📞

Điều gì xảy ra khi Mỹ, Nga rút khỏi “hòn đá tảng cho hòa bình của thế giới” INF?

17:59 | 15/03/2019
INF đã có lúc được gọi là “hòn đá tảng cho hòa bình của thế giới”, phát huy vai trò thúc đẩy tích cực đối với việc cắt giảm vũ khí hạt nhân, thúc đẩy hòa bình và ổn định an ninh thế giới. Vậy thì sau khi Mỹ và Nga rút khỏi INF, tình hình sẽ như thế nào?

Sau khi Tổng thống Donald Trump đề nghị rút khỏi INF, Nga lập tức đệ trình lên Liên hợp quốc một dự thảo nghị quyết về tiếp tục duy trì và củng cố INF. Tuy nhiên, dự thảo đã bị phủ quyết. Cho dù Nga rất bối rối đối với tình huống này, cho rằng việc Mỹ rút khỏi INF vừa không hợp lý vừa không khôn ngoan, nhưng việc muốn dựa vào Liên hợp quốc để giải quyết vấn đề của Nga đã không còn khả thi.

Tuy nhiên, Nga vẫn cố gắng thực hiện những nỗ lực sau cùng. Ngày 23/1/2019, lần đầu tiên, Nga công bố tên lửa 9M729, sử dụng để phản bác việc Mỹ cho rằng loại tên lửa này vi phạm INF, đồng thời có ý khuyên Washington tiếp tục ở lại INF. Nhưng Mỹ và các thành viên khác của NATO vẫn không thay đổi quan điểm. Điều này đồng nghĩa với việc chủ tâm rút khỏi INF của hai bên đã được xác định.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhấn mạnh “Phát biểu chính thức của đại diện Chính phủ Mỹ về tạm ngừng thực hiện INF và tuyên bố rút khỏi hiệp ước của ông Trump đã cho thấy rõ nguyên nhân thật sự của việc áp dụng biện pháp này. Đó chính là Washington muốn đảm bảo tự mình có thể hoàn toàn tự do lựa chọn biện pháp đối phó với các quốc gia có tên lửa tầm ngắn và tầm trung trên mặt đất và bị Mỹ cho là đối thủ địa chính trị”.

Nga rất coi trọng Hiệp ước INF. (Nguồn: Sputnik)

INF đã có lúc được gọi là “hòn đá tảng cho hòa bình của thế giới”, phát huy vai trò thúc đẩy tích cực đối với việc cắt giảm vũ khí hạt nhân, thúc đẩy hòa bình và ổn định an ninh thế giới. Vậy thì sau khi Mỹ và Nga rút khỏi INF, tình hình sẽ như thế nào?

Một mũi tên trúng nhiều đích

Một là cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân vòng mới giữa Mỹ và Nga sẽ không còn trở ngại. Do chiến lược quân sự của Mỹ và Nga khác nhau, trong phát triển tên lửa tầm trung cũng có sự khác biệt. Mỹ nghiêng về phát triển trên lửa tầm trung trang bị cho máy bay, tàu chiến và các loại tên lửa phóng từ máy bay và tàu chiến này không nằm trong danh mục phá hủy, trong khi Nga phần lớn lại phát triển tên lửa tầm trung trên mặt đất nên số lượng phá hủy nhiều hơn Mỹ.

Mặc dù nỗ lực khôi phục INF ở thế yếu, Nga biết rõ nỗ lực này là vô ích. Đương nhiên, mục đích của Mỹ rất rõ ràng, động thái này để kiềm chế chiến lược tổng thể của Nga, việc Nga có vi phạm hiệp ước hay không không quan trọng, đây chẳng qua chỉ là lý do ngụy trang để gây sức ép với Nga, tiến tới dọn sạch các trở ngại cho việc chạy đua vũ khí hạt nhân.

Hai là Mỹ rút khỏi hiệp ước có thể đạt được hiệu quả “một mũi tên đạt được nhiều mục đích”. Lần này Mỹ kiên quyết rút khỏi INF với ý định đạt được nhiều mục đích quan trọng: một là đổ bỏ trách nhiệm vi phạm hiệp ước lên đầu Nga; hai là nới lỏng ràng buộc cho sự phát triển và bố trí tên lửa tầm trung của mình; ba là dọn sạch trở ngại cho việc chạy đua vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga; bốn là gia tăng sức ép buộc châu Âu gánh vác chi phí quốc phòng nhiều hơn để củng cố đồng minh chống lại Nga.

Mất cân bằng chiến lược toàn cầu

Ba là Mỹ và Nga rút khỏi hiệp ước sẽ làm trầm trọng sự mất cân bằng chiến lược toàn cầu. Xét từ sự chỉ trích lẫn nhau và hiện trạng tranh chấp giữa Mỹ và Nga trong những năm gần đây, việc hai bên rút khỏi INF dường như là hiển nhiên, điều này nhất định sẽ phá hoại nghiêm trọng đối với việc hạn chế tên lửa đạn đạo, không phổ biến vũ khí hạt nhân, cắt giảm vũ khí chiến lược giai đoạn 3, cũng như nền tảng của sự ổn định chiến lược toàn cầu đã được duy trì trong hơn nửa thế kỷ qua, đồng thời làm gia tăng sâu sắc sự quan ngại của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu đối với an ninh của mình.

Mỹ và Nga rút khỏi hiệp ước sẽ làm trầm trọng sự mất cân bằng chiến lược toàn cầu.

Trước đó, Chủ tịch ủy ban đối ngoại thuộc Duma Nga Leonid Slutsky nhấn mạnh Mỹ rút khỏi INF và rất có thể sẽ không tiếp tục ký “hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược”, sẽ dẫn đến việc Mỹ rút khỏi “hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân”, kéo theo chiến tranh lạnh và chạy đua vũ trang thật sự, điều này sẽ đưa thế giới đến gần bờ vực chiến tranh hạt nhân.

Xem ra việc Mỹ rút khỏi hiệp ước hiện nay chẳng qua chỉ là một thủ thuật. Trên thực tế, cho dù có rút khỏi INF hay không, Mỹ cũng đã bắt đầu hành động. Theo trang mạng “Tin tức quốc phòng” của Mỹ ngày 29/1/2019, đầu đạn hạt nhân đương lượng nổ thấp đã bắt đầu đưa vào sản xuất và sẽ chuyển giao cho hải quân Mỹ cuối năm nay. Điều này đồng nghĩa với bức màn chạy đua vũ khí hạt nhân vòng mới đã được vén lên. Dựa trên cơ sở này, Nga sẽ không tự làm tổn thương mình, nhất định sẽ phát triển mạnh tên lửa tầm ngắn và tầm trung cũng như vũ khí tên lửa tầm trung trong thời gian ngắn để bù đắp cho những khoảng trống tấn công chiến lược.

Có phân tích cho rằng, Mỹ phát triển đầu đạn hạt nhân đương lượng nổ thấp sử dụng cho tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm lớp Trident, nhất định sẽ giảm thấp rào cản sử dụng đầu đạn hạt nhân của Mỹ và có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng hạt nhân lớn hơn. Ngoài ra, chương trình nghiên cứu và sản xuất đầu đạn hạt nhân kiểu mới đồ sộ của Mỹ nhất định sẽ kích thích các nước lớn hạt nhân, đặc biệt là Nga áp dụng biện pháp ứng phó, dẫn đến chạy đua vũ khí hạt nhân vòng mới, từ đó làm trầm trọng hơn sự mất cân bằng chiến lược toàn cầu.

 

(theo TTXVN)