Giáo sư Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế và An ninh, Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) đã nhận định như vậy trong bài viết đăng trên The Straits Times. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Trung Quốc tìm cách chia rẽ
Hội nghị Ngoại trưởng đặc biệt ASEAN - Trung Quốc ngày 14/6 cho thấy ASEAN một lần nữa bị chia rẽ, dù quả thực các Ngoại trưởng ASEAN đã thống nhất được một tuyên bố báo chí bày tỏ mối lo ngại của các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Việc này làm người ta nhớ lại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN năm 2012 khi Campuchia đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN. Khi đó, Ngoại trưởng 10 nước thành viên Hiệp hội lần đầu tiên đã không đưa ra được tuyên bố chung.
Hội nghị Ngoại trưởng đặc biệt ASEAN - Trung Quốc. (Ảnh: AP) |
Có thể nói Trung Quốc đang nỗ lực chia rẽ ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Sự khác biệt cơ bản giữa các thành viên chính là cách tiếp cận của từng nước đối với vấn đề Biển Đông. Những quốc gia hải đảo lớn hơn trong khu vực, đặc biệt là Philippines, thể hiện rõ thái độ không khoan nhượng đối với tuyên bố chủ quyền hầu hết diện tích Biển Đông của Trung Quốc. Các thành viên lục địa nhỏ hơn như Campuchia và Lào được Trung Quốc “ưu ái”. Do đó, đương nhiên, khi tranh chấp biển gia tăng, Bắc Kinh sẽ lôi kéo các nhân tố dễ bị tác động trong Hiệp hội, từ đó ảnh hưởng tới tinh thần đoàn kết, yếu tố góp phần củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong suốt quá trình khu vực hóa hơn nửa thế kỷ qua.
Bắc Kinh khăng khăng việc Manila kiện nước này lên Tòa trọng tài thường trực (PCA) theo Công ước luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) từ năm 2013, liên quan tới tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông là sự coi thường mong muốn giải quyết các vấn đề hàng hải của Bắc Kinh trên cơ sở song phương, theo Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) năm 2002.
Để đạt được mục đích, trên thực tế, Trung Quốc đang tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế và trong nội bộ ASEAN trước thềm phán quyết của PCA. Cụ thể, Trung Quốc đã tuyên bố có các thỏa thuận riêng với một số thành viên Hiệp hội, cam kết rằng phán quyết của PCA sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ ASEAN - Trung Quốc. Trung Quốc cũng cho rằng, những “người ngoài” như Mỹ không phê chuẩn UNCLOS 1982, đứng về phía đối thủ của Bắc Kinh sẽ chỉ làm cho vấn đề tồi tệ hơn.
Trong khi đó, Philippines có quan điểm hoàn toàn ngược lại. Manila lập luận căng thẳng bắt nguồn từ những tuyên bố hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trên vùng biển này. Đặc biệt, bản đồ “đường chín đoạn” mở rộng của Bắc Kinh bao gồm các vùng biển tiếp giáp với Philippines chính là gốc rễ căng thẳng giữa hai nước. Vì vậy, Manila phải tìm kiếm tất cả các biện pháp đấu tranh có thể. Đầu tiên, Philippines hướng tới một lập trường thống nhất trong ASEAN nhằm chống lại thái độ quyết đoán của Trung Quốc. Nhưng khi giải pháp này không khả thi, đặc biệt là khi ASEAN không thể đưa ra một bản thảo Bộ quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC), Manila phải lựa chọn một kênh giải quyết tranh chấp khác là biện pháp pháp lý tại Liên hợp quốc, đồng thời tìm đến Mỹ với vai trò là đồng minh hiệp ước.
Gần đây, Philippines cũng đã phối hợp chặt chẽ hơn với các cường quốc tầm trung trong khu vực, đặc biệt là Australia và Nhật Bản. Dù thế nào, Manila cũng không chấp nhận một tối hậu thư song phương từ Bắc Kinh. Nói cách khác, Philippines cương quyết không để Trung Quốc bắt nạt trong khi Trung Quốc nỗ lực để không bị ràng buộc bởi trật tự quốc tế do Mỹ đứng đầu.
Đảm bảo ASEAN mạnh mẽ trước “sóng gió”
Tranh chấp Manila - Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông nổi lên là một mối đe dọa đối với những thành tựu mà ASEAN đã đạt được trong những năm qua.
ASEAN đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập vào năm tới, như vậy, vai trò trung tâm của ASEAN đã được thể hiện trong một khoảng thời gian tương đối dài. ASEAN đóng vai trò quan trọng trong các cơ chế hợp tác khu vực, đảm bảo ổn định và thịnh vượng ở khu vực, thể hiện qua các cơ chế như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 1989, Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN năm 1992, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) năm 1994, ASEAN+3 năm 1998, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) năm 2005, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)… Thành tựu nổi bật nhất của Hiệp hội là việc hình thành Cộng đồng ASEAN, chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2016. Cộng đồng bao gồm ba trụ cột: Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội.
Nhiều người “chế giễu” ASEAN và cho rằng ASEAN là những cuộc thảo luận trống rỗng kèm theo hàng trăm cuộc họp. Tuy nhiên, ASEAN đã chứng minh được vai trò kích hoạt tăng trưởng kinh tế và phát triển tại khu vực Đông Nam Á, giữ cho khu vực không bị chiến tranh phá hoại và xung đột trong nhiều thập kỷ. Không những thế, những cơ chế hợp tác do ASEAN làm trung tâm đã trở thành mỏ neo cho nền hòa bình khu vực Đông Á.
Trong bối cảnh hiện tại, ASEAN cần phải nêu bật sự thay đổi đáng báo động đối với nguyên trạng tại Biển Đông, đồng thời thuyết phục Philippines cùng với các nước ASEAN đàm phán một thỏa thuận dựa trên luật pháp với Trung Quốc mà cụ thể là COC. Tất cả các nước lớn trong khu vực phải nhận ra rằng họ có nhiệm vụ đảm bảo một ASEAN đáng tin cậy và mạnh mẽ để làm nền tảng cho hòa bình cũng như ổn định khu vực. Một ASEAN chia rẽ không chỉ là điều tồi tệ với Đông Nam Á mà còn còn ảnh hưởng xấu đến chính các cường quốc khu vực.
Giáo sư Bhubhindar Singh, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore): “Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho biết tại cuộc Đối thoại Shangri-La gần đây rằng vai trò trung tâm của ASEAN là một vị trí được ngầm định. Tất cả các nước lớn công nhận vai trò này của Hiệp hội. Mặc dù vậy, thách thức chính trong những năm tới đối với Hiệp hội là liệu có thể giữ được tinh thần thống nhất nội khối trong bối cảnh cục diện khu vực có nhiều đổi thay, như sự leo thang trong cạnh tranh giữa hai cường quốc Mỹ - Trung Quốc. Một ASEAN chia rẽ không phải là lợi ích của 10 nước thành viên cũng không phải là lợi ích của các cường quốc. Một ASEAN thống nhất mới có thể đảm nhiệm vai trò quan trọng trên trường quốc tế và đóng góp tích cực cũng như lâu dài vào việc giải quyết các vấn đề của thế kỷ XXI”. |