Bất ổn chính trị vẫn thường diễn ra một cách định kỳ ở Iran. Năm 2009 là biểu tình trên khắp đất nước sau bầu cử Tổng thống, do tầng lớp trung lưu thành thị khởi xướng. Một tuần trở lại đây là biểu tình và bạo loạn, xuất phát và lan rộng nhất ở tầng lớp dân cư nghèo và người thất nghiệp.
Sự trộn lẫn dân chủ và thần quyền
Nguyên nhân của những bất ổn chính trị này cần phải được hiểu từ tổng thể hệ thống chính trị nội bộ phức tạp của Iran, vốn là sự trộn lẫn giữa nền dân chủ pháp chế và nền thần quyền. Cả hai được đưa vào Hiến pháp nước này 4 thập kỷ trước, sau cuộc cách mạng 1979.
Hiến pháp năm 1979 thiết lập trong hệ thống chính trị Iran một cấu trúc dân chủ với Tổng thống và Quốc hội được bầu theo phổ thông đầu phiếu. Tổng thống có nhiệm kỳ 4 năm và không ai được giữ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Chính cấu trúc dân chủ này đã giúp kéo dài sự tồn tại của hệ thống chính trị, bất chấp những chính sách quản lý của giới quý tộc tôn giáo.
Tuy nhiên, Hiến pháp năm 1979 cũng quy định Iran là một nhà nước thần quyền và trao nhiều quyền lực chính trị vào tay văn phòng “Lãnh đạo Tối cao”: một lãnh đạo tôn giáo được chỉ định không cần qua bầu cử, giữ chức vụ mãi mãi. Lãnh đạo Tối cao là tổng tư lệnh quân đội, theo Hiến pháp là người giám sát “các chính sách chung của Nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran”, có quyền phê duyệt trước các ứng viên Tổng thống và đại biểu Quốc hội, được bảo vệ bởi lực lượng vệ binh hùng mạnh và có đầy đủ bộ máy tư pháp, tình báo, quân đội phục tùng.
Ông Ali Khamenei là lãnh đạo tối cao Iran từ năm 1989 đến nay. (Nguồn: famouspeople.com) |
Phải mất một thập kỷ sau cách mạng năm 1979, ý thức về dân chủ mới bắt đầu hình thành ở Iran, sau kết quả gây thất vọng của chiến tranh Iran - Iraq năm 1988. Thêm một thập kỷ nữa, phong trào dân chủ này mới mang lại kết quả chính trị khi đưa Tổng thống Mohammed Khatami lên nắm quyền năm 1997. Vị tổng thống mang tư tưởng cải cách và những cộng sự của ông đặt mục tiêu củng cố cấu trúc dân chủ trong hệ thống chính trị của Iran, đồng thời giảm bớt lớp vỏ thần quyền bao trùm bên ngoài. Tuy nhiên, Khatami đã thất bại khi những lãnh tụ tôn giáo không muốn san sẻ quyền lực dù chỉ là một chút nhỏ.
Thất bại của kế hoạch cải cách tạo ra nỗi thất vọng lớn trong dân chúng và khiến rất ít người tham gia bỏ phiếu năm 2005. Điều này vô tình lại mang lại cơ hội cho ứng viên Tổng thống bảo thủ Mahmoud Ahmadinejad.
Cô lập quốc tế, lạm phát phi mã và điều kiện sống khắc nghiệt đã khiến người dân Iran hy vọng trở lại vào lần bầu cử năm 2009. Tuy nhiên, khi Mahmoud Ahmadinejad được tuyên bố tiếp tục đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa, bất chấp hy vọng ngược lại của hầu hết người dân, biểu tình đã nổ ra khắp Iran, tạo nên phong trào Cách mạng Xanh. Không giống với bạo loạn hiện tại, phong trào Cách mạng Xanh có tầm nhìn chính trị rõ ràng và có tổ chức, lãnh đạo quy củ. Tuy nhiên, phong trào này sau đó bị dập tắt, những người tham gia bị bắt, xử tội và bỏ tù.
Nhiệm kỳ thứ hai của ông Ahmadinejad thậm chí còn tồi tệ hơn. Nền kinh tế của Iran gần như sụp đổ dưới các lệnh trừng phạt liên tiếp của quốc tế. Thị trường chợ đen kiểm soát mọi thứ, từ thuốc ung thư đến xăng dầu.
Mồi lửa châm ngòi bất ổn
Trong cuộc bầu cử năm 2013, người Iran đã bầu cho Hassan Rouhani, một lãnh đạo tôn giáo ôn hòa, ứng viên cam kết sẽ làm "mềm" các lệnh trừng phạt quốc tế và củng cố nền kinh tế trong nước. Trong nhiệm kỳ đầu của mình, ông Rouhani đã thành công trong việc kiểm soát con số lạm phát, giảm tỷ lệ thất nghiệp và ký một thỏa thuận lịch sử giúp giải quyết vấn đề hạt nhân với Mỹ. Tuy nhiên, nhiệm kỳ thứ hai của Rouhani đã không còn tốt đẹp như vậy.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Nguồn: Reuters) |
Đầu tiên, ông Rouhani đã nhượng bộ trước áp lực của cánh bảo thủ và chỉ định một nội các gồm nhiều nhân vật cực hữu. Đây được xem là xu hướng giảng hòa mà người Iran từng chứng kiến trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Khatami trước đây. Bên cạnh đó, nước Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền lại đi ngược lại với những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân dưới thời Tổng thống Obama. Hy vọng hồi phục kinh tế của người Iran nhanh chóng bị hủy bỏ.
Dư luận tiếp tục bất bình một loạt vụ tham nhũng lớn lần lượt bị phanh phui. Sau đó, do áp lực của cánh hữu, để giải thích cho việc tại sao cần tăng thuế xăng dầu, Tổng thống Rouhani đã tiết lộ việc ông phải phân bổ một khoản lớn ngân sách cho các tổ chức tôn giáo.
Cuối cùng, giọt nước tràn ly đơn giản là việc một số thực phẩm tăng giá. Đối thủ chính trị của Tổng thống Rouhani, ông Ebrahim Raisi - người thất bại trong cuộc bầu cử gần đây nhất, đã tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ ở thành phố Mashad, đổ lỗi việc thực phẩm tăng giá cho chính quyền Tổng thống Rouhani. Từ đó, bạo loạn và biểu tình lan rộng khắp đất nước. Giá thực phẩm tăng, nạn thất nghiệp, tình hình kinh tế khó khăn trở thành mồi lửa châm ngòi cho bất ổn.
Việc bạo loạn nhanh chóng lan rộng đã dẫn đến đồn đoán cho rằng các thế lực thù địch bên ngoài như liên minh Mỹ - Israeal - Saudi Arabia là tác giả dàn dựng kích động trong dân chúng. Tuy nhiên, trên thực tế, tư tưởng bất mãn đối với hệ thống chính trị không còn là điều mới mẻ với người dân Iran. Nếu Iran không tiến hành cải cách triệt để, bạo loạn và bất ổn sẽ tiếp tục diễn ra tại nước Cộng hòa Hồi giáo này.