📞

Dịch Covid-19: Trào lưu dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc cần 'đặc biệt lưu ý'

09:44 | 24/05/2020
TGVN. Báo Sankei ngày 21/5 có bài viết phân tích hiện tượng dịch chuyển khỏi Trung Quốc trở thành trào lưu của thế giới. 
Cùng với dịch Covid-19, trào lưu dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc đang trở thành chủ đề nóng hổi. (Nguồn: NY Times)

Kể từ tháng 4/2020, cụm từ "dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc" đã xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin truyền thông của Trung Quốc và trở thành chủ đề nóng hổi. Các cơ quan truyền thông đều nêu bật việc các nước dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, đồng thời cho rằng cần phải tìm mọi giải pháp để có thể ngăn chặn xu hướng này.

Ngày 15/4, tờ báo Tân kinh của Trung Quốc đã đăng bài viết với tiêu đề "Ngăn chặn xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc". Bài báo cho biết, sau khi cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ bắt đầu, đặc biệt là kể từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 lan rộng ra phạm vi toàn thế giới, doanh nghiệp các nước đã bắt đầu kế hoạch dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á.

Trang tin tức của tờ báo Tài chính kinh tế ngày 27/4 cũng đăng bài báo dài với tiêu đề "Sóng ngầm xu hướng rời khỏi Trung Quốc trong ngành công nghiệp chế tạo". Cũng giống như tờ Tân kinh, tờ Tài chính kinh tế nêu ra các trường hợp cụ thể, trong đó, nổi bật là xu hướng của các doanh nghiệp Nhật Bản và Mỹ đang tìm mọi cách để đưa các cơ sở sản xuất ra khỏi nước này.

Đến ngày 28/4, tờ Kinh tế tài chính cũng có bài báo về chủ đề dịch chuyển khỏi Trung Quốc dưới hình thức giới thiệu phát biểu của ông Mao Chấn Hoa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế Đại học nhân dân Trung Quốc.

Bài báo cho biết, trong buổi tọa đàm trực tuyến, ông Mao Chấn Hoa đã đưa ra dự báo bi quan về tăng trưởng kinh tế thế giới, tỷ lệ tăng trưởng của kinh tế thế giới năm 2020 có thể đạt 0%, đồng thời cảnh báo về làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc bởi các nước dẫn dắt kinh tế thế giới như Mỹ.

Ông Mao Chấn Hoa cũng cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung do Mỹ phát động là bước đầu trong xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Thời gian tới, khi Mỹ lôi kéo được các nước đồng minh thì xu hướng này còn gia tăng hơn nữa và có thể hình thành trật tự kinh tế không Trung Quốc và cực kỳ bất lợi đối với nước này.

Tiếp theo đó, vấn đề "dịch chuyển khỏi Trung Quốc" cũng trở thành một chủ đề lớn được đưa ra thảo luận tại hội thảo trực tuyến "Lựa chọn chính sách và kinh tế thế giới" ngày 9/5. Hội thảo do trang thông tin chính thức của Đài truyền hình Phượng hoàng (Hong Kong -Trung Quốc) liên kết với Viện tài chính cấp cao Đại học Giao thông Thượng Hải và Viện nghiên cứu phát triển quốc gia Đại học Bắc Kinh tổ chức.

Trong buổi ký kết hiệp định mới về trao đổi tiền tệ giữa ngân hàng trung ương 9 nước, Ông Lý Dương, Ủy viên Viện khoa học xã hội Trung Quốc, Giám đốc Phòng Thực nghiệm chính sách và phát triển quốc gia cũng đề cập việc các quốc gia "phớt lờ" sự tồn tại của Trung Quốc và đồng nhân dân tệ, đồng thời cho rằng "liên minh tiền tệ thế giới" đang hình thành và xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc của hệ thống lưu thông hàng hóa là không đáng tin cậy.

Phát biểu tại tọa đàm trên, ông Long Vĩnh Đồ, nguyên Thứ trưởng Bộ Kinh tế thương mại đối ngoại Trung Quốc cho rằng một bộ phận người dân ở nước ngoài đã bắt đầu nói về xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc và nước này cần đặc biệt lưu ý.

Cảnh báo của ông Long Vĩnh Đồ rất được chú ý vì ông chính là đại diện đàm phán của phía Trung Quốc khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Những nhân vật quan trọng trong các giới của Trung Quốc đều đồng loạt thể hiện sự quan ngại sâu sắc đối với xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc và có thể nói lo ngại của họ là hoàn toàn có cơ sở. Việc di chuyển các cơ sở sản xuất, chuỗi cung ứng thế giới khỏi Trung Quốc đang trở thành xu hướng lớn và trực tiếp đe dọa kinh tế nước này.

Xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc của các nước trên thế giới không giới hạn ở lĩnh vực kinh tế. Khi Trung Quốc có hành vi che giấu thông tin về dịch Covid-19, cung cấp sản phẩm y tế kém chất lượng cho các nước, tranh thủ tình trạng hỗn loạn để gia tăng hành động mang tính quân sự ở một số vùng biển thì cộng đồng quốc tế hoàn toàn có thể đánh giá lại nhiều mặt và kết quả là "xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc" sẽ lan dần sang các lĩnh vực khác chứ không riêng lĩnh vực kinh tế.

(theo Sankei)