Câu hỏi lớn nhất hiện nay là: Liệu bao giờ đại dịch Covid-19 kết thúc? (Nguồn: Shutterstock) |
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do một chủng của virus corona được đặt tên là SARS-CoV-2 gây ra. Hai năm kể từ khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được báo cáo, căn bệnh này khiến gần 5,5 triệu người trên toàn thế giới tử vong.
Một trong những đặc điểm của virus SARS-CoV-2 là lây lan rất nhanh. Người nhiễm virus có thể không xuất hiện triệu chứng của bệnh, do đó dễ dàng lây bệnh sang người khác.
Đại dịch Covid-19 đã đẩy hệ thống y tế các quốc gia vào tình trạng quá tải bất thường. Các chuyên gia cho rằng, đại dịch tạo ra một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu ở tầm mức 100 năm mới xảy ra một lần.
Covid-19 cũng khiến thế giới rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, thậm chí còn sâu rộng hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, khiến các chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Thậm chí, khả năng phục hồi kinh tế đang là dấu hỏi lớn cho toàn cầu, do khả năng chống dịch của mỗi nước khác nhau, báo động tình trạng phát triển không đồng đều, khoảng cách phát triển giữa các nước giàu nghèo ngày càng xa.
Những cột mốc đầu tiên
Ngày 8/12/2019, giới chức y tế thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) thông báo, một bệnh nhân tại đây đã nhiễm bệnh cúm lạ, có triệu chứng “giống như viêm phổi”. Thậm chí, có thông tin cho rằng, thành phố Vũ Hán đã xuất hiện những trường hợp tương tự vào tháng 11 năm đó.
Ngày 1/1/2020, các nhà chức trách thành phố Vũ Hán thông báo chợ hải sản Hoa Nam buộc phải đóng cửa vì liên quan đến dịch bệnh mới. Sáu ngày sau, giới chức y tế Trung Quốc xác định, nguyên nhân gây ra căn bệnh lạ này là một loại virus corona mới, hay được gọi là nCoV.
Trường hợp tử vong đầu tiên do dịch virus corona được truyền thông Trung Quốc công bố ngày 10/1. Đó là một người đàn ông 61 tuổi ở Vũ Hán, vốn có tiền sử bệnh nền.
Ba ngày sau, ngày 13/1, Thái Lan trở thành quốc gia đầu tiên ghi nhận ca nhiễm virus corona bên ngoài Trung Quốc. Ngày 20/1, dịch bệnh này chính thức lây lan sang Mỹ, với trường hợp đầu tiên được xác nhận là một người đàn ông khoảng 30 tuổi về nước sau chuyến du lịch đến Vũ Hán.
Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, ngày 23/1, chính quyền Trung Quốc buộc phải phong tỏa thành phố Vũ Hán. Ngày 30/1, tại Geneve, Thụy Sỹ, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố, bệnh viêm phổi cấp do virus corona là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC).
Ngày 2/2/2020, ca tử vong đầu tiên ngoài Trung Quốc được ghi nhận tại Philippines. Ngày 11/2, WHO chính thức đặt tên cho căn bệnh này là Covid-19, đồng thời virus corona gây bệnh được Ủy ban Quốc tế về Phân loại virus đặt tên là SARS-CoV-2.
Dịch bệnh ngày một lây lan rộng rãi, ngày 11/3, WHO đã tuyên bố Covid-19 là một đại dịch toàn cầu. Thời điểm đó, dịch Covid-19 xuất hiện tại 121 quốc gia và vùng lãnh thổ. WHO định nghĩa đại dịch toàn cầu là một căn bệnh bùng phát và lây lan trên phạm vi toàn thế giới.
Phát triển vaccine
Tháng 9/2020, thế giới đã ghi nhận cột mốc đáng buồn khi hơn 1 triệu người tử vong vì Covid-19. Do vậy, một trong những nhiệm vụ cấp bách toàn cầu khi đó là việc phải tìm ra cách để chấm dứt đại dịch nguy hiểm này. Nhiều quốc gia có nền y tế phát triển như Mỹ, Nga và cả Trung Quốc đều đầu tư tài trợ cho các công ty dược phẩm tiên tiến nghiên cứu để sớm có vaccine ngừa Covid-19.
Rất nhanh chóng, chỉ sau một năm kể từ khi Covid-19 chính thức xuất hiện, WHO phê duyệt và cho phép sử dụng khẩn cấp trên toàn cầu vaccine Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech.
Trong lịch sử, không có loại vaccine nào được phát triển nhanh như vậy. Thế nhưng, 23 loại vaccine khác nhau chống lại SARS-CoV-2 đã được chấp thuận sử dụng trên khắp thế giới trong vòng hai năm qua và hàng trăm loại vaccine ngừa Covid-19 khác đang được phát triển.
Ước tính, sự phát triển và triển khai các vaccine ngừa Covid-19 một cách nhanh chóng đáng kinh ngạc này đã cứu được ít nhất 750 nghìn sinh mạng chỉ tính riêng ở Mỹ và châu Âu và có thể nhiều hơn nữa trên toàn cầu, mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn chưa dám khẳng định chắc chắn về các số liệu.
Để có thể sớm chấm dứt dịch bệnh, điều then chốt là người dân toàn cầu cần phải được tiêm phòng vaccine đầy đủ. Với mục tiêu đó, COVAX có cơ chế bảo đảm tiếp cận vaccine toàn cầu, được đồng sáng lập bởi Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) và WHO. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tham gia với tư cách đối tác phân phối.
COVAX thúc đẩy quá trình phát triển, sản xuất các sản phẩm chẩn đoán và điều trị cùng với vaccine phòng chống Covid-19; đồng thời bảo đảm khả năng tiếp cận nhanh chóng, công bằng và bình đẳng trên toàn thế giới. Quan trọng hơn, COVAX bảo đảm rằng 92 quốc gia có thu nhập trung bình và thấp hơn không đủ khả năng chi trả cho vaccine Covid-19 được tiếp cận bình đẳng với vaccine trong tình hình dịch bệnh.
Theo số liệu của tạp chí Nature, kể từ giữa năm 2020, gần 10 tỷ liều vaccine Covid-19 đã được triển khai tiêm trên toàn cầu. Trong đó, 8,5 tỷ liều được tiêm vào cuối năm 2021. Ngày 5/11/2021 ghi nhận dấu mốc đặc biệt, một nửa dân số trên thế giới đã được tiêm ít nhất một mũi. Nhà virus học Gagandeep Kang thuộc Đại học Y khoa Christian ở Vellore, Ấn Độ, khẳng định: “Chỉ cần tạo ra nhiều vaccine như vậy đã là thành công nổi bật”. |
Lo ngại biến thể mới
Thời gian qua, virus SARS-CoV-2 ngày một phát triển, tiến hóa, do xảy ra các biến đổi trong mã di truyền (đột biến gen) trong quá trình sao chép bộ gen, tạo thành hàng loạt biến thể mới. Do số lượng quá nhiều, vì vậy, để dễ dàng theo dõi, WHO đã phân loại các biển thể thành ba nhóm: biến thể đáng quan tâm, biến thể đáng lo ngại và “biến thể gây hậu quả cao.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, một biến thể được phân loại là “biến thể đáng quan tâm” nếu cho thấy “các dấu hiệu di truyền cụ thể có liên quan đến những thay đổi đối với liên kết thụ thể, giảm khả năng trung hòa bởi các kháng thể được tạo ra từ lần lây nhiễm trước đó hoặc từ tiêm chủng, giảm hiệu quả của phương pháp điều trị, tác động chẩn đoán tiềm ẩn, hoặc tăng khả năng lây truyền hay mức độ nghiêm trọng của bệnh”.
“Biến thể đáng lo ngại” là một biến thể trong đó “có bằng chứng về sự gia tăng khả năng lây truyền, bệnh nặng hơn (ví dụ, tăng số ca nhập viện hoặc tử vong), giảm đáng kể khả năng trung hòa bởi các kháng thể được tạo ra từ lần lây nhiễm trước hoặc từ tiêm chủng, giảm hiệu quả của phương pháp điều trị hoặc vaccine hoặc thất bại trong phát hiện chẩn đoán”.
Cuối cùng, “biến thể hậu quả cao” là khi “có bằng chứng rõ ràng rằng các biện pháp phòng ngừa hoặc các biện pháp đối phó y tế đã giảm hiệu quả đáng kể so với các biến thể đã lưu hành trước đó”. Hoặc đó là một biến thể mà với nó “vaccine không hoạt động hiệu quả”. Hiện tại vẫn chưa có biến thể SARS-CoV-2 nào được WHO xếp loại “biến thể hậu quả cao”.
Mỗi khi một “biến thể đáng lo ngại” xuất hiện, thế giới lại trải qua một phen “thót tim” do chúng lây lan nhanh hơn và đặc biệt nguy hiểm là khả năng kháng vaccine, đặt ra nguy cơ đảo ngược cả những thành quả chống dịch khá ấn tượng tại các quốc gia có độ tiêm chủng nhanh như Mỹ và châu Âu.
Cứ nhìn biến thể Delta khiến nhiều quốc gia chật vật như thế nào, hay việc biến thể Omicron đang khiến thế giới lo lắng ra sao để hình dung về mức độ nguy hiểm của “biến thể đáng lo ngại”.
Năm 2022, thế giới sẽ bước vào năm thứ ba chung sống với Covid-19. Tuy nhiên, hiện giới khoa học vẫn đau đáu tìm câu trả lời cho những câu hỏi về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 xuất phát từ đâu; vì sao triệu chứng của Covid-19 trên mỗi người lại khác nhau; tác dụng miễn dịch của vaccine trước những biến thể mới như Omicron.
Hay câu hỏi khó trả lời nhất hiện tại: Liệu đại dịch Covid-19 có thể chấm dứt vào năm 2022 hay không?
| Loại vaccine Covid-19 nào có hiệu quả nhất cho mũi tăng cường? Vaccine sử dụng công nghệ mRNA như Pfizer, Moderna tăng nhiều kháng thể nhất so với các loại vaccine còn lại và có lợi thế ... |
| Một người có thể bị nhiễm Covid-19 hai lần trong 1 năm? Những người được khẳng định tái nhiễm Covid-19 chiếm tỷ lệ rất nhỏ, với 478 ca trong 4 triệu bệnh nhân. |