📞

Đại liên minh Đức khó cứu EU

13:32 | 10/03/2018
Những tín hiệu lạc quan tại Berlin vẫn chưa thể khiến Brussels bớt lo lắng.

Mặc dù nút thắt chính trị tại Đức đã được tháo gỡ nhờ việc đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) chấp nhận thoả thuận thành lập Chính phủ liên minh với các đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo Đức (CDU) và Liên minh xã hội Thiên Chúa giáo vùng Bavaria (CSU), nhưng tình hình chính trị của Berlin nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung không vì vậy mà khả quan hơn.

Vài tháng sau cuộc bầu cử ở Đức, một Đại liên minh sẽ tiếp tục điều hành Berlin. Tuy nhiên, như cuộc hôn nhân không hạnh phúc khi đã có con cái, cả phe cánh tả lẫn cánh hữu ở Đức đều muốn “đường chia hai ngả”, nhưng buộc phải “chung chăn” vì trách nhiệm với đất nước và EU. Trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận liên minh, các nhà đàm phán SPD đã có được sự nhượng bộ đáng kể từ CDU về nền tảng chính sách của Chính phủ kế tiếp. Họ giành được nhiều vị trí Bộ trưởng quan trọng, đặc biệt là Bộ tài chính, mà không phải từ bỏ Bộ Ngoại giao hay Bộ Lao động và các vấn đề xã hội.

Liệu Thủ tướng Angela Merkel cùng Đại liên minh có thể dẫn dắt Đức và EU vượt khó? (Nguồn: EPA)

Tuy nhiên, sự nhượng bộ này chắc chắn sẽ tạo ra sự oán giận trong đảng CDU khi phe bảo thủ cảm thấy ưu tiên của đảng đã bị bỏ rơi để bà Merkel được nắm quyền. Một số người còn cho rằng tình trạng lộn xộn trong chính trị Đức hiện nay là hậu quả từ cuộc khủng hoảng người nhập cư vào năm 2015, đến từ chính sách của nhà lãnh đạo này.

Bên cạnh đó, sự ủng hộ bị sụt giảm đáng báo động của đảng SPD (từ 41% năm 1998 xuống còn 17% hiện nay) cho thấy một sự suy giảm trong nền dân chủ xã hội trên khắp châu Âu. Tại Pháp, đảng Xã hội đã bị đảng của ông Emmanuel Macron đánh bại, trong khi ở Italy, đảng Dân chủ cầm quyền do cựu Thủ tướng Matteo Renzi dẫn đầu, vừa có một trong những kết quả bầu cử Quốc hội tồi tệ nhất kể từ những năm 1960 khi chứng kiến ​​sự ủng hộ mạnh mẽ cho các đảng theo xu hướng chống lại hệ thống chính trị hiện hành như đảng cực hữu Liên đoàn phương Bắc (LEGA Nord) và Phong trào Năm Sao mới nổi.

Sự suy tàn của các đảng trung tả ở châu Âu là một lời nhắc nhở quan trọng đối với những người lạc quan khi từng nhìn thấy chiến thắng của ông Macron như là một phản ứng cần thiết và đầy đủ đối với cú sốc năm 2016 bao gồm sự kiện Brexit (Anh rời EU) và ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ. Phe trung tả đã không bảo đảm được quyền lực ngay cả ở các nước lớn của châu Âu. Điều này đang gây ảnh hưởng rất sâu sắc tới chính sách từng nước nói riêng và toàn EU nói chung.

Đáng chú ý, ngay cả khi Đức tiến tới ổn định Chính phủ, vị thế đầu tàu của nước này nhiều khả năng sẽ bị suy giảm tại châu Âu. Ngay cả khi đồng minh thân thiết Paris vẫn vững lòng, Berlin khó có thể thực hiện cải cách quan trọng trong Eurozone để hoàn thành liên minh ngân hàng EU. Mặt khác, Đức chưa đưa ra lời giải cho bài toán chủ nghĩa dân tộc tại Trung và Đông Âu, hay những thách thức đến từ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Kết quả bầu cử lộn xộn ở Italy mới đây là minh chứng cho tình trạng bất định của chính trị EU, dù tăng trưởng kinh tế đã phần nào khởi sắc. Việc nhiều Chính phủ bị suy yếu và tách mình khỏi EU, khiến những nước này nói riêng và Brussels nói chung trở nên “mong manh dễ vỡ” hơn trước những cuộc khủng hoảng trong tương lai.

(theo Financial Times)