📞

Đi Hakwon ở Hàn Quốc

12:00 | 14/02/2016
Hàn Quốc, chịu ảnh hưởng sâu sắc của Khổng giáo, là quốc gia đặc biệt coi trọng giáo dục. Hỏi bất cứ học sinh nào, từ tiểu học tới đại học ở xứ này rằng: "Sau giờ học bạn làm gì?", đa phần câu trả lời sẽ là: "Đi Hakwon".

Hakwon, chuyển ngữ tiếng Hán là Học viện, tương tự như trung tâm giáo dục. Đây là nơi mà bạn có thể tiếp cận vô số khóa học - từ bổ sung kiến thức trên lớp, luyện thi đại học, năng khiếu, học kỹ năng mềm, cho tới cách pha cà phê, viết thư pháp hay học kinh Phật…

 

Học trực tuyến

Đây là hình thức học phổ biến ở Hàn Quốc. Các lớp học trực tuyến không chỉ được ứng dụng trong trường đại học, mà mở rộng sang cả trung tâm giáo dục tư nhân. Học trực tuyến giúp người học tiếp cận nhanh hơn với tri thức, theo phương thức tiện lợi và tiết kiệm tối đa.

Những chứng chỉ do các trung tâm tư nhân cấp đều phải thông qua đăng ký và kiểm định của các cơ quan có thẩm quyền, nhằm tránh hiện tượng chứng chỉ "ma".

Hình thức học trực tuyến phổ biến trong các trường đại học, đặc biệt là những buổi giảng của các giáo sư nước ngoài. Các video bài giảng đều được lưu lại để sinh viên dễ dàng tìm lại và luyện tập sau khi giờ học kết thúc. Internet ở Hàn Quốc là mạng tốc độ cao nên kết nối rất tốt, ít khi xảy ra sự cố như ở Việt Nam.

Đa phần người dân Hàn Quốc dùng điện thoại thông minh (smartphone). Mạng không dây (wifi) được sử dụng miễn phí trong khuôn viên các trường đại học, trung tâm thương mại, tàu điện ngầm… Khi sang xứ Kim chi, bạn không thể không ngạc nhiên khi gặp những người lao công hay nhân viên bảo vệ nói chuyện, bình luận về chính trị thế giới hay âm nhạc cổ điển… Tất cả thông tin đều được cập nhật từng ngày, từng giờ, tới mọi đối tượng trong xã hội. Nhiều trung tâm giáo dục đang triển khai các chương trình học trực tuyến qua phần mềm điện thoại.

Cạnh tranh thứ hạng

Đánh giá đại học ở Hàn Quốc rất gắt gao. Nếu các trường không đầu tư công nghệ, hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ nghiên cứu cho các giáo sư thì sẽ bị tụt hạng trong bảng xếp hạng các trường đại học và lượng sinh viên lựa chọn trường để học tập sẽ giảm dần. Học sinh cấp ba khi tham quan các trường đại học nhất định phải ghé thăm thư viện chính. Qua chuyến tham quan đó, học sinh có thể đánh giá về cơ sở vật chất và cân nhắc lựa chọn trường nào để đăng ký thi.

Tác giả học tập và sinh sống ở Hàn Quốc từ năm 2010-2014 (một năm học tiếng và ba năm học thạc sĩ chuyên ngành Khoa học Chính trị và Ngoại giao) hiện làm điều phối chương trình cho Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation) tại Việt Nam.

Với bất kỳ máy tính nối mạng nào trong hệ thống của trường, học viên đều có thể truy cập vào những trang dữ liệu, trong đó có đăng tải và cho phép tải xuống luận văn hay tiểu luận bằng nhiều thứ tiếng. Trường đã đăng ký sẵn ID và trả tiền bản quyền nên sinh viên có thể thoải mái tải về học. Ngay cả khi ra ngoài khuôn viên trường, thông qua trang chủ của thư viện và ID được cấp, sinh viên của trường vẫn có quyền truy cập và đọc những tài liệu đó.

Việc rà soát bản quyền tại Hàn Quốc rất được coi trọng, muốn dùng bất cứ một tác phẩm, bài viết, sách báo, âm nhạc, tranh vẽ, ảnh chụp… nào học viên đều phải được cho phép và phải trích dẫn. Khi viết luận văn, học viên phải gửi tới một hệ thống kiểm duyệt. Các đoạn sao chép, trích dẫn không ghi nguồn đều bị đánh dấu. Nếu không qua được bước kiểm duyệt, luận văn sẽ không được chấp nhận. Dù vậy, đôi khi hệ thống này cũng gây phiền toái cho người viết bởi câu mở đầu dẫn chuyện của đa phần luận văn là giống nhau, dù bạn không hề sao chép…

Dịch vụ "công nghệ cao"

Không chỉ hỗ trợ cho việc giảng, dạy trực tiếp, công nghệ cao cũng được ứng dụng trong nhiều mảng và dịch vụ giáo dục. Và đôi khi, những ứng dụng nho nhỏ đó giúp cho việc học của sinh viên thú vị theo cách rất riêng.

Ví dụ, phần lớn giáo sư đều sử dụng trình chiếu cho bài giảng của mình. Nhưng cũng có không ít lần, một số giáo sư lớn tuổi lại thích viết phấn. Bởi vậy, nhà trường phải trang bị… máy lau bảng. Nhiều lúc nghe tiếng máy chạy rẹt rẹt, quét qua quét lại, cũng thấy vui tai. Sinh viên thì không phải nhúng tay vào nước lạnh khi đi giặt khăn lau bảng.

Hay trong mấy năm học ở Đại học quốc gia Chonbuk, chẳng mấy khi tôi phải lên phòng phụ trách sinh viên, dù sinh viên nước ngoài luôn có nhiều loại giấy tờ phải giải quyết hơn sinh viên Hàn. Thay vì lên trực tiếp xin giấy chứng nhận sinh viên và bảng điểm, ở mỗi trường đều có máy rút giấy chứng nhận tự động. Chỉ cần đăng nhập bằng mã số sinh viên và thẻ căn cước công dân, đút tiền vào khe - y như ở máy bán nước tự động, hoạt động 24/24, bạn có thể rút giấy chứng nhận sinh viên trường, giấy chứng nhận tốt nghiệp, bảng điểm, chứng nhận học bổng hay thông tin người học, bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt với giá từ 300-600 Won (5.500-11.000 VNĐ), có dấu đỏ và logo dập chìm của trường.

Từ trường hợp Hàn Quốc, có thể thấy, ứng dụng công nghệ trong giáo dục không chỉ là những dự án, công trình nghiên cứu giảng dạy vĩ mô mà có thể bắt nguồn từ chính nhu cầu tiện ích thực tế hàng ngày. Việt Nam cũng đang được Hàn Quốc hỗ trợ rất nhiều trong các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực, dự án xây dựng trường đại học mạng ASEAN, chương trình bài giảng trực tuyến với giáo sư Hàn Quốc tại một số trường đại học trọng điểm. Hy vọng trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của thế giới.