📞

Đâu là mục tiêu thực sự của cuộc không kích Syria?

23:01 | 14/04/2018
Sau vụ tấn công bằng tên lửa của Mỹ, Anh và Pháp  vào Syria, dư luận quốc tế đã "dậy sóng" với nhiều quan điểm trái chiều. Phía ủng hộ cho rằng cuộc không kích này sẽ "dằn mặt" Syria sau những vụ tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học. Nhưng xem ra, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm...

Vậy là sau gần một tuần căng thẳng với những động thái "nắn gân" đối phương, sáng sớm nay (14/4), Mỹ và các quốc gia đồng minh đã tiến hành một cuộc không kích chớp nhoáng vào Syria. Mục tiêu của cuộc tấn công là những cơ sở bị các nước phương Tây nghi ngờ nghiên cứu và thử nghiệm các loại vũ khí hóa học với mong muốn dập tắt vĩnh viễn bất kỳ mối nghi ngờ manh nha nào về việc sở hữu vũ khí hóa học của chính quyền Tổng thống al-Assad.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin từng có cuộc gặp bên lề Hội nghị G20. (Nguồn: Getty)

Thế nhưng, theo giới quan sát, dường như vũ khí hóa học chỉ là cái cớ mà thôi. Tác nhân thực sự có thể lại là mối quan hệ đang “xuống dốc không phanh” giữa Moscow và phương Tây, đặc biệt là giữa hai “địch thủ” Mỹ - Nga.

Thấp điểm quan hệ Mỹ - Nga

Những lập luận về những gì đã xảy ra, ai là người chịu trách nhiệm cho vụ tấn công hóa học (nếu có) vào thành phố Douma (Syria) hôm 8/4 vừa qua... đã kéo mối quan hệ Mỹ - Nga xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Hai chính phủ liên tục đưa ra cáo buộc mạnh mẽ đối với nhau, các thỏa thuận kiểm soát vũ khí dần phai mờ trong những cuộc họp tại Liên hợp quốc. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã từ bỏ mọi hy vọng để làm việc thẳng thắn với Nga khi ông đăng trên Twitter của mình rằng, Tổng thống Putin, Nga và Iran phải chịu trách nhiệm vì đã ủng hộ ông al-Assad trong vụ "tấn công hóa học" mà ông Trump gọi là “vô lý”.

Trong khi đó, Moscow lại luôn phủ nhận việc dính líu tới vụ tấn công nói trên, đồng thời cáo buộc các nhóm nổi dậy đã dàn dựng hiện trường giả... Cuối cùng, Moscow lại đưa ra lập luận rằng chính Anh đã lên kế hoạch tấn công hóa học, trong một âm mưu với nhóm cứu hộ Mũ Bảo hiểm Trắng tại Syria.

Mâu thuẫn "chạm đỉnh" khi Mỹ và Nga đưa ra những lời đe dọa lẫn nhau và vị nguyên thủ nước Mỹ đăng lên trang Twitter của mình thông điệp rằng: "Hãy sẵn sàng chờ đón những quả tên lửa "mới mẻ, đẹp đẽ và thông minh" của Mỹ ở Syria”.

Tuy nhiên, khi tiến hành vụ không khích, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã khẳng định các mục tiêu được thiết kế để tránh gây tổn hại cho thường dân và người nước ngoài ở Syria. Phía Nga cũng nhận được thông báo từ Mỹ trước khi tên lửa phóng đi. Động thái này cho thấy Mỹ có thể không muốn leo thang quân sự với Nga ở Syria - điều sẽ khiến Mỹ gánh những thiệt hại không nhỏ.

Màn răn đe thứ hai

Năm 2013, Syria đã cam kết từ bỏ tất cả vũ khí hóa học của mình qua một thỏa thuận mà Nga là trung gian sau một cuộc tấn công vào dân thường khủng khiếp, tại một địa điểm không cách xa Douma là bao. Nếu không, Damascus hẳn sẽ hứng chịu những đòn đáp trả quân sự mạnh mẽ.

Sau thỏa thuận nói trên, Syria có thể vẫn chưa hủy hết kho vũ khí của mình (theo góc nhìn của Đức và Pháp), hoặc có thể quốc gia này đã lặng lẽ sản xuất thêm vũ khí hóa học.

Nhiều căn cứ quân đội Syria và cơ sở nghiên cứu khoa học tại thủ đô Damascus đã trở thành mục tiêu trong chiến dịch tấn công này. (Nguồn: AP)

Tuy cái gọi là "vũ khí hóa học" có thể chỉ là nguyên nhân của một phần nhỏ trong số 400.000 người Syria thiệt mạng trong cuộc nội chiến, nhưng đối với phương Tây nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung, việc sử dụng loại vũ khí nguy hiểm này là điều không thể chấp nhận được.

Thủ tướng Anh Theresa May từng lên tiếng về sự lỏng lẻo của lệnh cấm toàn cầu đối với vũ khí hóa học. Trong khi đó, Thomas Markram - quan chức cấp cao của Liên hợp quốc về giải trừ vũ khí đã phát biểu trước Hội đồng bản an Liên hợp quốc rằng: “Việc sử dụng vũ khí hóa học không thể trở thành một điều hiển nhiên, cũng như việc chúng ta không thể tiếp tục phản bội các nạn nhân của thứ vũ khí nguy hiểm này”.

Cuộc không kích ngày 14/4 không phải là lần đầu tiên Mỹ có động thái răn đe Syria. Cách đây đúng 1 năm, Mỹ đã phóng tên lửa vào một sân bay quân sự của Syria nhằm đáp trả lại một cuộc tấn công bằng thứ được cho là "khí sarin" vào dân thường tại Khan Sheikhoun. Tuy nhiên, với những gì cả thế giới đang chứng kiến thì cuộc tấn công đó đã thất bại khi cuộc nội chiến ở Syria chẳng tiến thêm bước khả quan nào và người dân quốc gia Trung Đông này thì vẫn sống trong cái chết cận kề.

Đi về đâu vấn đề Syria?

Cả Washington và Moscow đều nhận thấy rằng, việc đối đầu quân sự trực tiếp giữa hai bên ở Syria có thể khiến tình hình xấu đi nhanh chóng và chắc chắn cả hai sẽ tìm mọi cách để tránh xảy ra điều này. Tuy nhiên, rất có thể Moscow vẫn lặng lẽ khuyến khích đồng minh của mình ở Syria tấn công quân đội Mỹ ở phía Đông dòng sông Euphrates và dọc theo biên giới Iraq - Syria.

Cảnh hoang tàn do chiến sự ở Arbin, Đông Ghouta, ở ngoại ô thủ đô Damascus, ngày 24/3. (Nguồn: Getty Images)

Phía Mỹ đã tuyên bố kết thúc chiến dịch quân sự trên đất Syria sau cuộc tấn công chớp nhoáng. Mục tiêu của Mỹ là hai cơ sở hóa học và một cơ sở quân sự, được coi là kho chứa vũ khí hóa học. Trong khi đó, phản ứng của phía Nga là những lời chỉ trích về cơ hội hòa bình ở Syria.

Suy cho cùng, cuộc tấn công lần này của Mỹ, Anh và Pháp có thể chẳng tạo ra bất cứ thay đổi nào cho tình hình chiến sự tại Syria cũng như các khu vực lân cận. Có chăng, nó chỉ là  tuyên bố hùng hồn của phương Tây để trấn áp lại những hoạt động của Nga mà thôi.