📞

Cuộc đua của các “ông lớn” ở Cuba

08:00 | 30/09/2016
Cuba đang là một thị trường đầy hứa hẹn đối với các thế lực kinh tế thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản...

Ngày Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rời Cuba (24/9) cũng là ngày Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đặt chân đến quốc đảo xinh đẹp ở Mỹ Latinh này. Hai chuyến thăm tưởng như chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng thực sự nó đang cho thấy một cuộc đua mới giữa Bắc Kinh - Tokyo ở Cuba. Cuộc đua này được bắt đầu bởi Mỹ - nước có những bước đi đột phá trong quan hệ với láng giềng Cuba.

Sự mở màn của Mỹ

Quan hệ Mỹ - Cuba đóng băng kể từ đầu những năm 1960. Từ sự kiện Vịnh Con Lợn đến cuộc khủng hoảng tên lửa, sự thù địch đã bao trùm quan hệ hai bờ eo biển Florida. Chính quyền Washington đã áp dụng lệnh cấm vận đối với Cuba trong suốt hơn 50 năm qua khiến đời sống của hai nước láng giềng gần nhau  khác biệt.

Tuy nhiên, ngày 17/12/2014, một trang mới trong lịch sử quan hệ Mỹ - Cuba được mở ra khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố Washington muốn khôi phục lại quan hệ với Havana. Sau tuyên bố trên, từ tháng 1/2015, Mỹ bắt đầu có những bước đi thực tế để thiết lập lại quan hệ với Cuba.

Tòa nhà trung tâm ở thủ đô Havana, Cuba. (Nguồn: 1000traveltips.com).

Đầu tiên, Mỹ nới lỏng một số quy định hạn chế trước đây như cho phép người Mỹ sang Cuba mà không cần giấy phép đặc biệt, hay cho phép Mỹ xuất khẩu thiết bị viễn thông, hàng lưu niệm, thuốc lá hay rượu sang Cuba... Tháng 5/2015, Mỹ bỏ Cuba ra khỏi danh sách các nước tài trợ cho khủng bố. Tiếp đó, đến tháng 7/2015, Mỹ - Cuba đạt được một thỏa thuận về việc mở lại Đại sứ quán ở Washington và Havana.

Bước đi đột phá nhất trong quan hệ Mỹ - Cuba chính là chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Obama đến Havana từ 20 - 22/3/2016. Đây là chuyến thăm Cuba đầu tiên của một Tổng thống Mỹ sau 88 năm, đánh dấu bước ngoặt thực sự trong quan hệ giữa hai cựu thù. Trong chuyến thăm đó, Mỹ và Cuba đã ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác kinh tế.

Những bước đi nói trên của chính quyền Obama có ý nghĩa rất lớn đối với Cuba. Vị thế và vai trò của Cuba từ đó đã tăng lên và điều đáng nói là sự mở màn của Mỹ đã bật đèn xanh cho các nước lớn đổ xô đến quốc đảo vùng Caribbean để khai phá một thị trường đầy tiềm năng như Cuba. Có thể thấy, sau khi Mỹ khôi phục quan hệ với Cuba, lãnh đạo của các nước phương Tây, Hàn Quốc, Iran... lần lượt đến thăm Cuba và thể hiện mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế với Cuba.

Trung, Nhật tăng cường vị thế

Rõ ràng, bước phát triển trong quan hệ Mỹ - Cuba cùng với chính sách cải cách, mở cửa kinh tế của Havana đã thu hút sự quan tâm lớn của các nước đối với quốc đảo ở vùng Caribbean này. Nhật Bản tất nhiên không đứng ngoài “trào lưu” chung. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của ông Abe được xem là tiền đề để Nhật Bản khai phá thị trường mới ở Cuba và là khởi đầu tốt để Nhật Bản tiến sâu vào khu vực Mỹ Latinh nói chung.

Tại Havana, Thủ tướng Abe đã có cuộc gặp với Chủ tịch Cuba Raul Castro và hai bên nhất trí tăng cường quan hệ kinh tế song phương thông qua các khoản đầu tư của Nhật Bản. Tokyo tuyên bố xóa nợ 1,3 tỷ USD trong khoản nợ 1,75 tỷ USD của Cuba, đồng thời công bố khoản viện trợ không hoàn lại trị giá hơn 12,9 triệu USD trong lĩnh vực y tế cho Cuba.

Ngoài mục đích kinh tế, ông Abe cũng kêu gọi Cuba giúp giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, bởi Cuba là một trong số ít các nước duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng chuyến thăm của ông Abe đến Cuba còn thể hiện tham vọng của Nhật Bản trong việc cạnh tranh với Trung Quốc ở một thị trường mà Bắc Kinh đã thiết lập được một chỗ đứng tương đối vững chắc.

Việc Mỹ và Nhật Bản tăng cường quan hệ với Cuba đã khiến Trung Quốc lo ngại. Đây hoàn toàn là điều dễ hiểu bởi Cuba đang mở cửa và việc có nhiều nước tìm đến với Cuba sẽ cho họ nhiều cơ hội lựa chọn hơn. Đặc biệt, sau những bước đi gần đây của chính quyền Tổng thống Barack Obama, quan hệ Mỹ - Cuba đang đứng trước cơ hội phát triển chưa bao giờ lớn hơn. Một khi Mỹ dỡ bỏ rào cản cuối cùng là lệnh cấm vận với Cuba thì điều này đồng nghĩa với việc các công ty của Mỹ sẽ “đổ bộ” vào thị trường Cuba. Bắc Kinh lo ngại sẽ bị mất vị thế mà họ đã thiết lập được ở Cuba trong bao năm qua và chuyến thăm vội vã của Thủ tướng Lý Khắc Cường đến Havana đã cho thấy điều đó.

Trong chuyến thăm của ông Lý Khắc Cường, Cuba và Trung Quốc đã ký 12 thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nghiên cứu y học, tin học, phát triển công nghiệp, an ninh hải quan và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng tuyên bố xóa nợ cho Cuba và cung cấp 4 khoản tín dụng mới cho các dự án ở Havana.

Có thể thấy, so với Mỹ hay Nhật Bản, Trung Quốc cũng sở hữu những thế mạnh riêng trong hợp tác với Cuba. Đó là chưa kể một số nền kinh tế ở châu Âu như Pháp, Nga... cũng có quan hệ khá tốt với Cuba từ trước đó. Vì vậy, trong thời gian tới, cuộc đua giữa các “ông lớn” tại Cuba hẳn sẽ khá quyết liệt.