📞

Đã đến lúc tính đến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần ba?

11:57 | 14/03/2019
Phát biểu trên kênh truyền hình ABC mới đây, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói rằng Washington không ảo tưởng về những năng lực của Triều Tiên, song Tổng thống Donald Trump vẫn tin tưởng vào mối quan hệ cá nhân giữa ông với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Theo đó, Tổng thống Trump để ngỏ khả năng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ ba, song chưa đưa ra lịch trình cụ thể.

Nỗ lực cải thiện quan hệ Washington - Bình Nhưỡng

Tuyên bố của ông Bolton được đưa ra sau khi hai nhóm chuyên gia của Mỹ và Cơ quan tình báo Hàn Quốc hồi tuần trước cho rằng Triều Tiên đã tiến hành khôi phục một phần Trạm phóng vệ tinh Sohae ở khu vực phía Tây nước này. Bên cạnh đó, một số báo cáo tình báo cũng cho thấy có những hoạt động mới ở nhà máy thuộc phường Sanum, gần thủ đô Bình Nhưỡng, nơi được cho là đã sản xuất những tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên của Triều Tiên có khả năng tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ.

Ông Bolton nói rằng Tổng thống Trump "đã đầu tư nhiều thời gian" để nỗ lực củng cố mối quan hệ với ông Kim Jong-un. (Nguồn: ABC)

Ông Bolton từ chối bình luận về những báo cáo trên đồng thời nhấn mạnh rằng sẽ là một sai lầm nếu khẳng định Triều Tiên sẽ "tự động" tuân thủ các nghĩa vụ của họ. Ông Bolton nêu rõ rằng Tổng thống Trump "đã đầu tư nhiều thời gian" để nỗ lực củng cố mối quan hệ với ông Kim Jong-un. Ông nhấn mạnh thêm rằng việc ông Trump tiếp tục "can dự" với ông Kim Jong-un là vì ông Trump cho rằng những viễn cảnh mà ông đưa ra để thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân vốn thực sự rất hấp dẫn.

Phát biểu với báo giới hôm 6/3, ông Trump cho biết ông sẽ rất thất vọng về nhà lãnh đạo Kim Jong-un nếu những thông tin về việc khôi phục một bãi phóng tên lửa của Triều Tiên là chính xác, đồng thời nhắc lại rằng ông vẫn tin tưởng vào mối quan hệ cá nhân tốt đẹp mà hai nhà lãnh đạo đã có được mặc dù cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội đã thất bại. Chính quyền Bình Nhưỡng đã ngừng các hoạt động thử nghiệm hạt nhân và tên lửa từ năm 2017 và ông Trump coi đó là một thành tựu to lớn có được trong gần một năm thực hiện thỏa thuận cấp cao với Triều Tiên.

Trong bài trả lời phỏng vấn hãng tin ABC và kênh Fox News, ông Bolton dường như cũng loại trừ khả năng đạt được một thỏa thuận không hoàn chỉnh với Triều Tiên và nhấn mạnh thêm rằng Tổng thống Trump đã đề xuất "một thỏa thuận lớn" tại cuộc gặp thượng đỉnh vừa qua ở Hà Nội, theo đó Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn đồng thời từ bỏ các loại vũ khí hóa học và sinh học. Ông nói với Fox News rằng "Rất có thể Triều Tiên sẽ trở lại bàn đàm phán và xem xét lại vị thế của mình để có thể đàm phán với tổng thống Mỹ về 'thỏa thuận lớn' đó". Ông Bolton cũng gọi cách tiếp cận của Triều Tiên là một thủ đoạn để có được những nhượng bộ về lệnh trừng phạt.

Theo nhận định của trang mạng scmp.com, kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27-28/2 không chỉ khiến Washington mà cả Seoul "thất vọng". Chính phủ Hàn Quốc đã kỳ vọng hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều sẽ đưa ra một tuyên bố chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Bên cạnh đó, điều này cũng khiến Hàn Quốc thêm lo ngại về tương lai của mối quan hệ đồng minh với Mỹ vốn thường xuyên bị Triều Tiên "khai thác" triệt để những rạn nứt nảy sinh giữa Washington và Seoul.

Trong một thông điệp gửi đến ông Trump sau Thượng đỉnh Hà Nội, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng ông vẫn "mong đợi những kết quả mang tính xây dựng trong các cuộc tham vấn tiếp theo" giữa Mỹ và Triều Tiên và giờ là thời điểm để Hàn Quốc thể hiện vai trò "tiên phong". Câu hỏi đặt ra là liệu có khả thi khi thể hiện mối quan hệ đồng minh thông qua các cuộc tập trận chung mới vào thời điểm Seoul đưa ra những đề nghị tổ chức cuộc đối thoại ba bên trước khi mối quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng trở nên xấu hơn?".

Khởi động các cuộc đàm phán ba bên?

Việc Mỹ và Hàn Quốc ngày 2/3 vừa qua tuyên bố ngừng các cuộc tập trận chung thường niên quy mô lớn mang tên "Giải pháp then chốt" và "Đại bàng non" cũng chính là vấn đề mà cả Bắc Kinh và Bình Nhưỡng luôn mong muốn. Tuy nhiên, việc Seoul và Washington vẫn đưa ra tuyên bố nhất trí về tầm quan trọng của "tăng cường phối hợp và hợp tác" song phương, thể hiện bằng cuộc tập trận chung quy mô nhỏ hơn mang tên "Đồng minh" là một động thái nhằm thể hiện mối quan hệ gắn kết trước những nghi ngờ về tính bền vững của liên minh này.

Sau thông báo về cuộc tập trận chung này, Seoul cũng đưa ra đề xuất đối thoại ba bên với Bình Nhưỡng và Washington. Theo đó, các cuộc đối thoại sẽ có sự tham gia của các quan chức, chuyên gia từ ba nước để thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa. Một cuộc đối thoại quy mô tương tự đã diễn ra ở Thụy Điển ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội và có thể cho thấy tính hiệu quả của nó nhất là khi đã có bằng chứng cho thấy cả Washington và Bình Nhưỡng đều không muốn đạt được một "thỏa thuận tồi".

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội ngày 28/2/2019.

Với việc Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc Lee Do-hoon chuẩn bị lên đường tới Washington, Seoul dường như đang muốn khởi động các cuộc đàm phán ba bên sớm. Mặc dù ở Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên được cho là đã nói rằng ông Kim Jong-un có thể đã "hết thiện chí đàm phán" với Mỹ. Mặc dù ông Moon Jae-in mong muốn trở thành "nhà thương thuyết" nhưng nếu Bình Nhưỡng đã "hết thiện chí" đối thoại thì các cuộc đàm phán ba bên cũng khó có thể nhanh chóng diễn ra.

Trung Quốc sẽ vẫn duy trì lập trường nếu không hoàn toàn hài lòng. Mặc dù Chủ tịch Kim Jong-un không dừng nghỉ ở Bắc Kinh trên hành trình từ Hà Nội về Bình Nhưỡng nhưng Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Kil-song cũng đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai. Việc ông Vương Nghị yêu cầu cả Washington và Bình Nhưỡng cần "kiên nhẫn... và thỏa hiệp" để thúc đẩy phi hạt nhân hóa Triều Tiên đã cho thấy lập trường của Trung Quốc vẫn không thay đổi.

Tuy nhiên, ngay cả khi ông Kim Jong-un dừng chân ở Bắc Kinh để trao đổi về cuộc gặp đó thì liệu có điều gì mới trong mối quan hệ Trung - Triều? Các báo cáo đã đề cập đến khả năng ông Kim Jong-un sẽ có chuyến thăm tới Đại Liên trong tháng 3 này, giống như một cuộc gặp diễn ra ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất ở Singapore hồi tháng 6/2018. Một cuộc gặp thượng đỉnh Trung - Triều sau Thượng đỉnh Hà Nội sẽ góp phần củng cố mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh. Giải quyết vấn đề với Triều Tiên có thể không đơn giản như cuộc đối thoại ba bên giữa hai miền Triều Tiên và Mỹ.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton mới đây cũng bóng gió nói rằng Mỹ có thể "xem xét tăng cường các lệnh trừng phạt kinh tế" nếu Triều Tiên không thiện chí phi hạt nhân hóa. Cộng đồng quốc tế vẫn chờ phản ứng của người Triều Tiên song cũng không nên quên những gì ông Kim Jong-un đề cập trong bài diễn văn chào năm mới 2019, trong đó có đoạn: "Nếu Mỹ khăng khăng áp đặt lệnh trừng phạt và gây sức ép trở lại thì chúng ta có thể tìm một con đường khác để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia".

(theo Reuters, SCMP)