Theo tác giả Nguyễn Đồng Anh, việc đầu tư cho nhân lực trong lĩnh vực chuyển đổi số vô cùng quan trọng. |
Thế giới hiện đang được định hình bởi một nền tảng kinh tế số mạnh mẽ và những phát minh đột phá của khoa học công nghệ.
Nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống xã hội cho người dân, thì việc quan tâm đến giới trẻ, đầu tư phát triển nhân lực, đặc biệt là trong một số lĩnh vực mới như kinh tế số, truyền thông số, ngoại giao số là vô cùng cần thiết.
Ngày 24/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển Thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030”. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao chủ trì Đề án “Đào tạo, tập huấn kiến thức và kỹ năng đối ngoại cho thanh niên Việt Nam”.
Đề án do Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao đề xuất và xây dựng, được Lãnh đạo Bộ đánh giá cao. Chắc chắn rằng trong quá trình thực hiện Đề án sắp tới, thanh niên ngành Ngoại giao sẽ có thêm nhiều cơ hội để giao lưu, học hỏi và phối hợp với các đơn vị: ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, nhằm đóng góp, tạo ra nhiều giá trị tích cực cho thanh niên Việt Nam.
Tác giả, anh Nguyễn Đồng Anh đại diện Việt Nam tham dự Diễn đàn Lãnh đạo trẻ ASEAN năm 2019. |
Ngoài việc tiếp tục phát huy vai trò của ngành Ngoại giao trên trường quốc tế thì các hoạt động mang tính đối nội, xây dựng môi trường hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực trình độ của người dân Việt Nam nhằm tham gia nền kinh tế số toàn cầu… cũng có thể là những đóng góp vô cùng thực tiễn, làm tăng mức độ nhận diện hình ảnh và vai trò của ngành Ngoại giao cả trong lẫn ngoài nước.
Một trong những nội dung cốt lõi của Chiến lược nêu trên là nhằm đạt được mục tiêu “đến năm 2030, ít nhất 50% thanh niên Việt Nam sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật số phục vụ mục đích giao tiếp, truyền thông, kinh doanh trên nền tảng kinh tế số”.
Đây cũng chính là thế mạnh của Khoa Truyền thông và Văn hoá Đối ngoại, nơi đào tạo chuyên ngành “Truyền thông Quốc tế” của Học viện Ngoại giao.
Mặc dù là một trong những khoa non trẻ nhất của Học viện Ngoại giao nhưng trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ cũng như Lãnh đạo Học viện, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ cán bộ giảng viên, ngành Truyền thông Quốc tế đã dần trở thành một trong những ngành học thu hút nhiều sinh viên, với điểm xét tuyển đầu vào thường xuyên ở mức cao nhất cả nước.
Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm luôn đạt mức trên 90%, tại các nhóm ngành nghề như: phóng viên, biên tập viên báo chí-truyền thông; cán bộ đối ngoại và quan hệ công chúng trong các cơ quan nhà nước; nhân viên truyền thông-marketing, tổ chức sự kiện tại các doanh nghiệp…
Đào tạo nhân lực cho lĩnh vực báo chí - thông tin đối ngoại của đất nước nói chung cũng như của Bộ Ngoại giao nói riêng là một ưu tiên trong chương trình đào tạo ngành Truyền thông Quốc tế tại Học viện Ngoại giao.
Trước tiên, để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của công chúng, người làm công tác thông tin đối ngoại phải được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn có ý thức học hỏi, trau dồi cập nhật các công nghệ, nâng cao nghiệp vụ báo chí, truyền thông.
Đặc thù công tác báo chí-thông tin đối ngoại tại Bộ Ngoại giao cho thấy yếu tố ngoại ngữ, sự am hiểu về địa bàn, tăng cường lực lượng và các phương tiện tác nghiệp giúp truyền tải nội dung thông điệp một cách hiệu quả hơn.
Lợi thế không nhỏ của người làm công tác báo chí, thông tin đối ngoại tại Bộ Ngoại giao là thường xuyên được tiếp cận với các đối tác, bạn bè tại nhiều quốc gia trên thế giới, qua đó mở mang được nhiều mối quan hệ quan trọng, hội nhập vào một môi trường truyền thông cởi mở, sáng tạo.
Tuy nhiên, với sự vận động phát triển không ngừng của các công nghệ truyền thông mới, sự lớn mạnh và thế độc tôn của các mạng xã hội, đặt ra nhiều yêu cầu đối với người làm báo nói chung và người làm công tác thông tin đối ngoại nói riêng.
Bài toán đào tạo nhân lực báo chí, truyền thông nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam cần phải có những cách tiếp cận mang tính đột phá, góp phần tạo ra một đội ngũ chuyên gia, nhà báo, nhà truyền thông có chất lượng ngang tầm thế giới.
Là một giảng viên được đào tạo chuyên ngành Truyền thông số tại nước ngoài, sau đó về công tác tại Khoa Truyền thông từ những ngày đầu thành lập, tôi luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong công tác giảng dạy và nghiên cứu; cố gắng thường xuyên cập nhật những nội dung mới, phương thức truyền tải sáng tạo, mang hơi thở của thực tiễn cuộc sống vào trong mỗi bài giảng.
Tác giả tham gia tổ chức buổi trò chuyện của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ với sinh viên Học viện Ngoại giao. |
Lĩnh vực Báo chí đối ngoại và Truyền thông quốc tế là một lĩnh vực đòi hỏi tính thực tế cao và cần phải có một mạng lưới khai thác, kiểm chứng thông tin rộng lớn, đáng tin cậy.
Chính vì thế, để có thêm nhiều kinh nghiệm phục vụ công việc giảng dạy, tôi thường cố gắng cộng tác viết báo, hợp tác tổ chức sản xuất các sản phẩm truyền thông như chương trình truyền hình, game shows, ứng dụng di động…
Ngoài ra, tôi cũng nỗ lực xây dựng một mạng lưới đối tác, bạn bè là những học giả, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động thực tiễn, phóng viên báo đài trung ương và địa phương, cũng như các doanh nghiệp, công ty truyền thông… nhằm tạo thêm lợi thế cho các sinh viên của mình khi đi thực tập và tác nghiệp.
Bên cạnh giảng dạy và nghiên cứu Báo chí, Truyền thông, Ngoại giao số từ năm 2010 đến nay, tôi cũng được tạo điều kiện tham gia thực tiễn hoạt động báo chí, thông tin đối ngoại, công tác thanh niên cũng như các chương trình, sự kiện quốc tế của Học viện và của Bộ Ngoại giao.
Mặc dù không phải là một nhà tổ chức sự kiện hay người dẫn chương trình chuyên nghiệp, nhưng tôi đã vinh dự được tin tưởng giao phó các công việc quan trọng như: viết kịch bản sự kiện, dẫn chương trình các buổi Lễ lớn, trong đó phải kể đến: Lễ khai mạc Hội nghị 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương APPF26, Lễ kỷ niệm 75 thành lập Bộ Ngoại giao, Ngày hội tuyển dụng Mofa Open Day, Lễ kỷ niệm 45 năm Quốc khánh nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào…
Tôi luôn tâm niệm rằng, mỗi công việc, mỗi nhiệm vụ, dù lớn dù nhỏ sẽ đều giúp mình trưởng thành hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn. Và tôi cảm thấy mình thực sự may mắn khi được sống, được cống hiến trong một môi trường giàu truyền thống, chuẩn mực, nền nếp và có nhiều không gian để sáng tạo như ngành Ngoại giao.
| Chuyển đổi số trong thông tin đối ngoại: Khi nhiệm vụ thuộc về ‘người đánh chiêng’ Trong một nhiệm vụ mà thông tin chính là vũ khí đắc lực, việc chuyển đổi số và tận dụng những cơ hội từ cuộc ... |
| Người phát ngôn Bộ Ngoại giao và kỳ vọng về đội ngũ phóng viên đối ngoại Nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021), Báo Thế giới & Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ... |
| Người phát ngôn Bộ Ngoại giao: Báo chí đối ngoại định vị và 'vươn mình' trong bối cảnh mới TGVN. Chia sẻ với TG&VN, bà Lê Thị Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã phân ... |