem xét kỹ các hồ sơ chính thức của cuộc điện đàm này và xác định, ông Trump không vi phạm pháp luật hay ép buộc ông Zelensky. Theo đó, họ cũng cho biết sẽ không điều tra thêm về vấn đề này.
Dường như ông Trump đã rất mệt mỏi sau một ngày đầy biến động. (Nguồn: TIME) |
Đầu tiên, dường như Tổng thống Trump đã tính toán kỹ trước khi đưa ra quyết định công bố văn bản về cuộc điện đàm, giúp phần nào dập tắt cuộc tranh luận ngày càng nóng lên về hoạt động của ông.
Ngoài ra, ông Trump cũng đã quá quen với việc hứng chịu những lời chỉ trích và có thêm dăm câu nữa cũng chẳng thể “bẻ gẫy” tinh thần của ông. Cuối cùng, động thái này còn hướng “búa rìu dư luận” về phía ông Joe Biden, giúp ông Trump bước đầu làm dao động đối thủ “nặng ký” của mình trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới.
Thế nhưng, không thể phủ nhận rằng, vấn đề cuộc điện đàm với Tổng thống Zelensky, và “cuộc chiến” sắp tới với Chủ tịch Hạ viện Pelosi đã phần nào gây ảnh hưởng tới tâm trạng của Tổng thống Trump. Theo tờ New York Times, mặc dù ông Trump đã tìm cách giữ vững hình ảnh của mình tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc, nhấn mạnh một thỏa thuận thương mại với Nhật Bản và cùng nhiều thành tựu khác, song vẻ mặt của ông tỏ rõ sự tức giận. Ông tỏ ra bực bội khi trả lời các phóng viên trước khi có cuộc gặp mặt ngắn với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Nhưng đến cuối buổi chiều, ông Trump đã xuất hiện với bộ dạng kiệt sức đến mức ông phát biểu chậm hơn bình thường tại buổi họp báo tổng kết chuyến đi tới Liên hợp quốc.
Những tưởng sóng gió đã qua sau khi Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller chấm dứt điều tra mà không có kết luận cụ thể về sự can thiệp của ông Trump vào Bầu cử năm 2016. Bây giờ, Tổng thống Mỹ sẽ một lần nữa tranh đấu để tồn tại sau cuộc điều tra luận tội của đảng Dân chủ.
Quan sát mấy ngày qua tại Liên hợp quốc: Toan tính riêng, ước vọng chung TGVN. Dù chỉ mới bắt đầu, song khóa họp 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) đã mang lại nhiều điều ... |
Nhà Trắng tiết lộ bất lợi, ông Trump và người đồng cấp Ukraine vẫn phủ nhận có sức ép TGVN. Ngày 25/9, Nhà Trắng đã công bố một bản ghi cuộc gọi, xác nhận Tổng thống Donald Trump đã đề nghị người đồng cấp ... |
Việc luận tội một tổng thống Mỹ diễn ra như thế nào? TGVN. Một bài bình luận gần đây trên AFP cho rằng, tuyên bố ngày 24/9 về việc những người của đảng Dân chủ tại Hạ ... |