📞

Covid-19 và SARS-CoV-2: Câu chuyện sau những cái tên

06:30 | 25/03/2020
TGVN. Cái tên “thực sự” của chủng mới virus corona (SARS-CoV-2) và dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) là câu chuyện ly kỳ, song cũng đầy mâu thuẫn. Bình luận của Thế giới & Việt Nam.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại họp báo ngày 22/3 của Nhà Trắng về tình hình Covid-19. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Từ tranh cãi đặt tên…

Kể từ khi đại dịch bùng phát tại Trung Quốc, virus Corona đã được gán cho nhiều cái tên khác nhau. Ở giai đoạn đầu, nó được gọi là “Virus Vũ Hán”, sau đó là “Virus corona Vũ Hán”. “Virus corona Trung Quốc” và sau đó là 2019-nCoV. Phải đến ngày 11/2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đặt tên chính thức cho đại dịch này là Covid-19. Chính xác hơn, Covid-19 là thuật ngữ nói về căn bệnh do virus corona gây ra, với “Co” là “Corona”, “Vi” là Virus, “d” là viết tắt của từ “căn bệnh” (disease) và “19” chỉ về thời điểm phát hiện, đầu tháng 12/2019.

Tên khoa học của loại virus corona gây ra Covid-19, SARS-CoV-2, cũng phức tạp không kém. “SARS” viết tắt của “Hội chứng hô hấp cấp tính nặng” (Severe Acute Respiratory Syndrome), thể hiện mối liên hệ giữa virus Corona này với chủng virus gây ra dịch SARS năm 2003; “CoV-2” viết tắt của Coronavirus và số 2 được dùng để phân biệt nó với loại virus năm 2003.

Mặc dù virus corona đã có tên khoa học, song WHO lại từ chối sử dụng cụm từ này trong tuyên bố chính thức, thay vào đó là “virus gây ra Covid-19” hay “Covid-19 virus”. Theo WHO, “việc sử dụng SARS có thể gây ra hậu quả ngoài ý muốn, tạo ra nỗi lo lắng không cần thiết đối với nhiều người, đặc biệt là tại châu Á, nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất của dịch SARS năm 2003”. Ngày 13/2, Giám đốc Điều hành WHO Michael Ryan khẳng định SARS-CoV-2 là thuật ngữ chuyên ngành, còn Covid-19 là cụm từ thông dụng với mọi người.

Trớ trêu thay, ngay cả giới khoa học cũng tranh cãi về cái tên này. Trong thư gửi tạp chí y khoa danh tiếng Lancet ngay sau đó, 6 đồng tác giả từ Trung Quốc cho rằng SARS-CoV-2 khiến người không có chuyên môn hiểu lầm rằng họ mắc phải SARS, tác động tiêu cực tới ổn định xã hội, phát triển kinh tế của các quốc gia chịu dịch; đồng thời đề xuất tên gọi mới là HCoV-19, hay virus corona ở người 2019. Phản hồi lá thư trên hồi tháng 3, nhóm 12 nhà khoa học từ Mỹ và Trung Quốc lại cho rằng SARS-CoV-2 là tên gọi phù hợp, bởi nó không xuất phát từ tên gọi liên quan với dịch SARS, mà đến từ liên hệ về di truyền với chủng virus gây ra dịch năm 2003.

Ngay cả giới khoa học cũng tranh cãi về tên chuyên ngành của chủng virus Corona. (Nguồn: AP)

Đến điều hiển hiện

Câu chuyện càng phức tạp hơn khi vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi SARS-CoV-2 là “virus Trung Quốc”, Covid-19 là “cúm Vũ Hán”, chỉ trích Bắc Kinh chậm trễ khi cung cấp thông tin cho thế giới về dịch bệnh khiến nhiều nước, trong đó có Washington, “tốn thời gian” trong công tác phòng, chống và kiểm soát dịch.

Hành động nêu trên tưởng chừng như không có gì mới, khi trước đó, giới khoa học thường đặt tên cho các loại vi khuẩn và virus dựa trên nơi phát hiện hoặc bùng phát, hoặc dựa trên tên của nhà khoa học khám phá ra chúng như Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS), sốt Lassa (tên một thị trấn ở Nigeria) hay Sốt xuất huyết Crimean-Congo. Với người dân Việt Nam, cái tên quen thuộc hơn cả có lẽ là viêm não Nhật Bản.

Tuy nhiên, vào năm 2015, WHO đã chính thức công nhận những rắc rối trong đặt tên các dịch bệnh truyền nhiễm dựa trên nơi xuất xứ hay sắc tộc, đồng thời khuyến cáo giới nghiên cứu, khoa học và truyền thông không có hành động tương tự. Lý do chính khiến WHO đổi cách đặt tên đến từ yếu tố chính trị và truyền thông, bởi gắn tên bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm với tên địa danh có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín, hình ảnh của nơi đó.

Vì thế, tuyên bố nêu trên của Tổng thống Donald Trump rõ ràng ẩn chứa hàm ý nhất định.

Thứ nhất, ông muốn kéo Bắc Kinh trở lại khẩu chiến trước thời điểm dịch bệnh diễn ra, nơi Washington từng có ưu thế nhất định, đồng thời hạn chế ảnh hưởng của “ngoại giao khẩu trang” từ cường quốc châu Á. Quan trọng hơn, ông muốn nhấn mạnh rằng Trung Quốc là “thủ phạm” khiến người dân lo sợ, thị trừng chứng khoán sụt giảm, gây tồn hại cho nền kinh tế Mỹ để tìm kiếm nhượng bộ mới từ phía Bắc Kinh một khi đàm phán thương mại giai đoạn mới trở lại.

Thứ hai, ông muốn tận dụng tranh cãi với Trung Quốc để “đánh lạc hướng” truyền thông khỏi khó khăn trong quá trình chống dịch. Bất chấp nỗ lực tích cực, Mỹ vẫn là quốc gia có số người nhiễm lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Italy với 41.000 người, trong đó có 520 ca tử vong.

Thứ tư, ông muốn xây dựng hình ảnh nhà lãnh đạo dẫn dắt nước Mỹ vượt thách thức khó nhằn đến từ cường quốc châu Á, củng cố vị thế của mình trước giai đoạn then chốt sắp tới của bầu cử Tổng thống. Cụ thể, khảo sát ngày 21/3 của ABC News cho thấy 55% số người được hỏi ủng hộ cách thức ứng phó với tình hình hiện nay của ông Trump, trong khi con số này trước đó chỉ là 43%.

Việc thường xuyên xuất hiện trong họp báo ngày tại Nhà Trắng cùng lực lượng chuyên trách chống Covid-19, thông qua nhiều gói hỗ trợ chính sách, áp đặt tình trạng khẩn cấp, cho phép Chính phủ đẩy nhanh sản xuất thiết bị y tế chống dịch, triển khai tàu chiến bệnh viện tới vùng dịch, nghiêm trị hành động đầu cơ khiến ông ghi điểm trong mắt người dân Mỹ.

Tuy nhiên, dẫu SARS-CoV-2 và Covid-19 được gọi với tên gì chăng nữa, hệ lụy toàn cầu đáng sợ của chúng là không thể phủ nhận và toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, cần chung tay đẩy lùi đại dịch này.