Nhà thờ nguyện của đồng bào theo Đạo Tin Lành ở Hội Thánh Tin Lành buôn Pu vừa được xây mới khang trang, rộng rãi. |
Nhà thờ nguyện của đồng bào theo Đạo Tin Lành ở Hội Thánh Tin Lành buôn Pu vừa được xây mới khang trang, rộng rãi. Nếu không tận mắt chứng kiến, khó có thể tin rằng ở vùng sâu, vùng xa của huyện Krông Păk, tỉnh Đăk Lăk này lại có được một nhà thờ nguyện như ở đô thị lớn như vậy.
Mục sư Phan Tấn Phúc, quản nhiệm chi hội Phước An, kiêm nhiệm Hội Thánh Tin Lành buôn Pu, thành viên của Ban đại diện Tin lành tỉnh Đắk Lắk không giấu được xúc động khi kể lại quá trình được chính quyền địa phương tạo điều kiện để Hội Thánh xây dựng nhà thờ nguyện, đáp ứng mong mỏi của hơn 800 tín đồ đạo Tin Lành là người đồng bào dân tộc Ê Đê ở xã Ea Knuec.
Khi có được sự ủng hộ của địa phương, nhà thờ nguyện đã nhanh chóng được xây dựng bằng sự đóng góp gần 2000 ngày công của bà con, tín hữu hội Thánh.
Giờ đây, cứ đều đặn vào ngày Chủ nhật hằng tuần, 802 tín hữu đều đặn đến điểm nhóm sinh hoạt. Mỗi buổi sinh hoạt dường như là sự giải tỏa sau một tuần lao động, bà con tín đồ mang theo cả gia đình, có nhiều bà mẹ Ê Đê địu con trên lưng, còn những cô bé, cậu bé lớn hơn cũng ngoan ngoãn ngồi cầu nguyện.
Những buổi sinh hoạt như vậy, mục sư Phan Tấn Phúc thường lồng ghép phổ biến tình hình ở buôn, các chủ trương, quy định mới của xã, của huyện, của tỉnh để bà con ai cũng nắm được. Chính vì thế, tình hình an ninh, trật tự ở vùng đồng bào dân tộc Ê Đê nơi đây trong suốt nhiều năm được duy trì, không có trộm cướp, rượu chè, đua xe.
“Điểm nhóm Tin lành buôn Pu thuộc Hội thánh Tin lành miền Nam Việt Nam có hiến chương, nội quy, quy chế hoạt động đem lại sự vui thỏa, niềm tin kính chúa. Đời sống tâm linh được quan tâm, đời sống tinh thần thoải mái, kinh tế vì thế phát triển. Các thanh niên trong Hội Thánh được dạy dỗ rất nghiêm. Dù năm vừa qua có ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng Hội Thánh không có người nào bị lây nhiễm”, mục sư Phan Tấn Phúc tự hào cho biết.
Những năm gần đây, đồng bào Ê Đê tại xã Ea Knuec đã được phổ biến, hướng dẫn chuyển đổi giống cây trồng, chuyển sang phát triển cây ăn trái như cây sầu riêng, cây bơ, đời sống của bà con đã được cải thiện đáng kể.
Khí thế xây dựng nông thôn mới, gắn đạo và đời cũng là mạch nguồn chung khi chúng tôi được gặp và tiếp xúc với các tín đồ Đạo Tin Lành ở buôn Phê, xã Ea Phê. Mục sư Y Nhiam Nie Trei cũng hồ hởi cho biết, với trên 1.000 tín đồ sinh hoạt thường xuyên, đều đặn, chấp hành và tuân thủ pháp luật tốt, bà con theo Đạo Tin Lành ở buôn Phê cũng chuyển đổi trồng cây sầu riêng, nhiều nhà đã cho thu hoạch, có hiệu suất kinh tế cao.
“Niềm vui của Hội Thánh chúng tôi là các tín đồ biết bảo ban nhau, cùng nhau học nghề, làm nghề, cùng nhau sản xuất để phát triển; làm gì chúng tôi cũng trao đổi, xin phép UNBD xã và huyện. Vì thế mà mọi việc đều rất suôn sẻ, bà con theo Đạo Tin Lành được sinh hoạt tôn giáo, nâng cao đời sống tinh thần nên an tâm lao động, sản xuất, không phát sinh tệ nạn xã hội”, mục sư Y Nhiam Nie Trei cho hay.
Với 4 tôn giáo chính là Đạo Tin Lành, Đạo Phật, Đạo Công giáo, Đạo Cao Đài, hoạt động tôn giáo trên địa bàn huyện Krông Păk trong nhiều năm qua được UBND tỉnh Đăk Lăk ghi nhận và tạo điều kiện sinh hoạt nền nếp.
Các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, phát huy tinh thần gắn đạo với đời, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo và phong trào do địa phương phát động.
Có được kết quả ấy là sự vận dụng có hiệu quả các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, đặc biệt là các chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn và các chương trình hỗ trợ, tập huấn về nông nghiệp.
Chính quyền cơ sở gần dân, gần đồng bào, lắng nghe nguyện vọng để hỗ trợ kịp thời đã tạo nên một diện mạo mới trong đồng bào Dân tộc thiểu số. Một nếp nghĩ mới đã được hình thành từ những đổi thay thực chất trên mỗi buôn, sóc ở vùng đất cao nguyên này.