📞

Để bảo vệ mình trước Trung Quốc đang trỗi dậy, EU có rất nhiều việc phải làm

11:10 | 29/11/2019
TGVN. EU lần đầu tiên trong lịch sử phải nỗ lực bảo vệ các lợi ích của mình, xây dựng ảnh hưởng đối với các nước này, đúng như những gì Trung Quốc đang làm và Mỹ đã làm trong quá khứ.    
Chủ tịch sắp mãn nhiệm EC Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel: Đầu năm nay, EU đã coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh mang tính hệ thống”. (Nguồn: AFP)

Mỹ thờ ơ và tham vọng của Trung Quốc...

Có hai thực tế đang là nền tảng cho định hướng chính sách của Liên minh châu Âu (EU) đối với Trung Quốc. Thứ nhất, Mỹ hiện thờ ơ với sự tồn vong của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Về cơ bản, châu Âu phải một mình bảo vệ sự quản trị quốc tế mà nhờ đó châu Âu đã phát triển thịnh vượng. Thứ hai, Trung Quốc đang xây dựng một mạng lưới kinh tế toàn cầu lấy nước này làm trung tâm.

Điều này có thể thấy trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), nỗ lực của Trung Quốc muốn trở thành lãnh đạo về công nghệ, và có phần ít rõ ràng hơn ở sự quan tâm đến việc thống trị tiền tệ mà ở đó công nghệ thanh toán và đồng nhân dân tệ kỹ thuật số mới sẽ là một phần. Tác động sẽ là đẩy các nước đi theo các quy tắc và nền kinh tế của Trung Quốc, thay vì châu Âu.

Suy cho cùng, hai thực tế này có nghĩa là EU lần đầu tiên trong lịch sử phải nỗ lực bảo vệ các lợi ích của mình. Trước hết là phải khôi phục bản thân như một điểm hấp dẫn đối với các nước thứ ba và xây dựng ảnh hưởng đối với các nước này, đúng như những gì Trung Quốc đang làm và Mỹ đã làm trong quá khứ. Đầu năm nay, Brussels đã coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh mang tính hệ thống”.

7 điều cần làm để giải quyết sự cạnh tranh

Thứ nhất là phải đưa ra một tầm nhìn cho tương lai cụ thể và hấp dẫn như Bắc Kinh đã làm. BRI mạnh mẽ không chỉ vì có các nguồn lực đằng sau nó, mà còn vì tham vọng của việc đưa lục địa Á-Âu (và những khu vực khác) đến gần nhau hơn. EU và các quốc gia thành viên nên thống nhất để có một tầm nhìn tham vọng tương tự về việc hợp nhất lục địa châu Âu và khu vực lân cận, bao gồm mạng lưới năng lượng, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông xanh tiên tiến và một thị trường chung thực sự, nơi người tiêu dùng có những sự lựa chọn bình đẳng cho dù họ sống ở bất kỳ đâu tại châu Âu.

Thứ hai, hỗ trợ nhiều hơn, đặc biệt cho khu vực Đông và Đông Nam châu Âu. 17 quốc gia tham gia diễn đàn BRI 17+1 ở Bắc Kinh không phải vì Trung Quốc đặt nhiều tiền lên bàn, mà vì châu Âu hỗ trợ cho họ ít hơn. Khu vực này vẫn là phần ít được kết nối nhất của châu Âu. Điều đó phải thay đổi.

Thứ ba, tạo sự ưu đãi rõ ràng và hấp dẫn hơn cho các quốc gia chưa thể sẵn sàng trở thành thành viên đầy đủ của thị trường chung.

Thứ tư, sử dụng "cây gậy và củ cà rốt". Các quốc gia chọn không liên kết với EU sẽ phải đối mặt với các rào cản mà châu Âu đặt ra để bảo vệ các giá trị và lợi ích của mình. Các rào cản này có thể bao gồm thuế khí thải carbon với những nước không tham gia chống biến đổi khí hậu hay hạn chế luồng dữ liệu đối với những nước không tôn trọng quyền dữ liệu mà châu Âu ra sức bảo vệ.

Thứ năm, dù công khai về sự cạnh tranh có hệ thống, nhưng vẫn phải xác định rõ ràng các lợi ích trong đó EU và Trung Quốc có thể làm việc cùng nhau như những đối tác bình đẳng. Chống biến đổi khí hậu là một lĩnh vực có thể hợp tác.

Thứ sáu, tìm kiếm những lĩnh vực phù hợp với vai trò đầy đủ của Trung Quốc trong việc định hình quản trị toàn cầu. Cả Trung Quốc và EU đều không muốn thấy quá trình toàn cầu hóa bị đảo ngược và cả hai đều có lợi ích chính đáng trong việc định hình các quy tắc thương mại toàn cầu trong tương lai. Cải cách tiền tệ toàn cầu, đặc biệt là khi công nghệ thanh toán phát triển nhanh chóng.

EU cần xây dựng ảnh hưởng đối với các nước thứ ba, giống như Trung Quốc đang làm và Mỹ từng làm. (Nguồn: Pageo)

Học cách khai thác thế mạnh

Thứ bảy, EU cần nhận thức rõ hơn về những điều mình làm tốt để có thể hấp dẫn những người khác. Ví dụ, trong chính sách công nghệ, nhiều người châu Âu băn khoăn về việc không có cái tương đương như Google hoặc Facebook, trong khi hệ điều hành Linux có nguồn gốc từ châu Âu không được biết đến nhiều. Google và Facebook kiếm lợi nhuận lớn từ quảng cáo. Trong khi đó, Linux là nền tảng miễn phí và có mặt khắp nơi trong thế giới kỹ thuật số. Cái nào có tác dụng nhiều hơn đối với khả năng sản xuất của châu Âu và của thế giới?

Thay vì ghen tị với các nhà độc quyền công nghệ của Mỹ, hay che giấu dữ liệu mù quáng của Trung Quốc, châu Âu phải học cách thấy rằng nhiều đặc tính của mình, như cạnh tranh và các quy định riêng tư khắt khe hơn, không phải là điểm yếu mà là điểm mạnh.

Ví dụ, mới đây EU và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận bảo vệ các chỉ dẫn địa lý của các sản phẩm thực phẩm chất lượng cao. Thường bị xem như một sự châm biếm khó chịu của chủ nghĩa bảo hộ châu Âu, nhưng hóa ra các chỉ dẫn địa lý lại hấp dẫn đối với các quốc gia khác - ngay cả Trung Quốc. Đó là một trường hợp rất nhỏ về phát huy ảnh hưởng mềm của EU mà đó có thể là sự động viên cho tham vọng lớn hơn.

(theo Financial Times)