📞

Đến lượt ông Modi “tranh thủ” ngành công nghệ Mỹ

13:10 | 16/09/2015
Sự hiện diện của người đứng đầu Chính phủ Ấn Độ tại Thung lũng Silicon (bang California) vào cuối tháng Chín này cho thấy, mối quan tâm lớn của New Delhi trong hợp tác công nghệ với quốc gia đang dẫn đầu công nghệ thế giới.
Ông Modi trông đợi sự chào đón nồng ấm của giới công nghệ Mỹ. (Nguồn: VOA)

"Tôi đã có cơ hội gặp Thủ tướng Modi ở Ấn Độ vào năm ngoái và thật là một vinh dự khi có cơ hội đón chào ông ấy ở đây" - Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg viết trên trang cá nhân của mình hôm 13/9. "Thủ tướng Modi và tôi sẽ thảo luận về cách các cộng đồng có thể cùng làm việc để giải quyết các thách thức kinh tế và xã hội".

Người sáng lập mạng xã hội lớn nhất thế giới đã mời đặt câu hỏi cho cuộc gặp với nhà lãnh đạo Ấn Độ tại trụ sở chính của Facebook ở Menlo Parkf và hơn 22.000 ý kiến đã phản hồi chỉ sau chưa đầy 12 tiếng đồng hồ. Điều gì đằng sau việc ông Modi trở thành khách mời VIP của Facebook hay rộng hơn là chuyến công du đầu tiên của một nhà lãnh đạo Ấn Độ đến vùng duyên hải miền Tây nước Mỹ trong hơn 3 thập kỷ qua?

Rõ ràng, ông Narendra Modi đang tìm kiếm điều gì đó hơn là các mối liên kết hời hợt trong chuyến thăm hai ngày (26-27/9) đến California – một trong những bang dẫn đầu Mỹ về phát triển công nghệ. Nhà lãnh đạo Ấn Độ hy vọng sẽ nhận được sự chào đón nồng ấm từ ngành công nghiệp công nghệ cao của Mỹ - vốn đã có sự kết nối mạnh mẽ với Ấn Độ và một cộng đồng Ấn kiều phát triển mạnh.

Cái bắt tay giữa Ấn Độ và California trở nên quan trọng đối với ông Modi trong bối cảnh nhà lãnh đạo 64 tuổi đang cố gắng thu hút đầu tư nhiều hơn vào Ấn Độ, hiện là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Khi Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác sụt giảm, ông Modi - người nhậm chức Thủ tướng cách đây 16 tháng, đang tìm cách định vị Ấn Độ như một trung tâm mới về sản xuất và ngành công nghiệp kỹ thuật số. Ông còn cam kết sẽ xóa sổ nạn quan liêu, vốn đã làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài trong một thời gian dài.

Ông Venktesh Shukla, một nhà đầu tư ở California cho rằng, chuyến thăm mang tính biểu tượng ở chỗ, “cuối cùng thì Chính phủ Ấn Độ đã hiểu rằng, công nghệ và đổi mới là quan trọng đối với đất nước họ". Để tranh thủ Thung lũng Silicon, ông Modi không chỉ dựa vào những mối quan hệ sẵn có với Mumbai – trung tâm tài chính và Bangalore - trung tâm công nghệ cao mà còn phải trực tiếp lôi cuốn cả những người nhập cư Ấn Độ - về cơ bản là ủng hộ chính sách thân thiện với doanh nghiệp của ông.

Ước tính, có gần 3 triệu người gốc Ấn đang sinh sống tại Mỹ, trong đó có nửa triệu người sống ở khu vực vịnh San Francisco. Và, điều thú vị hơn cả là những giám đốc điều hành của những đại gia trong làng công nghệ như như Google, Microsoft, Adobe… đều là người Ấn Độ.

Không phải vô cớ mà chuyên gia an ninh mạng Subimal Bhattacharjee, cựu lãnh đạo tập đoàn thông tin Mỹ General Dynamics tại Ấn Độ đánh giá chuyến thăm sắp tới của ông Modi là nỗ lực có tính toán để “tận dụng mối liên hệ giữa ông với cộng đồng Ấn kiều ở hải ngoại và lôi kéo sự tham gia của họ vào đúng thời điểm Ấn Độ chứng tỏ được hướng đi đúng đắn của mình”.

Trên thực tế, rất ít nhà lãnh đạo thế giới có thể “đăng đàn” tại một đấu trường thể thao lớn của Mỹ như ông Modi đã làm trong lần phát biểu tại sân vận động đa năng Madison Square Garden ở New York vào năm ngoái. Và, Thủ tướng Ấn Độ dự định sẽ lặp lại điều đó vào ngày 27/9, tại San Jose. Một nhóm người Mỹ gốc Ấn Độ sẽ tổ chức một "cuộc gặp cộng đồng" cho ông Modi tại Trung tâm SAP – nhà thi đấu với 19.000 ghế ngồi, song hơn 45.000 người đã đặt chỗ…

Tất nhiên, lịch trình bay nửa vòng trái đất để đến Mỹ của người đứng đầu Chính phủ Ấn Độ không chỉ bao gồm những hoạt động tại California. Trước đó, ông Modi sẽ phát biểu tại một hội nghị về phát triển bền vững của Liên hợp quốc tại New York và sau các cuộc tiếp xúc tại San Francisco, ông sẽ trở lại New York để gặp song phương với Tổng thống Obama.

Chuyến thăm cho thấy nỗ lực không mệt mỏi của Thủ tướng Modi trong việc xây dựng lại mối quan hệ với Mỹ. Bỏ qua chuyện ông từng bị cấm nhập cảnh vào Mỹ do cáo buộc liên quan tới làn sóng bạo động ở bang Gujarat năm 2002; bỏ qua cả chuyện nhà ngoại giao Ấn Độ tại New York bị các cơ quan chức năng Mỹ buộc tội gian lận giấy tờ hộ chiếu, sau bốn tháng nhậm chức, ông Modi đã tiến hành chuyến thăm Washington lần đầu tiên, đánh dấu bước tiến mới hướng tới mối quan hệ đối tác chiến lược thực sự giữa Ấn Độ và Mỹ.

Chuyến công du tới Mỹ lần thứ hai của ông Modi sau đúng một năm mang thông điệp: Sóng gió chỉ còn trong quá khứ và nói như ngôn ngữ trong yoga, quan hệ New Delhi và Washington đang “ấm dần lên” theo một cách toàn diện hơn.

Hạnh Diễm