📞

Cuộc bầu cử quyết định vận mệnh châu Âu

16:53 | 03/03/2017
Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017 không chỉ quyết định vận mệnh của nước Pháp mà còn của cả châu Âu.

Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017 được cho là thú vị nhất trong lịch sử các kỳ bầu cử, hứa hẹn mang đến một biến động to lớn. Lần đầu tiên kể từ khi thành lập nền Cộng hòa thứ Năm năm 1958, đảng Xã hội và đảng Cộng hòa có thể bị loại ngay từ vòng đầu tiên.

Tổng thống theo đảng Xã hội François Hollande không được ủng hộ đến nỗi ông đã quyết định không tái tranh cử. Ứng cử viên đảng trung hữu Cộng hòa François Fillon vuột mất cơ hội của mình vì cáo buộc trả số tiền lên đến 1 triệu Euro cho vợ và con qua các công việc ảo.

Cử tri Pháp có thể sẽ phải lựa chọn giữa hai ứng cử viên mới nổi: lãnh đạo nhiệt huyết của Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen, hoặc cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron của phong trào tự do "En Marche!" (Tiến bước!).

Kết quả của việc phân chia lại quyền lực sẽ có ảnh hưởng vươn xa ra ngoài biên giới nước Pháp, ảnh hưởng đến tương lai Liên minh châu Âu (EU).

Bà Marine Le Pen. (Nguồn: Getty Images)

"Những người khốn khổ"

Cử tri Pháp đang tỏ ra giận dữ khi Pháp chìm trong bất ổn về an ninh, kinh tế và chính trị.

Kinh tế Pháp từ lâu đã chậm chạp, với hệ thống nhà nước tiêu tốn tới 57% GDP. 1/4 thanh niên Pháp đang thất nghiệp. Thậm chí trong số những người có công ăn việc làm, ít người có thể tìm thấy công việc ổn định như cha mẹ của họ từng có. Đối mặt với các loại thuế cao và các quy định nặng nề, những người có ý muốn kinh doanh từ lâu đã ra nước ngoài, thường là tới London (Anh).

Thêm vào đó, bất ổn về an ninh, các cuộc tấn công khủng bố liên tục đã làm người dân trở nên căng thẳng, buộc họ phải sống trong tình trạng khẩn cấp và tiếp xúc với những khác biệt văn hóa sâu sắc ở một đất nước có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất châu Âu.

Những vấn đề này đã được dồn nén qua nhiều thập kỷ, nhưng cả cánh hữu lẫn cánh tả đều không thể giải quyết được những vấn đề này. Nỗ lực nghiêm túc gần đây nhất của Pháp là vào năm 1990, dưới thời Tổng thống Jacques Chirac. Thế nhưng cuộc cải cách kinh tế, chế độ lương hưu bảo hiểm xã hội đã sụp đổ trước các cuộc đình công lớn. Ông Nicolas Sarkozy đã nói về một kế hoạch cải tổ lớn, nhưng nó đã không thể vượt qua khủng hoảng tài chính năm 2007-2008. Tổng thống Hollande đã có một khởi đầu tồi tệ khi đưa ra một mức thuế suất lên tới 75%, khiến ông nhận được sự ủng hộ quá ít ỏi để có thể làm bất cứ điều gì.

Tổng thống Pháp Francois Hollande. (Nguồn: Politico)

Làn gió mới

Cả ông Macron và bà Le Pen khai thác sự thất vọng đó. Nhưng họ nhìn thất bại của nước Pháp dưới góc nhìn đối lập và đưa ra cách sửa chữa hoàn toàn khác nhau.

Bà Le Pen đổ lỗi cho lực lượng bên ngoài và hứa sẽ giúp cử tri bằng việc dựng lên nhiều rào cản và tạo ra phúc lợi xã hội lớn hơn. Bà cho rằng toàn cầu hóa là một mối đe dọa cho tình trạng việc làm tại Pháp và EU là “một con quái vật chống dân chủ”. Bà tin rằng Hồi giáo ủng hộ khủng bố, khiến thậm chí việc mặc váy ngắn ở nơi công cộng trở thành một điều nguy hiểm. Bà thề sẽ đóng cửa nhà thờ Hồi giáo, hạn chế dòng người nhập cư xuống mức thấp nhất, cản trở thương mại nước ngoài, từ bỏ đồng Euro để hồi sinh đồng Franc và kêu gọi một cuộc trưng cầu rời khỏi EU.

Ông Macron lại suy nghĩ theo một thiên hướng hoàn toàn ngược lại và tin rằng sự cởi mở hơn sẽ làm cho Pháp mạnh hơn. Ông kiên quyết ủng hộ thương mại, cạnh tranh, nhập cư và EU. Ông coi trọng việc thay đổi văn hóa và gián đoạn công nghệ. Theo ông, để nhiều người Pháp có được việc làm hơn, cần giảm hệ thống bảo hộ lao động cồng kềnh. Mặc dù chưa đưa ra những chính sách cụ thể hơn, ông Macron muốn thể hiện rằng mình là một người ủng hộ cuộc cách mạng toàn cầu hóa.

Nếu phân tích kĩ, có thể thấy rằng cả hai người đều có những điểm yếu. Thành công của bà Le Pen chỉ là biến một đảng cực hữu của mình thành một đảng có tiếng nói. Trong khi đó, chương trình tự do hóa của cựu Bộ trưởng Kinh tế Macron sẽ ít bạo dạn hơn so với ông Fillon, người đã hứa sẽ cắt 500.000 biên chế nhà nước và cắt giảm bộ Luật Lao động. Cả hai người sẽ gặp khó khăn trong việc ban hành chương trình nghị sự của họ. Ngay cả khi thắng thế, đảng của bà Le Pen sẽ không giành được đa số trong Quốc hội, trong khi ông Macron chỉ nhận được sự ủng hộ từ một phía.

Cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron. (Nguồn: Politico)

Mở cửa hay đóng chặt?

Tuy nhiên, dù là ai chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, họ cũng sẽ đại diện cho việc phủ nhận hiện trạng. Một chiến thắng của ông Macron sẽ cho thấy chủ nghĩa tự do vẫn còn hấp dẫn đối với người châu Âu. Một chiến thắng cho bà Le Pen sẽ làm cho Pháp thu mình hơn. Việc bà Le Pen kéo Pháp ra khỏi Khu vực sử dụng đồng Euro có thể sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính.

Chỉ với 2 tháng còn lại, dường như bà Le Pen khó có thể giành chiến thắng. Các cuộc thăm dò cho thấy bà có thể vượt qua vòng 1 nhưng sẽ thất bại ở vòng 2. Tuy nhiên trong cuộc bầu cử lạ lùng này, điều gì cũng có thể xảy ra.

(theo The Economist)